Khó khăn trong xử lý rác thải ở Bắc Kạn

Đi dọc các tuyến đường, hai bên suối vào một số huyện của tỉnh Bắc Kạn không khó để thấy những đống rác ngổn ngang gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Thực trạng này diễn ra nhiều năm nay, việc xử lý rác thải chủ yếu vẫn là đốt và chôn lấp.

Rác thải sinh hoạt vẫn chưa được xử lý theo quy định gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: babe.backan.gov.vn

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Bắc Kạn, khó khăn nhất vẫn là tiêu chí môi trường, trong đó có việc xử lý rác thải sinh hoạt.

Dòng suối chảy qua thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, tràn ngập rác thải do nhiều người “tiện tay” đã vứt rác xuống suối, khi trời mưa rác theo dòng chảy trôi đi khắp nơi. Nguyên nhân một phần xuất phát từ ý thức của người dân, nhưng cũng do khách quan, thiếu chỗ tập kết rác nên người dân tiện đâu thì vứt đó.

Việc thu gom rác thải của huyện Ngân Sơn do Hợp tác xã nước sạch và vệ sinh môi trường huyện thực hiện, nhưng khoảng 5 ngày công nhân mới đi thu gom rác 1 lần. Một số hộ có nhà cách xa trung tâm, công nhân không đến thu gom thì đành tự xử lý rác thải của gia đình. Một số hộ không đốt hay chôn lấp mà đem ra suối hoặc bìa rừng vứt, gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước, đất.

Hợp tác xã nước sạch và vệ sinh môi trường huyện Ngân Sơn là đơn vị thu gom rác thải ở thị trấn Nà Phặc, trung tâm xã Vân Tùng và Bằng Vân. Lượng rác thải phải xử lý hàng ngày khá lớn, nên việc thu gom rác không thể thực hiện liên tục.

Mỗi ngày Hợp tác xã phải xử lý khoảng 7 tấn rác, do kinh phí ít nên không đủ nhân lực để đi thu gom rác từng ngày. Một năm Hợp tác xã được huyện hỗ trợ 150 triệu đồng, tiền thu từ các hộ dân được 14 triệu đồng/tháng. Số tiền thuê nhân công làm việc trực tiếp, chi phí vận hành, xăng dầu khiến cho Hợp tác xã mỗi tháng lỗ khoảng 20 triệu đồng.

Ông Trần Trung Nghĩa, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ: Do dân cư thưa thớt và sống không tập trung, địa bàn thu gom rác quá rộng khoảng 40 km nên rất khó khăn, chi phí tốn kém, hợp tác xã phải lấy các nguồn thu khác để bù lỗ cho hoạt động xử lý rác thải.

Khu bãi chứa rác thải của huyện Pác Nặm, lò đốt rác thải đã không hoạt động một thời gian, toàn bộ rác phải xử lý theo kiểu đốt ngay tại bãi chứa rác. Lò đốt rác này được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2017, nhà xưởng để chứa, phân loại rác đã được đầu tư hoàn chỉnh, tuy nhiên chỉ vận hành được một thời gian rồi không hoạt động.

Nguyên nhân là do việc vận hành lò đốt rác phát sinh nhiều chi phí, trong đó chủ yếu là chi phí thuê nhân công phân loại, xử lý rác và vận hành lò đốt. Trong khi đó, ngân sách địa phương hạn chế không thể đáp ứng được theo yêu cầu nên đơn vị thực hiện là Ban Quản lý chợ và Bến xe huyện Pác Nặm không thể vận hành lò đốt.

Ông Nguyễn Đình Điệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm cho biết, từ khi đưa lò đốt rác vào sử dụng đến nay, huyện gặp một số khó khăn như trong quá trình sử dụng phát sinh thêm nhân công phân loại rác. Do đó, đơn vị xử lý rác phải thuê bên ngoài, vì vậy không cân đối được chi phí phát sinh. Trong thời gian chưa cân đối được kinh phí, huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn tạm sử dụng phương pháp trước đây dùng các bể xử lý chôn lấp hoặc đốt.

Còn tại huyện Chợ Đồn, do lượng rác lớn, lò đốt nhỏ nên bãi rác thải của huyện thường xuyên trong tình trạng quá tải. Theo công nhân làm việc ở đây, trước đây trời mưa nhiều nên rác đổ dồn về chưa thể đốt, rác chất đống, bốc mùi hôi thối. Có những thời điểm, việc thu gom rác trên địa bàn thị trấn Bằng Lũng bị gián đoạn, dẫn đến hiện tượng rác thải tập trung nhiều tại các tuyến đường nội thị.

Hiện nay, việc xử lý rác thải ở các huyện trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được giao cho Hợp tác xã hoặc Ban Quản lý chợ. Tuy nhiên, nhân lực và năng lực tài chính của một số đơn vị còn yếu nên gặp khó khăn khi xử lý rác trên quy mô lớn. Tại một số bãi rác do sử dụng công nghệ đốt trực tiếp hay chôn lấp tại bãi gây nên tình trạng ô nhiễm. Theo một số đơn vị xử lý rác, nguồn kinh phí cấp hoặc hỗ trợ từ ngân sách quá thấp nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận hành. Đặc thù công việc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm nên nếu trả lương quá thấp, đội ngũ xử lý rác thải không làm, nhưng nếu trả quá cao sẽ không đủ kinh phí.

Để giải quyết tình trạng khó khăn của các đơn vị xử lý rác thải, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định số 2201/QĐ –UBND ngày 25/12/ 2017 về định mức xử lý chất thải sinh hoạt theo công nghệ đốt tại các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Theo đó, tỉnh sẽ áp dụng cơ chế giá trong hoạt động xử lý rác thải thay vì hỗ trợ ngân sách như hiện nay; tức là sẽ tính giá theo khối lượng rác xử lý tại lò đốt. Đây được kỳ vọng sẽ là giải pháp để giải quyết những khó khăn mà các đơn vị xử lý rác thải của tỉnh Bắc Kạn đang gặp phải.

Ông Nông Văn Kỳ, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn cho biết, tỉnh đã có cơ chế giá trong xử lý rác thải, việc áp dụng cơ chế giá sẽ giúp các đơn vị thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay. Một số huyện do có khó khăn về kinh phí nên chưa thực hiện được dẫn đến việc xử lý rác thải còn nhiều bất cập. Theo cách vận hành hiện nay, các đơn vị rất ngại đầu tư công nghệ cũng như máy móc phục vụ việc xử lý rác thải vì nguồn thu thấp và đã cố định theo từng năm. Do đó, việc tính giá dựa trên khối lượng rác xử lý sẽ giúp các đơn vị xử lý rác có cơ sở để xây dựng phương án kinh doanh lâu dài.

Đồng thời, nếu cách tính này được áp dụng rộng rãi sẽ tạo ra nguồn thu, giúp việc thu gom rác được thường xuyên hơn, khắc phục được những hạn chế theo phương pháp hỗ trợ kinh phí như hiện nay. Cái khó là một số huyện chưa cân đối được nguồn ngân sách để thực hiện.

Vận hành theo cơ chế mới dựa trên cơ sở rác thải thực tế được xử lý sẽ góp phần giải quyết khó khăn cho các Hợp tác xã và Ban Quản lý chuyên xử lý thác thải hiện nay ở Bắc Kạn. Việc xử lý rác đem lại nguồn thu chứ không phải bù lỗ cũng sẽ giúp các đơn vị này có thêm nguồn lực để tái đầu tư. Đây cũng là điều kiện để khuyến khích chuyển đổi mô hình chuyển giao hoạt động xử lý rác thải cho các hợp tác xã hoặc các công ty cổ phần thực hiện.

Đức Hiếu - Ngọc Tú (TTXVN)
Rác thải ngập tràn các kênh rạch ở TP Hồ Chí Minh
Rác thải ngập tràn các kênh rạch ở TP Hồ Chí Minh

Tình trạng xả rác bừa bãi của người dân đã và đang làm nhiều kênh rạch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh bị ô nhiễm nghiêm trọng, gây mất mỹ quan đô thị…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN