Khôi phục không gian kiến trúc phố nghề dược Lãn Ông

Phố đông nam dược Lãn Ông là một phố nghề hiếm hoi trong khu phố cổ Hà Nội còn giữ được nghề truyền thống, phát triển sôi động đến ngày nay.


Với mục tiêu bảo tồn, khôi phục không gian kiến trúc, không gian nghề y dược truyền thống trên phố Lãn Ông, chỉnh trang, nâng chất lượng các công trình kiến trúc qua các thời kỳ để mang lại cái nhìn toàn cảnh về lịch sử, văn hóa của con phố này. quận Hoàn Kiếm đã triển khai Dự án chỉnh trang, bảo tồn mặt đứng phố chuyên doanh đông nam dược Lãn Ông với kinh phí 100% vốn ngân sách.

Đến nay, dự án đã đi được nửa đường nhưng không gian đặc trưng của phố nghề thay đổi đáng kể, chất lượng sống của cư dân được nâng lên, tuyến phố Lãn Ông đang từng bước trở thành khu vực di sản đô thị bền vững.

Nâng cao chất lượng không gian đặc trưng

Phố Lãn Ông trước thế kỷ 20 có tên là Phúc Kiến bởi phần đông dân cư là người Hoa, gốc tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc đến ngụ cư. Đến năm 1979, hầu hết người Hoa ở đây đều quay trở lại Trung Quốc nhưng dấu tích vẫn còn khá rõ qua các công trình kiến trúc còn lại trên phố.

Phố Lãn Ông là điểm kinh doanh dược liệu và thuốc đông y lớn trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN


Tuyến phố này được đánh giá là nơi có mật độ dân số cao, trong một số nhà có nhiều hộ cùng cư trú. Sự đa dạng về truyền thống văn hóa, lịch sử đã tạo nên cảnh quan kiến trúc hấp dẫn với nhiều loại hình kiến trúc như: Kiến trúc Việt truyền thống, kiến trúc Việt kết hợp kiến trúc Trung Quốc, kiến trúc thuộc địa, kiến trúc Artdeco, kiến trúc sau năm 1986.

Tuy vậy, trong một thời gian dài không có sự kiểm soát trong lĩnh vực kiến trúc xây dựng, phố Lãn Ông mọc lên nhiều công trình mới lấn át các công trình có giá trị, phá vỡ cảnh quan chung của cả tuyến phố. Các phần cơi nới ở ban công, trên mái, không gian trong nhà… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng của kết cấu và thẩm mỹ tuyến phố. Rồi tới hiện trạng hệ thống cấp điện, kinh doanh thương mại, biển quảng cáo, vệ sinh môi trường… tác động không tốt tới hạ tầng kỹ thuật tuyến phố.

Dự án chỉnh trang, bảo tồn mặt đứng phố chuyên doanh đông nam dược Lãn Ông được triển khai ở đoạn bắt đầu từ phố Chả Cá đến phố Thuốc Bắc với chiều dài 120m, gồm 42 biển số nhà. Dự án được đầu tư hoàn toàn bằng kinh phí của quận Hoàn Kiếm với tổng mức đầu tư gần 25 tỷ đồng, cho phần mặt đứng và lớp nhà thứ nhất của một số công trình tiêu biểu. Việc bảo tồn không gian phố nghề tiến hành trên nhiều quy mô, từ tổng thể cảnh quan, không gian phố nghề và các công trình có giá trị.

Đến nay, dự án đã hoàn thành chỉnh trang, bảo tồn 12 biển số nhà (bảo tồn 1 biển số nhà, chỉnh trang 11 biển số nhà); đang thi công 7 biển số nhà (bảo tồn 1 biển số nhà, chỉnh trang 6 biển số nhà); số còn lại tiếp tục tiến hành trong thời gian tới. Hạ tầng đô thị gồm hệ thống điện chiếu sáng, biển hiệu quảng cáo, hệ thống cây xanh, cấp thoát nước, đường giao thông sẽ được chỉnh trang sau khi hoàn thiện bảo tồn, chỉnh trang các công trình kiến trúc.

Anh Thái Duy Anh, cán bộ quản lý dự án thuộc Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết: “Dự án tác động rất lớn tới nhận thức cư dân trong khu phố về giá trị văn hóa, xã hội; khuyến khích người dân tham gia vào việc bảo tồn, gìn giữ phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của phố nghề”. 



Người dân nhiệt tình ủng hộ

Dự án chỉnh trang, bảo tồn mặt đứng phố chuyên doanh đông nam dược Lãn Ông không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, văn hóa, xã hội mà còn nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân. Với những nhà mặt phố, không phải các hộ dân không có điều kiện kinh tế để chỉnh trang nhưng mọi người đều cho rằng, nếu quận Hoàn Kiếm không tiến hành chỉnh trang, bảo tồn thì cũng không biết khi nào họ mới làm được. Bởi ngoài thủ tục hành chính xin cấp phép sửa chữa thì còn vướng rất nhiều các yếu tố khác như điều kiện kinh doanh, một biển số nhà nhiều chủ sở hữu…

Căn nhà bà Thái Thị Vân, số 39 Lãn Ông được đầu tư hơn 50 triệu đồng để sửa chữa gác xép, làm lại trần nhà và sơn trong nhà, ngoài mặt tiền, nay đã hoàn thiện để phục vụ việc kinh doanh thuốc dông nam dược. Nếu so với tình trạng ngôi nhà trước đó bị mối mọt, cấu kiện gỗ mục nát, mỗi khi khách đến chơi chỉ nơm nớp nỗi lo bị sụp đổ mới biết dự án đã mang lại niềm tin, phấn khởi cho gia đình.


Bà Vân chia sẻ: “Tôi rất vui vì đã có cơ hội được sửa chữa nhà cho quy củ, gọn gàng để không chỉ căn nhà chúng tôi đẹp hơn mà cả tuyến phố Lãn Ông này cũng đẹp hơn”. Bà Vân cũng rất cảm kích tinh thần, thái độ làm việc của những người thi công rất có trách nhiệm, nhiệt tình với các hộ dân.

Còn căn nhà chị Vũ Thị Minh, số 30 Lãn Ông sau khi được bảo tồn đã mang diện mạo mới, từ sơn tường, cửa gỗ, mái ngói mang đậm phong cách kiến trúc truyền thống Việt. Tầng một chị dùng để kinh doanh mặt hàng thuốc đông nam dược, tầng hai và gác xép sử dụng làm nơi sinh hoạt.

Chị Minh bày tỏ: “Được đầu tư bảo tồn căn nhà, ai cũng vui mừng, nhà cửa nâng cấp đẹp hơn, khang trang hơn”. Căn nhà của chị được đánh giá nổi bật trong cả khu phố vì những nét kiến trúc truyền thống, vừa giản dị, hài hòa với không gian phố cổ.

Trong quá trình thực hiện chỉnh trang, bảo tồn kiến trúc phố Lãn Ông, Ban quản lý phố cổ Hà Nội – đơn vị quản lý dự án cũng gặp không ít khó khăn do mặt đứng kiến trúc thay đổi quá nhiều, niên đại sử dụng quá lâu, nhiều số nhà có đông hộ dân cư trú… Tuy vậy, với sự tâm huyết trong bảo tồn phổ cổ và sự ủng hộ của cư dân, dự án đã và đang đem lại những hiệu quả không thể phủ nhận.


Đinh Thị Thuận

Giãn dân phố cổ cần quyết tâm cao
Giãn dân phố cổ cần quyết tâm cao

Không ai phủ nhận ý nghĩa của Đề án giãn dân phố cổ Hà Nội, tuy nhiên đây là đề án di dân có quy mô lớn, mang tính xã hội cao, đặc thù và lần đầu tiên thực hiện nên không tránh khỏi những khó khăn nhất định. Nhưng với sự quyết tâm cao, quận Hoàn Kiếm đang tháo gỡ những bất cập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN