Sự cố tai nạn làm một người chết và hai người khác bị thương ở công trường xây dựng đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông ngày 6/11 vừa qua đã gây nên những lo lắng trong dư luận về công tác đảm bảo an toàn. Ngay sau đó, Bộ Giao thông Vận tải đã phải tạm dừng thi công dự án để rà soát lại công tác đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Triệu Khắc Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) xung quanh vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết những giải pháp mà Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện để khắc phục sự cố tai nạn trên đường sắt Cát Linh - Hà Đông hôm 6/11 vừa qua? Ông Triệu Khắc Dũng: Ngay sau khi xảy ra sự cố tại dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (đường sắt Cát Linh - Hà Đông), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai xử lý sự cố này. Bộ trưởng đã yêu cầu Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cùng các đơn vị liên quan của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xuống ngay hiện trường để chỉ đạo kịp thời công tác cấp cứu và xử lý tai nạn. Lãnh đạo Bộ GTVT đồng thời tổ chức ngay cuộc họp khẩn với các đơn vị liên quan gồm Ban Quản lý dự án đường sắt, Tổng thầu, các đơn vị thầu phụ thi công trên tuyến và yêu cầu đình chỉ thi công ngay lập tức trên toàn tuyến để tiến hành rà soát công tác bảo đảm an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường.
Hiện trường vụ tai nạn đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN |
Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu các đơn vị phối hợp với công an, chính quyền địa phương xác định nguyên nhân xảy ra tai nạn. Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị liên quan trên công trường đến thăm hỏi động viên người bị thương và chia buồn với gia đình người bị nạn. Trong cùng ngày xảy ra tai nạn, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đến tận gia đình nạn nhân thiệt mạng để chia buồn và vào bệnh viện thăm các nạn nhân bị thương. Đây là những việc mà Bộ GTVT trực tiếp làm ngay, điều đó thể hiện trách nhiệm trong việc xử lý sự cố tai nạn và các vấn đề liên quan.
Cùng với việc chỉ đạo về tăng cường công tác rà soát an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã giao trách nhiệm cho Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông khẩn trương xây dựng ngay Chỉ thị về tăng cường công tác lao động, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường cho toàn ngành trên tất cả các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không...
Thực hiện nhiệm vụ mà Bộ trưởng giao, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông đã soạn thảo và trình Bộ trưởng ký ban hành Chỉ thị số 23/CT-BGTVT ngày 11/11/2014 về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong quá trình triển khai thi công các dự án, công trình giao thông.
Về phía Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, ngày 10/11 vừa qua, Cục đã làm việc trực tiếp với Ban Quản lý Dự án đường sắt, Tổng thầu, tư vấn giám sát, các đơn vị thi công nhằm thực hiện việc rà soát chấn chỉnh công tác an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường. Trên cơ sở cuộc họp này, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông đã có văn bản số 2989 ngày 12/11/2014 báo cáo lãnh đạo Bộ GTVT về công tác rà soát an toàn lao động, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và kế hoạch triển khai lại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, trong đó có ba nội dung yêu cầu đối với các chủ thể tham gia.
Thứ nhất thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 23 của Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành ngày 11/11 vừa qua. Thứ hai là yêu cầu Ban Quản lý Đường sắt chỉ đạo các nhà thầu thực hiện ngay các giải pháp, biện pháp về an toàn nêu trên. Có nhiều lĩnh vực về an toàn được yêu cầu chấn chỉnh như an toàn cháy nổ, an toàn về điện trên công trường...; đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn giao thông trong điều kiện vừa thi công vừa đảm bảo giao thông cho nhân dân đi lại trên tuyến và dân cư sống hai bên đường. Đồng thời yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt xây dựng các phương án cụ thể cho từng yêu cầu như trên. Ban Quản lý dự án đường sắt chỉ đạo Tổng thầu, tư vấn giám sát, các đơn vị thi công phải trang bị đầy đủ các thiết bị về y tế để xử lý ngay khi có các tình huống, sự cố tai nạn xảy ra...
Đồng thời cũng phải khẩn trương trang bị, bổ sung thêm các thiết bị về phòng chống cháy nổ, các biển báo giao thông để cảnh báo từ xa cho người đi đường, đồng thời có kế hoạch điều động người chỉ dẫn, hướng dẫn giao thông khi triển khai thi công...
PV: Trong sự cố này, trách nhiệm chính thuộc về đơn vị, cá nhân nào và biện pháp xử lý như thế nào, thưa ông? Ông Triệu Khắc Dũng: Trong vụ việc vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT đã khẳng định, trách nhiệm chính để xảy ra tai nạn thuộc về tổng thầu và tư vấn giám sát. Trách nhiệm trực tiếp là các đơn vị thầu phụ thi công vị trí nhà ga này (Công ty cầu 17 thuộc Tổng công ty Công trình giao thông 1 - Cienco1). Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông khi được phê duyệt cũng đã đưa ra các phương án đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường và an toàn giao cũng như quy định cụ thể trách nhiệm của các đơn vị khi để xảy ra sự cố mất an toàn giao thông. Vì vậy, các cơ quan chức năng sẽ xem xét trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan sau khi có kết luận về nguyên nhân tai nạn của bên công an.
PV: Vậy đến thời điểm này Ban Quản lý dự án đường sắt đã triển khai các yêu cầu của Bộ GTVT như thế nào thưa ông? Ông Triệu Khắc Dũng: Trước tiên phải khẳng định công trường dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông không thể bị đình chỉ lâu bởi hiện nay tiến độ của công trình đang được tính từng ngày để về đích đúng thời hạn. Do đó, việc xem xét, rà soát các nội dung về an toàn lao động, vệ sinh môi trường và an toàn giao thông sẽ được thực hiện một cách khẩn trương để công trường được thi công tiếp.
Ngày hôm nay (12/11), Cục đã ký văn bản báo cáo Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ GTVT về việc rà soát các công tác về an toàn lao động, vệ sinh môi trường và an toàn giao thông. Vấn đề cần xem xét ở đây là khi chúng ta đình chỉ thi công dự án có nghĩa là tất cả các hoạt động trên công trường phải tạm ngừng, không được phép thực hiện bất cứ hoạt động nào. Vì vậy phải cho phép dự án được thi công trở lại để Ban Quản lý Dự án đường sắt chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai các giải pháp về tăng cường an toàn lao động, vệ sinh môi trường và an toàn giao thông. Thí dụ như bổ sung thêm đèn báo, biển tín hiệu, đóng hoặc làm thêm các hệ thống che đậy để che chắn các vật liệu từ trên cao rơi xuống người đi đường. Trong trường hợp tiếp tục đình chỉ thi công thì các đơn vị trên không thể thực thi được các hoạt động này.
Mặt khác, thực tế trong xử lý kỹ thuật của dự án có những hạng mục đang làm dở dang nếu dừng lại quá lâu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Ví dụ như công tác khoan cọc khoan nhồi một số vị trí đang thực hiện mà không thực hiện tiếp nếu để lâu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông đã đề xuất với Bộ GTVT là yêu cầu việc đầu tiên khi khởi động lại dự án là phải thực hiện các giải pháp tăng cường công tác an toàn. Vì vậy, trong ngày hôm nay hoặc có thể ngày mai, lãnh đạo Bộ GTVT có văn bản cho phép dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông thi công trở lại. Đồng thời, Bộ GTVT sẽ có văn bản báo cáo việc triển khai lại dự án cho UBND thành phố Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội - nơi cấp phép để cùng phối hợp làm việc với các cơ quan liên quan trong công tác kiểm soát an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường một cách chặt chẽ hơn.
PV: Nhiều người có ý kiến cho rằng để xảy ra sự cố vừa qua một phần là do bị ép tiến độ, ông đánh giá thế nào về ý kiến này?
Ông Triệu Khắc Dũng: Tôi khẳng định dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông không có chuyện ép tiến độ. Bởi khi đặt ra mục tiêu hoàn thành dự án vào ngày 31/12/2015, Bộ GTVT đã căn cứ vào khối lượng công việc thực tế, năng lực thi công. Theo tính toán, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông còn có thể rút ngắn được tiến độ hơn nữa chứ không phải là mốc hoàn thành vào ngày 31/12/2015. Mặc dù trên dự án còn một số nhà ga, vị trí trụ trong khu ga chưa được triển khai đúng tiến độ do vướng về công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, Bộ GTVT đã yêu cầu các đơn vị thi công xây dựng tiến độ chi tiết trong từng ngày, từng tháng, nếu mũi thi công nào chậm Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Ban Quản lý dự án tăng cường mũi thi công. Trong thời gian tới sẽ có nhiều nhà ga xây dựng xong trước tiến độ, do đó sẽ có điều kiện hỗ trợ về lực lượng cho các vị trí khác, chúng tôi sẽ đánh nhiều mũi thi công để hoàn thành theo kế hoạch.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là công trình rất lớn nằm trong khu vực nội đô và cũng đã tiến hành 2-3 năm nay. Công tác đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường được thực hiện khá nghiêm túc cho thấy sự cố gắng của các đơn vi trong thi công. Sự cố xảy ra ngày 6/11 là hy hữu và rất đáng tiếc. Vì vậy, đây là bài học lớn để chúng tôi rút kinh nghiệm trên toàn công trường trong các bước đi tiếp theo để giảm thiểu tối đa các sự cố có thể xảy ra.
PV: Xin cảm ơn ông!
Quang Toàn(thực hiện)