Khẩn trương ứng phó với bão Kai-Tak

Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương-Văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn có công điện gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi, các ngành liên quan triển khai nhanh công tác đối phó với bão.

 

Trong 4 ngày qua (từ 11-15/8), do khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng của vùng xoáy thấp mạnh, nên một số tỉnh miền núi phía Bắc liên tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa cao nhất tại Tạ Bú (Sơn La) là 120mm, Cẩm Ân (Yên Bái) là 117mm...gây ra lũ lớn ở nhiều sông suối, sạt lở đất đá ở một số vùng làm 2 người chết và thiệt hại đáng kể về tài sản ở những khu vực này.

 

Philippines đưa ra cảnh báo về khả năng xuất hiện một cơn bão mới tại miền đông nước này, đe doạ nỗ lực của chính quyền Manila trong việc khắc phục hậu quả của đợt mưa bão và lũ lụt vừa xảy ra. Trong ảnh: Người dân nhận hàng cứu trợ sau lũ lụt từ quân đội Philippines tại Manila ngày 13/8. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương: Ngày 13/8, do mưa lớn trên địa bàn xã Song Pe, Huyện Bắc Yên (Sơn La) gây sạt lở, làm chị Lò Thị Khánh, giáo viên mầm non bị đá lăn đè phải chết tại chỗ. Cũng do mưa lớn kéo dài nhiều ngày trên địa bàn huyện Xín Mần (Hà Giang), nước lũ đã cuốn trôi nạn nhân Sùng Thị Ly; nhiều mảnh ruộng gieo trồng lúa bị vùi lấp; lũ cuốn mất 1 mố cầu treo tại xã Chế Là. Các địa phương trên đã khẩn trương chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ, hỗ trợ gia đình các nạn nhân chôn cất người bị nạn chu đáo.

 

Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương nhận định: Hồi 7 giờ ngày 15/8, vị trí tâm bão có tên quốc tế Kai-Tak ở vào khoảng 17,9 độ Vĩ Bắc; 122,1 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc đảo Lu - Dông (Philippin). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km và còn có khả năng mạnh thêm. Như vậy, khoảng đêm nay (15/8), bão sẽ đi vào vùng biển phía Đông Bắc Biển Đông. Đến 7 giờ ngày 16/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 118,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 810 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.

 

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 – 20 km. Đến 7 giờ ngày 17/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 22,2 độ Vĩ Bắc; 115,0 độ Kinh Đông, cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 90 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12. Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km.

 

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển phía Đông Bắc Biển Đông có mưa rào và dông mạnh, từ trưa và chiều nay (15/8) gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh. Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh nên khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động.

 

Để chủ động đối phó với diễn biến của cơn bão Kai-Tak, ngày 14/8, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương-Văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn có công điện số 31 gửi Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi; Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, yêu cầu thông báo cho chủ các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát khỏi hoặc không đi vào khu vực ảnh hưởng của bão; tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

 

Theo đó, cho đến nay Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Thanh Hóa, Thái Bình đã gửi công điện chỉ đạo các ban, ngành, địa phương triển khai nhanh công tác đối phó với bão.

 

 

Văn Hào

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN