Hoạt động cai và quản lý sau cai nghiện, phục hồi cho người nghiện tại các tỉnh Tây Bắc trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả khả quan. Tuy nhiên, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), về cơ bản, hiệu quả và tính bền vững của công tác cai nghiện chưa cao; việc nhân rộng những mô hình tốt trong cai nghiện tại khu vực này còn gặp nhiều trở ngại.
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý tại 14 tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc nước ta cuối năm 2011 còn trên 43.000 người. So với những năm trước, số người nghiện đã giảm khoảng 1.500 người nhưng việc giảm này chưa ổn định. Trong khi tổng dân số các tỉnh vùng Tây Bắc chỉ chiếm khoảng 16,5% dân số cả nước thì số người nghiện ma túy ở đây chiếm tới 27,2% tổng số người nghiện cả nước. Tỷ lệ người nghiện ma túy trên 100.000 dân của các tỉnh Tây Bắc là 291 người (trong khi tỷ lệ này tính chung cho cả nước là 176 người). Đặc biệt, một số tỉnh có tỷ lệ khá cao về người nghiện/số dân như: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Bắc Kạn...
Nhiều mô hình hiệu quả
Công tác cai nghiện tại khu vực này những năm gần đây đã đạt được một số kết quả khả quan, đặc biệt, các địa phương đã bắt đầu quan tâm và chú trọng công tác cai nghiện tại cộng đồng với nhiều mô hình phù hợp với đặc điểm vùng miền. Kết quả, trong 4 năm 2008- 2011 đã có 44.054 người được tham gia cai nghiện tại cộng đồng. Trung bình, mỗi năm có khoảng 11.000 người cai được nghiện.
Học viên cai nghiện tập thể dục tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục lao động xã hội tỉnh Yên Bái. Ảnh: CTV |
Tại Tuyên Quang, mô hình cai nghiện 3 giai đoạn áp dụng từ năm 1996 đến nay. Toàn tỉnh đã tổ chức cai nghiện cho gần 5.000 lượt người nghiện và tổ chức hàng chục lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho trên 1.000 đối tượng đang cai nghiện. Giai đoạn 1, người nghiện được dùng biện pháp y tế để cắt cơn và lao động trị liệu tại xã/phường để nâng cao thể lực; Giai đoạn 2, người nghiện tham gia lao động tại Công trường 06 (mỗi huyện thị thành lập 1 công trường) trong vòng 1- 2 năm nhằm phục hồi sức khỏe, hành vi, nhân cách; Giai đoạn 3, người nghiện được quản lý tại cộng đồng và được hỗ trợ tạo việc làm cũng như chịu sự quản lý, giám sát chặt chẽ từ chính quyền và người dân sống cùng địa bàn. Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tuyên Quang, chi phí của việc cai nghiện theo mô hình 3 giai đoạn này thấp hơn nhiều so với cai nghiện tại Trung tâm (927.000 đồng/người cho 1 lần cai nghiện với thời gian 26 tháng).
Một mô hình khác cũng tỏ ra hiệu quả là cai nghiện theo cụm xã cho đồng bào dân tộc vùng cao ở tỉnh Lào Cai. Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lào Cai, mô hình này đã được triển khai ở 8 xã. Trong quá trình thực hiện, tỉnh đã thành lập tại xã Mường Hum một Trung tâm cai nghiện cộng đồng theo cụm xã. Người nghiện được cai trong 6 tháng tại Trung tâm cụm xã. Việc tổ chức đưa người đi cai nghiện được thực hiện theo phương thức người nghiện của xã nào, cán bộ xã đó đưa đi cai nghiện. Tại trung tâm cai, người nghiện thuộc dân tộc nào thì được cán bộ người dân tộc đó hỗ trợ, tư vấn. Sau 6 tháng, học viên tự bình xét, lựa chọn các học viên tích cực và nhà nghèo để được vay vốn tín dụng mua cây trồng, vật nuôi và học nghề. Trung tâm khuyến nông huyện đến từng xã giúp đỡ làm thủ tục, ký kết, cho vay. Để giám sát và kịp thời hỗ trợ cho các học viên sau cai, các câu lạc bộ sau cai được thành lập với Ban chủ nhiệm gồm 5-7 người gồm các thành viên của các tổ chức, đoàn thể. Hàng tuần, các học viên đã kết thúc quá trình cai nghiện đến tham gia sinh hoạt tại đây. Cuối năm 2010, cụm cai nghiện Mường Hum đã cai nghiện phục hồi an toàn cho 632 lượt người, chiếm khoảng 84% số người nghiện có hồ sơ quản lý.
Bên cạnh đó, còn một số mô hình khác như: Trung tâm cai nghiện cấp huyện với kinh phí do huyện đầu tư, quản lý và vận hành. Mô hình quân dân y kết hợp cai nghiện ma túy (áp dụng tại Điện Biên và Lai Châu)...
Chập chùng gian khó
Mặc dù ghi nhận những kết quả tích cực của công tác cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy tại khu vực Tây Bắc thời gian qua, tuy nhiên bà Đỗ Thị Ninh Xuân, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TBXH) vẫn nhận định công tác cai nghiện ở khu vực này còn nhiều tồn tại, đặc biệt tại Bắc Kạn, Điện Biên vẫn chưa kiềm chế được số người nghiện. Một trở ngại không nhỏ tác động đến việc cai nghiện và hiệu quả cai nghiện chính là tập quán của người dân địa phương nhiều tỉnh Tây Bắc. Những tỉnh này có tập quán trồng cây thuốc phiện từ lâu đời. Bên cạnh đó, khu vực này có chiều dài đường biên giới lớn khiến việc kiểm soát nguồn cung ma túy bất hợp pháp gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho rằng năng lực của một số trung tâm cai nghiện còn nhiều bất cập với diện tích chật hẹp, khả năng tiếp nhận, chữa trị, năng lực cán bộ yếu kém. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và thiết bị dạy nghề của các trung tâm cai nghiện hiện nay còn thiếu thốn hoặc đang xuống cấp.
Theo bà Xuân, các tỉnh khu vực Tây Bắc là những tỉnh nghèo và khó khăn, đề nghị Chính phủ cần có chính sách và cơ chế đặc biệt như hỗ trợ vốn cho những người cai nghiện ma túy, nhất là những tỉnh đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu tiên ngân sách đầu tư, nâng cấp các cơ sở cai nghiện, tạo điều kiện cho địa phương triển khai hiệu quả cai nghiện phục hồi.
Mạnh Minh