Bức tranh chân thực của trẻ em và phụ nữ trên cả nước
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, thực hiện điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam năm 2020-2021, Tổng cục Thống kê đã nhận được sự hỗ trợ của UNICEF và ủng hộ từ UNFPA từ cuối năm 2019. Sự đồng hành, phối hợp của các chuyên gia quốc tế, các chuyên gia trong nước, UNICEF đã giúp Tổng cục Thống kê thực hiện cuộc điều tra theo tiêu chuẩn của Chương trình Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ toàn cầu lần thứ 6 (MICS) từ thiết kế mẫu phiếu hỏi, sổ tay đến chương trình thu thập thông tin.
Đây là cuộc điều tra MICS lớn nhất tại Việt Nam và trên thế giới cho đến thời điểm hiện tại, với số lượng mẫu là 14.000 hộ gia đình trên 700 địa bàn thuộc tất cả 63 tỉnh thành của cả nước. Mẫu điều tra đại diện cho 6 vùng kinh tế và hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như các nhóm dân tộc thiểu số chính.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, kết quả điều tra phản ánh cuộc sống chân thực của trẻ em và phụ nữ trên cả nước. Bên cạnh các chủ đề về sức khỏe sinh sản phụ nữ, dinh dưỡng cho trẻ em, giáo dục, y tế, tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông bình đẳng, phát triển toàn diện, báo cáo phản ánh thêm một số chủ đề mới đang được quan tâm như lao động sớm, khuyết tật trẻ em và các chỉ tiêu khác có liên quan.
Kết quả điều tra cho thấy, bức tranh tổng thể về trẻ em và phụ nữ Việt Nam với nhiều chỉ tiêu tổng hợp nhằm cung cấp thông tin, bổ sung khoảng trống về số liệu, phục vụ cho đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam theo chuẩn quốc tế và không thay thế các nguồn dữ liệu có sẵn khác của Việt Nam.
Kết quả điều tra cung cấp thông tin về 38 chỉ tiêu phát triển bền vững toàn cầu và 35 chỉ tiêu phát triển bền vững của Việt Nam; cập nhật số liệu đảm bảo độ tin cậy và so sánh quốc tế, đồng thời kết quả điều tra làm bằng chứng hỗ trợ các nhà hoạch định xây dựng chính sách, các chương trình phục vụ cho đánh giá tiến trình thực hiện các mục tiêu quốc gia của Việt Nam và cam kết toàn cầu về trẻ em, phụ nữ.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê tin tưởng kết quả điều tra sẽ được sử dụng hiệu quả và phổ biến tới đông đảo người dùng thông tin nói chung, các nhà hoạch định chính sách nói riêng. Đây cũng là thông tin hỗ trợ việc thiết lập các chương trình, các chính sách, đặc biệt là các chính sách tập trung vào trẻ em và phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi như là người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn, các hộ nghèo và người khuyết tật.
Chia sẻ quan điểm với bà Nguyễn Thị Hương, bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA chia sẻ, UNFPA Việt Nam rất vui mừng được hợp tác với Tổng cục Thống kê và UNICEF trong việc thực hiện điều tra và đưa vào các chủ đề mới về sức khỏe sinh sản và tình dục như các nhu cầu chưa được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình, ung thư cổ tử cung và kiến thức về tiêm chủng HPV, tính dễ bị tổn thương của một số nhóm dân cư. Cuộc điều tra áp dụng công nghệ thông tin tiên tiến ở tất cả các giai đoạn của cuộc khảo sát nhằm cải thiện chất lượng và tính minh bạch của dữ liệu, rút ngắn thời gian xử lý, công bố dữ liệu, và hạn chế tối đa sai sót của con người.
Cần có đầu tư dài hạn cho phụ nữ, trẻ em tiếp cận các dịch vụ xã hội
Phát biểu tại hội thảo, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers nhấn mạnh những thông tin của cuộc điều tra rất quý giá, là những cơ sở khoa học để các nhà nghiên cứu, lập chính sách đối sánh các dữ liệu hiện có với nhau, đồng thời gợi mở cho các nhà hoạch định chính sách suy nghĩ về chính sách cùng hệ thống bảo trợ xã hội, về những đầu tư mà các cơ quan Chính phủ đang thực hiện, từ đó có thể tăng cường cho các dịch vụ xã hội ở những nơi mà người dân cần nhất, nhằm đảm bảo không phụ nữ và trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.
Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers đã chỉ ra 5 điểm nổi bật của kết quả điều tra. Thứ nhất, phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Mông, người Khmer là nhóm đối tượng yếu thế hơn cả, xét về các chỉ tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Mặc dù, thời gian qua, Việt Nam đã có sự phát triển nói chung ở nhóm phụ nữ và trẻ em, nhưng với những nhóm đối tượng dân tộc thiểu số này vẫn còn có một khoảng cách so với cả các nhóm đối tượng khác trong xã hội, đặc biệt xét về tiếp cận với cơ hội được tiêm chủng, điều kiện vệ sinh, nước sạch. Theo bà Rana Flowers, trẻ em gái dân tộc thiểu số gặp phải rất nhiều rủi ro, như là tảo hôn, khó khăn trong cơ hội được đến trường. Điều đó khiến cho các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương thấy rằng cần tập trung nhiều hơn nữa nỗ lực của mình vào lĩnh vực này.
Điểm thứ hai, mặc dù điều tra không chứng minh hoặc không làm rõ khoảng cách số hoặc là thiếu tiếp cận với các phương tiện số giữa trẻ em các vùng miền, dân tộc, tuy nhiên điều tra đã chứng minh việc thiếu tiếp cận với Internet và đặc biệt là thiếu kỹ năng về công nghệ thông tin của trẻ em trai, trẻ em gái, nam giới và phụ nữ trên khắp Việt Nam. Theo đó, mặc dù có hơn 80% người từ 15-49 tuổi sử dụng Internet nhưng chỉ có hơn 30% người biết sử dụng máy vi tính. "Nếu Việt Nam mong muốn chuyển đổi số và chúng ta đã đặt ra mục tiêu này, chắc chắn sẽ cần phải tập trung giải quyết vấn đề này", bà Rana Flowers lưu ý.
Điểm nổi bật thứ ba, bà Rana Flowers nhấn mạnh đó là ở nhiều khu vực, tình trạng bất bình đẳng giới mặc dù không rõ ràng nhưng kết quả điều tra cho thấy nguy cơ trẻ em không đi học tăng dần theo cấp học và đội tuổi. Bậc Tiểu học (cấp 1) có 98,2% trẻ em đi học đúng tuổi và chỉ có 1,2% trẻ em không đi học, nhưng đến cấp Trubg học Phổ thông (cấp 3), tỷ lệ đi học đúng tuổi chỉ còn 78,1% và tỷ lệ học sinh không đi học ở cấp học này là 21,6%. Tỷ lệ hoàn thành cấp học cũng có xu hướng giảm, với tỷ lệ hoàn thành tiểu học là 98,3% giảm xuống còn 86,8% ở cấp Trung học Cơ sở và chỉ còn 58,1% ở cấp Trung học Phổ thông. Từ những con số này, có thể thấy trong bối cảnh khó khăn kinh tế, nhiều trẻ em phải bỏ học, đi làm từ rất sớm, khi điều kiện tài chính của bố mẹ không đảm bảo.
Điểm nổi bật thứ tư, được bà Rana Flowers nêu bật như một cảnh báo đó là tình trạng kỷ luật trẻ em bằng phương pháp bạo lực trong hộ gia đình vẫn là một thực hành phổ biến ở Việt Nam. "70% trẻ em từ độ tuổi 1 đến 14 đều bị ảnh hưởng. Đây là một mối lo ngại lớn, bởi lẽ nó sẽ để lại hậu quả lâu dài trong suốt cuộc đời của trẻ em, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần tâm lý cũng như dẫn đến tỷ lệ nguy cơ cao hơn, ví dụ như có hành vi bạo lực ở trẻ em trong tương lai hoặc lạm dụng chất an thần, gây nghiện trong tương lai và từ đó nó có thể ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng một xã hội gắn kết tại Việt Nam", bà Rana Flowers cho hay.
Và điểm cuối cùng, đó là Việt Nam đang đối mặt với khủng hoảng về nước sạch. Kết quả cuộc điều tra đã phát hiện ra rằng trên khắp Việt Nam bao gồm cả Thủ đô Hà Nội, có tới 50% người dân đang sử dụng và uống nước không đáp ứng được tiêu chuẩn về chất lượng nước. "Đây là lĩnh vực đòi hỏi chúng ta phải hành động khẩn cấp và chúng ta sẽ cần phải giám sát định kỳ, thường xuyên", bà Rana Flowers khuyến cáo.
Nhấn mạnh cột mốc năm 2030 sắp đến gần, chỉ còn khoảng 8 năm nữa để Việt Nam hoàn thành thực hiện các cam kết Mục tiêu phát triển bền vững, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers kêu gọi Chính phủ Việt Nam tập trung thu thập dữ liệu về phụ nữ và trẻ em liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững thường xuyên hơn và công khai rộng rãi cho tất cả mọi người để có thể chứng minh được những thay đổi đã và sẽ đạt được. Bằng chứng và dữ liệu từ các điều tra và nghiên cứu cũng là cơ sở để Chính phủ, cơ quan chức năng cân nhắc về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
"Đây là thời điểm không chỉ cần có những giải pháp tình thế mà chúng ta cần phải có đầu tư dài hạn về mặt bảo trợ, trợ giúp xã hội để chúng ta có thể đảm bảo tiếp cận công bằng cho tất cả các nhóm đối tượng khác nhau, trong đó có phụ nữ và trẻ em với các dịch vụ xã hội. Từ đó, chúng ta mới có thể đạt được tăng trưởng kinh tế một cách bền vững", bà Rana Flowers nói.