Khi nông dân mất đất sản xuất(Bài 3)

Cùng với việc xuất hiện các dự án khu công nghiệp, khu dân cư… là mất đất nông nghiệp, những người nông dân bắt buộc phải chuyển nghề. Tuy nhiên, đó là một sự biến đổi đầy khó khăn.


Bài 3: Gian nan đổi nghề


Khó học nghề với nông dân lớn tuổi


Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM đã triển khai nhiều chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn bị mất đất sản xuất. Tuy nhiên, việc học được nghề và tìm được việc làm với đối tượng này đang là bài toán khó. Ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề - Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết: Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" (Đề án 1956) do Thủ tướng Chính phủ ban hành đã được Sở triển khai tới 24 quận, huyện.

Lớp dạy nghề may cho lao động nông thôn tại Trung tâm Dạy nghề quận 9 (TP.HCM) rất ít học viên tham gia.


Tuy nhiên, nông dân không mặn mà. Bởi ngành nghề chưa phong phú, chủ yếu là dạy lái xe, sửa xe ô tô, xe máy, may công nghiệp, sửa chữa và cài đặt phần mềm máy vi tính... không phải thế mạnh ở nông thôn. Đáng nói, 60% lao động nông thôn trên 30 tuổi, trình độ học vấn hạn chế, phần lớn không muốn học nghề, cũng không thích thay đổi công việc mới; cộng với thói quen làm việc cá thể, không quen bị gò bó thời gian, đã trở thành rào cản ngăn họ tìm đến trường nghề.

Là người trực tiếp mất đất sản xuất, ông Nguyễn Tiến Hải, một nông dân gắn bó với nghề nông hơn 20 năm, ở phường Phú Hữu (quận 9, TP.HCM), chia sẻ: “Tôi năm nay đã ngoài 50 tuổi, làm sao theo học tại các lớp học tập trung. Nếu cho đi học, tôi cũng muốn học nghề nào liên quan đến nông nghiệp, chứ những nghề khác làm sao chúng tôi tiếp cận, làm sao cạnh tranh khi mà vốn, kinh nghiệm đều thiếu”. Còn anh Nguyễn Văn Lợi ở xã Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn, TP.HCM), cho hay: “Mặc dù trung tâm dạy nghề của huyện có tổ chức nhiều lớp dạy nghề cho nông dân nhưng nhiều nghề không phù hợp với những người lao động từ 30 tuổi trở lên như lái xe, sửa máy vi tính… Đa số các nghề dạy cho lao động nông thôn tôi thấy chỉ phù hợp với lứa tuổi thanh niên. Còn đối với những người lớn tuổi như tôi (45 tuổi) trí nhớ đã kém, trình độ học vấn đa số chỉ học hết cấp trung học cơ sở làm sao mà tiếp thu được nhiều kiến thức như vậy. Mặt khác, khi hỗ trợ học nghề thì phải đảm bảo đầu ra, nghĩa là ra trường chúng tôi sẽ có việc làm, nếu không thì đi học để làm gì?”.

Một thực tế khác, theo phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) phần lớn các cơ sở dạy nghề quận, huyện trong tình trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị lạc hậu, trình độ giáo viên hạn chế, lại chỉ đào tạo những ngành nghề không đáp ứng nhu cầu lao động nông thôn, cũng khó thu hút học viên nông thôn theo học.


Với mục tiêu đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho 40.000 - 50.000 lao động nông thôn mỗi năm, thành phố đang tập trung tuyên truyền để nông dân hiểu và thay đổi quan niệm học nghề, tìm việc.


Tại các địa bàn có nhiều lao động tuổi trên 30, công tác tư vấn, giới thiệu nghề phù hợp đang được chú ý đặc biệt. Và cùng kinh phí hỗ trợ theo đề án 1956 cho mỗi lao động nông thôn khi học nghề là 3 triệu đồng/khóa học, thành phố còn có nguồn quỹ 156, hỗ trợ lao động trong diện gia đình có đất bị thu hồi, hỗ trợ học nghề, tổ chức việc làm và hỗ trợ tìm việc cho lao động trên địa bàn, nhằm tạo việc làm hiệu quả, giúp các gia đình mất đất sản xuất ổn định cuộc sống.

Cần chính sách phù hợp

Có một thực tế là nhiều hộ nông dân sau khi được đền bù một khoản tiền lớn do không có kế hoạch chi tiêu, sử dụng hợp lý nên dần dần tiền hết mà công ăn việc làm cũng không có đã trở nên nghèo khó. Vì thế bên cạnh việc tổ chức học nghề, họ cần được tư vấn, hỗ trợ để sau khi bị mất đất sẽ thích ứng được với cuộc sống mới.

Theo UBND huyện Củ Chi, toàn huyện có 320.000 lao động nhưng tỉ lệ lao động nông nhàn chiếm tới 55%. Lão nông Trần Văn Thêm, ở xã Phước Hiệp, lo lắng: “Từ khi có quy hoạch khu dân cư ở xã, người dân không sản xuất nữa mà lấy tiền đền bù để sống, không khéo sẽ thành con nợ.


Theo tôi, bên cạnh việc bố trí đất tái định cư cho người dân, cần phải có một quỹ đất để bà con có thể mở những xưởng nhỏ làm ăn hay mở quán xá để buôn bán, bởi khi bị mất đất sản xuất, những thanh niên thì dễ dàng kiếm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, còn những người ở độ tuổi trung niên thì kiếm được việc làm là rất khó khăn. Chính vì thế cần có chính sách quan tâm hỗ trợ đến đối tượng này”.

Theo ông Phan Thành Phi, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Long An, tỉnh này đang có chính sách ưu tiên cho người dân có đất bị thu hồi làm dự án tham gia học nghề và giải quyết việc làm tại chỗ. Riêng đối với những lao động lớn tuổi khó tham gia vào các nhà máy, xí nghiệp thì được đào tạo để đưa vào phục vụ các KCN như làm bảo vệ, chăm sóc cây, lao công... Hiện Sở LĐ-TB&XH tỉnh cũng đã kết hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn để đào tạo lao động theo nhu cầu.

Theo Tiến sĩ Hồ Cao Việt, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, chính quyền địa phương phải coi đào tạo nghề và nâng cao trình độ là ưu tiên hàng đầu và cần phải phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo đúng người, đúng nghề, đúng địa chỉ và đúng nhu cầu.


Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ vốn kịp thời cho hộ chuyển dịch từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp; hướng dẫn phương thức sử dụng vốn có được từ chuyển nhượng, đền bù, giải tỏa; phục hồi, phát triển làng nghề thủ công; tổ chức mô hình canh tác nông nghiệp sinh thái và sử dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; tổ chức liên kết nông dân ít đất thành nhóm sản xuất, tổ hợp tác sản xuất các nông sản đặc thù… đảm bảo người nông dân và con em họ sinh sống ổn định.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo lao động cũng cho rằng, các địa phương khi thu hồi đất phải xác định 3 đối tượng là người lớn tuổi, người trong độ tuổi lao động và học sinh để chuyển nghề hợp lý.


Theo đó, người lớn tuổi có thể tạo điều kiện buôn bán nhỏ, làm các nghề tiểu thủ công nghiệp, hoặc lập quỹ hỗ trợ. Người trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề để làm công nhân hoặc bố trí mua đất nông nghiệp nơi khác cho họ canh tác. Riêng lứa tuổi đang học THCS và THPT phải giáo dục ý thức tác phong công nghiệp ngay từ bây giờ và mở hướng đào tạo theo đúng ngành nghề cần thiết trong thời gian tới.

Ông Trương Văn Lương, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm TP Hồ Chí Minh, cho biết: Hiện tổng nguồn hỗ trợ đào tạo việc làm cho người bị thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố (Quỹ 156) là 182,64 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố cấp ban đầu 50 tỷ đồng và các chủ đầu tư đóng góp kinh phí là 132,44 tỷ đồng. Năm 2010, quỹ này đạt 185 tỷ đồng. Hội đồng quản lý Quỹ 156 đã xét duyệt 480 dự án vay vốn sản xuất kinh doanh với số tiền là 45,423 tỷ đồng của 1.932 đơn, giải quyết việc làm cho 5.718 lao động.


Không những thế, ông Nguyễn Thành Hiệp - Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM), cho rằng nên hướng nghề cho người dân vào 3 lĩnh vực. Lĩnh vực dạy nghề thứ nhất: Dạy những nghề phi nông nghiệp trong đó có tiểu thủ công nghiệp để người học tự tổ chức việc làm, phối hợp với nhau tìm việc hoặc tổ chức các cơ sở sản xuất kinh doanh ở địa bàn để thu hút lao động tại chỗ.


Lĩnh vực thứ 2 là chuyển một lực lượng đáng kể sang lao động phi nông nghiệp như đi làm trong các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất... Và lĩnh vực thứ 3 là tổ chức hướng dẫn người dân nông thôn thay đổi cách làm nông nghiệp bằng việc thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao hiệu quả khai thác trên diện tích đất, hoặc thay đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với nền nông nghiệp đô thị.

Bài và ảnh: Thuyết - Yên - Tuyết

Bài 4: Hình thành xu hướng sản xuất mới

Khi nông dân mất đất sản xuất(Bài 2)
Khi nông dân mất đất sản xuất(Bài 2)

Bao đời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, “bỗng dưng” dự án “rơi” xuống đúng phần đất của mình, không ít nông dân “bỗng dưng” trở nên giàu có, nhưng cũng có người lâm vào cảnh khó khăn, phải đi làm thuê, làm mướn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN