Ngày 30/11, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát đã làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên để đánh giá thiệt hại sau bão số 4 (SinKaKu). Nhờ kịp thời triển khai công tác phòng chống lụt bão đồng bộ, tỉnh Phú Yên không có thiệt hại về người. Tuy nhiên, gió giật mạnh cộng với lượng mưa lớn đã làm cho 33 nhà dân ở các huyện Đông Hòa, Tuy An, Đồng Xuân và thị xã Sông Cầu bị sập và tốc mái; 210 ha cây trồng bị ngã đổ và ngập lụt, thiệt hại trên 50%... Một số tuyến đường tỉnh, huyện, liên xã bị ngập nước, hệ thống đê biển ở cửa sông Đà Diễn bị sạt lở…
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Xuân Triệu - TTXVN |
Tại buổi làm việc, tỉnh Phú Yên kiến nghị chính phủ tăng cường đầu tư để tỉnh nâng cấp hệ thống đê kè chắn sóng ở những vùng cửa biển xung yếu; trang bị mới các phương tiện phòng chống cứu hộ (ca nô, áo cứu sinh,…); nâng cao năng lực dự báo lụt bão cho các trung tâm dự báo khí tượng, thủy văn của tỉnh.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát ghi nhận các kiến nghị của tỉnh và yêu cầu tỉnh cần tăng cường tuyên truyền ngư dân không nên đánh bắt xa bờ sau khi bão biến thành áp thấp nhiệt đới vì gió ngoài biển có thể đạt đến cấp 6 - cấp 7; hỗ trợ kịp thời nhân dân vùng bị ảnh hưởng nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão.
Còn tại Bình Định, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của các ngành chức năng tỉnh, bão số 4 đã làm sập 50 mét đê biển thôn Lý Chánh, xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, hàng chục nhà hộ dân bị tốc mái và trăm cây xanh bị ngã đổ và nhiều công trình khác bị hư hại nặng…
Lực lượng thanh niên xung kích và bộ đội biên phòng tỉnh khẩn trương dùng bao cát hàn khẩu đoạn đê bị sập do bão số 4 gây ra. Ảnh: Viết Ý- TTXVN |
Để sớm ổn định cuộc sống sinh hoạt của người dân, ngay trong đêm sau khi bão đi qua, hàng trăm công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn vệ sinh môi trường và Công ty trách nhiệm hữu hạn cây xanh và điện chiếu sáng đô thị Quy Nhơn đã đồng loạt ra quân dọn dẹp vệ sinh và cưa các cây cổ thụ đổ ra chắn trên các tuyến đường Hàn Mặc Tử, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt… để giải phóng đường đi lại.
Lãnh đạo tỉnh và thành phố Quy Nhơn đã huy động hơn 100 thanh niên xung kích của thành phố và xã Nhơn Lý, cùng bộ đội biên phòng tỉnh khẩn trương dùng bao cát để hàn khẩu đoạn đê Lý Chánh bị sập nhằm hạn chế thiệt hại tài sản nhà nước và bảo vệ cho hàng trăm hộ dân sinh sống phía trên đê.
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đang có mặt tại hiện trường cho biết: Sau khi được tin đê biển thôn Lý Chánh, xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn bị sập, đã chỉ đạo cho ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, UBND thành phố Quy Nhơn, trước mắt khẩn trương huy động lực lượng thanh niên xung kích dùng bao cát để tạm hàn khẩu để giữ đê khỏi bị sập; tiếp theo sẽ dùng các vật liệu đá xi măng để hàn khẩu lại bảo đảm an toàn đời sống của hàng trăm hộ dân sống phía trên đê.
TTXVN/Tin tức