Bà con dân tộc ở các xã giáp biên huyện Tràng Định (Lạng Sơn) thường gọi Nông Văn Mậu ở xã Tân Minh, huyện Tràng Định với cái tên ngưỡng mộ là "tỷ phú rừng". Năm 1982, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương - nơi chỉ có đồi núi khô hạn quanh năm, nhưng với nghị lực của người lính không cam chịu đói nghèo, anh đã nỗ lực vượt khó để phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, gia đình anh đã trồng được trên 300 ha rừng, góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc và từng bước làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Chăm sóc rừng cây bạch đàn 3 năm tuổi của gia đình. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Đứng trên đỉnh đồi Khuổi Cọ, xã Đào Viên, hướng tầm mắt về phía những đồi bạch đàn hơn bốn năm tuổi xanh tươi, vươn cao tít tắp, dưới tán đã được phát dọn sạch sẽ, chuẩn bị khai thác với tổng diện tích hơn 150 ha, anh Mậu kể lại: 5 năm về trước, đồi núi nơi đây đều khô cằn sỏi đá, chỉ có cây mua, cây sim, xơ xác cỏ gianh, cả một vùng đất không một mái nhà. Khi có ý định biến vùng đất này thành rừng cây, anh đã bị vợ phản đối quyết liệt, cho đó là chuyện... dở hơi, vì đã bao đời nay ở vùng đất biên cương này, không ai đi trồng rừng, mà chỉ biết lên rừng chặt cây, đốn củi, cho nên chỉ còn lại toàn đồi núi trọc. Với khát vọng biến rừng thành vàng, anh đã đi nhiều nơi tìm hiểu, nghiên cứu các mô hình trồng rừng và nhận thấy vùng đất này rất phù hợp phát triển cây bạch đàn, cây keo...
Được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, anh đã bàn bạc, thỏa thuận với các hộ gia đình ở địa phương có đất đồi chưa sử dụng cho thuê để trồng cây. Anh đầu tư gần 1 tỷ đồng từ nguồn vốn của gia đình và vay ngân hàng để mua cây giống, thuê công lao động. Nếu như năm 2006 anh mới chỉ trồng được 3,2 ha cây keo, thì đến nay anh đã trồng được trên 300 ha rừng. Cùng với đó, anh đã tạo việc làm thời vụ cho gần 100 lao động và việc làm thường xuyên cho 12 lao động là con em của địa phương với thu nhập từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/người/ tháng. Dưới bàn tay lao động của con người, vùng đất khô cằn xưa kia đã biến thành rừng cây có giá trị.
Từ mô hình trồng rừng của cựu chiến binh Nông Văn Mậu, hiện nay phong trào trồng rừng của các hộ gia đình ở Tràng Định ngày càng phát triển mạnh, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Thái Thuần