Đây là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn mà Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều năm qua nhằm giảm bớt sự đau đớn cho bệnh nhân ung thư đồng thời nâng đỡ tinh thần của họ trong những ngày cuối đời.
Khi bác sĩ phục vụ bệnh nhân tận nhà
- Cô ơi, lần trước bác sĩ kê đơn thuốc cho cô, nay cô còn đau nữa không?
- Bớt đau nhưng mà buồn nôn quá bác sĩ ơi!
- Thế cô ăn uống được không? Ngủ được không?
- Khó ăn khó ngủ lắm bác sĩ ạ.
- Vậy bây giờ bác sĩ kê thêm thuốc chống buồn nôn rồi cô ráng ăn uống cho khỏe nhé. Phải ăn uống mới có thể chống đỡ được bệnh này, cô ráng lên nhé.
Đây là đoạn đối thoại giữa bác sĩ Phạm Tuấn Linh, Khoa Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh và bệnh nhân Lê Thị Chi, 71 tuổi, bệnh nhân ung thư buồng trứng đang được chăm sóc giảm nhẹ tại nhà riêng ở quận 2.
Phát hiện mắc bệnh ung thư buồng trứng quá muộn nên khi bà Lê Thị Chi đến Bệnh viện Ung bướu thì bệnh đã di căn sang nhiều bộ phận khác. Do không đủ sức khỏe để phẫu thuật hay xạ trị, hóa trị, gia đình bà Chi đành phải xin về nhà để chăm sóc, đồng thời đăng ký dịch vụ khám bệnh tại nhà của bệnh viện. Cứ 15 ngày một lần, ê-kíp gồm một bác sĩ, một điều dưỡng lại lên đường đến với bệnh nhân để khám bệnh, kê đơn và tư vấn cho bà.
Ông Lê Ngọc Châu - chồng bệnh nhân Chi cho biết, dịch vụ này vô cùng tiện lợi bởi nhà ông vốn neo người, sẽ rất khó khăn nếu bà phải nằm bệnh viện. “Nhờ có dịch vụ này mà bà nhà tôi vừa được chăm sóc chu đáo, tâm lý cũng thoải mái và không phải chịu cảnh ngột ngạt ở bệnh viện”, ông Châu chia sẻ.
Cũng chọn dịch vụ khám bệnh tại nhà, bà Nguyễn Thị Bích, 57 tuổi, ngụ tại quận Thủ Đức biết mình mắc bệnh ung thư phổi khi đã di căn sang xương. Sau 3 tháng nằm viện với 10 lần xạ trị và 1 lần hóa trị, bà được chuyển sang Khoa Chăm sóc giảm nhẹ của Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh điều trị.
“Bệnh viện quá tải, đông đúc lắm, mỗi giường bệnh 3 - 4 người nằm chen chúc nhau khiến nhiều khi tôi không thở nổi nên xin bác sĩ cho về và đăng ký khám tại nhà để gia đình chăm sóc tốt hơn”, bà Bích cho hay.
Theo bà Bích, chi phí mỗi lần bác sĩ đến tận nhà khám bệnh là 500 ngàn đồng, cộng với tiền thuốc, mỗi tuần gia đình bà phải chi trả chưa tới 1 triệu đồng. “Chi phí khám bệnh tại nhà không quá đắt đỏ vì một tuần bác sĩ mới tới một lần nhưng quan trọng hơn là mình thấy thoải mái, ăn, ngủ tốt hơn nên cảm thấy khỏe hơn và không còn mặc cảm bệnh tật như nằm ở bệnh viện”, bà Bích nhận xét.
Đây là những bệnh nhân đang sử dụng dịch vụ Khám bệnh tại nhà - một chương trình mà Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh triển khai hơn 8 năm qua. Bác sĩ Phạm Tuấn Linh, Khoa Chăm sóc giảm nhẹ cho biết, chăm sóc bệnh nhân ung thư tại nhà là biện pháp được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng từ lâu. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, mô hình này càng phù hợp bởi sẽ giảm được chi phí nằm viện cho bệnh nhân, lại góp phần giảm tải cho bệnh viện.
Nâng đỡ tinh thần người bệnh ung thư
Dịch vụ chăm sóc tại nhà dành cho những bệnh nhân ung thư muốn chăm sóc giảm nhẹ sau điều trị ung thư hoặc bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối được Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh triển khai từ năm 2011.
Bác sĩ Quách Thanh Khánh - Trưởng Khoa Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh cho biết, bệnh nhân ung thư đa số phải điều trị dài ngày, đến giai đoạn chăm sóc giảm nhẹ có người đã phải nằm viện 3 - 4 tháng, thậm chí là nửa năm trước đó nên họ mong muốn được về nhà để chăm sóc tiện hơn. “Quan trọng là vấn đề tâm lý, khi điều trị tại nhà bệnh nhân không còn cảm giác nặng nề do phải nằm viện quá lâu. Do đó, dịch vụ chăm sóc tại nhà ra đời”, bác sĩ Khánh chia sẻ.
Từ năm 2011, khi Khoa Chăm sóc giảm nhẹ của Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh ra đời, Đề án Chăm sóc bệnh nhân tại nhà cũng được thực hiện. Theo đó, Bệnh viện sẽ tiếp nhận điều trị bệnh tại nhà cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối (có hồ sơ bệnh án) ở các hộ gia đình trong bán kính 10 km quanh bệnh viện. Hoạt động chăm sóc bệnh nhân tại nhà tuân thủ theo một quy trình chặc chẽ để người bệnh hưởng đầy đủ những dịch vụ chăm sóc y tế.
Khi có nhu cầu chăm sóc tại nhà, người bệnh đăng ký tại bệnh viện theo biểu mẫu và tuân thủ quy trình cấp phát thuốc ngoại trú của bệnh viện. Theo phiếu đăng ký, Khoa Chăm sóc giảm nhẹ sắp xếp lịch, bố trí nhóm chăm sóc gồm 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng và chuẩn bị đầy đủ những thiết bị y cụ, thuốc men đến tại nhà bệnh nhân chăm sóc y tế theo lịch hẹn trong giờ hành chính.
“Tiêu chí chăm sóc bệnh nhân tại nhà luôn đảm bảo bệnh nhân được chăm sóc, hỗ trợ liên tục và không phải chịu đựng quá mức các triệu chứng bệnh. Đồng thời cũng là bước chuẩn bị tốt cho bệnh nhân, gia đình không bị khủng hoảng đột ngột về tinh thần, sử dụng phù hợp nguồn lực gia đình người bệnh và ngày nào cũng là ngày tốt nhất của bệnh nhân”, bác sỹ Quách Thanh Khánh cho hay.
Sau gần 8 năm thực hiện, đã có hàng trăm lượt bệnh nhân ung thư tại TP Hồ Chí Minh được điều trị chăm sóc tại nhà. Đây được đánh giá mô hình đem đến cho người bệnh những dịch vụ y tế chăm sóc giảm nhẹ, nâng chất lượng sống bệnh nhân ung thư cũng như giảm nỗi đau của bệnh nhân và gia đình người bệnh.
Về giá cả, chi phí mỗi lần khám bệnh tại nhà được tính phí 500 nghìn đồng, riêng thuốc điều trị vẫn được thanh toán Bảo hiểm y tế như điều trị ngoại trú thông thường. Tuy nhiên, hiện nay, Bảo hiểm y tế mới chỉ thanh toán tiền thuốc cho bệnh nhân điều trị tại nhà, tiền công bác sĩ vẫn chưa được chi trả, cùng với những hạn chế về đội ngũ nhân sự nên nhiều bệnh nhân chưa được tiếp cận dịch vụ này.
“Nếu Bảo hiểm y tế hỗ trợ được một phần công khám của bác sĩ thì có thể giảm bớt được gánh nặng cho bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân ung thư đã bước vào giai đoạn cuối”, bác sĩ Phạm Tuấn Linh, Khoa Chăm sóc giảm nhẹ mong mỏi.
"Không bệnh nhân nào phải sống trong đau đớn - không bệnh nhân nào phải mất trong nỗi cô đơn", là phương châm mà đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh hướng tới thông qua mô hình chăm sóc bệnh nhân ung thư tại nhà mang tính nhân văn này.