Khởi động dự án chung của Liên hiệp quốc về đảm bảo quyền của người khuyết tật tại Việt Nam

Ban tổ chức thuộc Liên hợp quốc là Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNPD), Quỹ Nhi Đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) vừa phối hợp khởi động dự án chung về quyền của người khuyết tật tại Việt Nam, cung cấp các can thiệp đa ngành hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết thực thi Công ước về Quyền của Người khuyết tật (CRPD).

Chú thích ảnh
Các học viên người khuyết tật học nghề mộc mỹ nghệ tại Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ảnh minh họa: Hồ Cầu/TTXVN

Dự án chung có tên gọi: "Làm việc cùng nhau vì một tương lai hòa nhập - Thực hiện Công ước về Quyền của Người Khuyết tật thông qua hợp tác hiệu quả" được khởi động trước thềm Ngày Thế giới về Công bằng Xã hội (20/2/2022). Thông qua dự án, các chuyên gia của 3 tổ chức Liên hợp quốc sẽ chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố và các tổ chức người khuyết tật. Dự án nhận được sự hỗ trợ tài chính từ Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, Bộ Ngoại giao Na Uy, các nhà tài trợ quốc tế khác.

Thông qua dự án, các bên liên quan sẽ có cơ hội đối thoại, hợp tác nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả Công ước về Quyền của Người khuyết tật, cũng như tạo điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa nguyên tắc "không để ai ở lại phía sau".

Theo Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Vũ Thị Kim Hoa, Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong việc đưa những điều khoản của Công ước về Quyền của Người khuyết tật vào các chính sách cụ thể, hệ thống và dịch vụ dành cho người khuyết tật. Đối với dự án chung của Liên hợp quốc, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là đối tác chính trong các hoạt động nâng cao năng lực và làm việc cùng nhau để tạo những điều kiện ban đầu cơ bản cần thiết đáp ứng nhu cầu và tạo cơ hội cho người khuyết tật trong quá trình xây dựng chính sách và chương trình ở tất cả các ngành.

Trong quá trình xây dựng dự án, tổ chức UNDP đã thực hiện đánh giá thực trạng của Việt Nam và những thách thức chủ yếu hạn chế sự tham gia của các tổ chức người khuyết tật trong quá trình xây dựng kế hoạch, thực hiện, theo dõi và giám sát các chương trình quốc gia. Trong 2 năm tới, các tổ chức: UNDP, UNFPA và UNICEF sẽ hơp tác để đạt được các mục tiêu sau: Năng lực của các tổ chức của người khuyết tật và các nhà hoạch định chính sách về việc xây dựng và thực hiện chính sách tuân thủ Công ước Quốc tế về Quyền Người khuyết tật được tăng cường; khoảng trống trong việc xây dựng các thể chế hoặc các điều kiện tiên quyết để thực hiện Công ước Quốc tế về Quyền Người khuyết tật trong các chương trình phát triển và nhân đạo được thu hẹp dần; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2025 sẽ được thúc đẩy hơn theo hướng tạo điều kiện hòa nhập xã hội cho người khuyết tật nhằm tăng cường tuân thủ Công ước Quốc tế về Quyền Người khuyết tật.

"Người khuyết tật chiếm 7% dân số Việt Nam. Chúng tôi với tư cách là các cơ quan của Liên hợp quốc nhận thấy người khuyết tật không chỉ là người thụ hưởng, mà là đối tác chính trong nỗ lực hướng tới sự phát triển bền vững của Việt Nam",  Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen cho biết.

Theo bà Caitlin Wiesen, người khuyết tật không chỉ tham gia vào các chính sách tập trung vào họ, mà quyền và tiếng nói của họ cũng cần được lồng ghép vào các chương trình của Việt Nam về thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội. "Với tư cách là điều phối của dự án chung Liên hợp Quốc, UNDP sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác để trao quyền cho người khuyết tật, từ đó, họ có thể tham gia đầy đủ vào quá trình xây dựng chính sách ngay từ giai đoạn lập kế hoạch. Chúng tôi sẽ cùng nhau triển khai sử dụng cách tiếp cận đa ngành để giải quyết các vấn đề cơ bản cần thiết để thúc đẩy những thay đổi hệ thống và hiệu quả đối với sự hòa nhập của người khuyết tật", bà Caitlin Wiesen cho hay.

Trong khi đó, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam Naomi Kitahara chia sẻ: "Cá nhân tôi hoàn toàn tin tưởng vào sức mạnh của người khuyết tật. Việc tiếp cận của họ với các thông tin và dịch vụ về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, cũng như giáo dục tình dục toàn diện và kỹ năng sống, là rất cần thiết, để không bỏ họ lại phía sau trong chương trình Mục tiêu Phát triển Bền vững."

Nhấn mạnh UNICEF đã làm việc hơn 4 thập kỷ tại Việt Nam nhằm thúc đẩy quyền của trẻ em khuyết tật, bao gồm quyền tiếp cận dịch vụ và hỗ trợ toàn diện và có chất lượng tại bất cứ nơi nào họ sinh sống, trong thời điểm ổn định cũng như trong các tình trạng khẩn cấp, Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam Lesley Miller bày tỏ tin tưởng: "Dự án này sẽ thúc đẩy công việc của chúng tôi hơn, bằng cách xây dựng năng lực để biến cam kết của Việt Nam với Công ước Liên hợp quốc thành hiện thực thông qua các chính sách, hệ thống, và dịch vụ mang lại lợi ích cho tất cả nam giới, phụ nữ và trẻ em khuyết tật".

Theo ba cơ quan của Liên hợp quốc, dự án được thực hiện trong một môi trường pháp lý thuận lợi, trong đó, Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ đảm bảo người khuyết tật có thể tham gia đầy đủ vào tất cả các hoạt động xã hội và được hưởng các quyền cơ bản một cách bình đẳng. Chính phủ đã ban hành Luật Người khuyết tật từ năm 2010 và sẽ sửa đổi trong những năm tới. Việt Nam cũng đã phê chuẩn Công ước Quốc tế về Quyền Người khuyết tật năm 2015, và nhiều kế hoạch và chính sách đã được ban hành để hướng dẫn triển khai Công ước này cũng như thực thi Luật.

Việt Đức (TTXVN)
Khát vọng giúp cộng đồng người khuyết tật vươn lên
Khát vọng giúp cộng đồng người khuyết tật vươn lên

Anh Lê Văn Thạch (38 tuổi, trú xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) bị khuyết tật teo chân bẩm sinh từ nhỏ. Với sự cố gắng không ngừng, anh kiên trì học hỏi mô hình làm chổi đót và từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN