Ông Đinh Hồng Phong, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội cho biết: Ngay từ đầu năm, Sở đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của thành phố, địa phương, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động; tăng cường kết nối cung cầu, hỗ trợ chuyển đổi nghề bền vững cho người lao động; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Sàn giao dịch việc làm TP Hà Nội; hoàn thiện hệ thống dữ liệu về thị trường lao động, việc làm tại các quận, huyện, thị xã...
Bên cạnh đó, Sở nâng cao chất lượng công tác dự báo để chủ động chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu, xu thế phát triển; đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên những ngành/nghề đang phát triển, những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn như du lịch, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ tự động hóa, logistics…
Theo quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050, quận Nam Từ Liêm là một trong những đô thị lõi, trung tâm hành chính, dịch vụ, thương mại của Thủ đô. Quận cũng là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh và mạnh mẽ trong các quận, huyện của Hà Nội, với nhiều dự án trọng điểm đã và đang được triển khai. Bên cạnh làn sóng đô thị hoá, trên địa bàn quận vẫn còn những làng nghề truyền thống, góp phần giữ gìn nét bản sắc, văn hoá địa phương như làng nghề bún Phú Đô, làng nghề cốm Mễ Trì...
Phiên giao dịch và tư vấn việc làm quận Nam Từ Liêm là một trong những giải pháp thúc đấy phát triển thị trường lao động, hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động. Không chỉ tạo môi trường kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động, đây cũng chính là cơ hội tốt để lực lượng lao động trẻ tiếp cận với thị trường lao động, được cung cấp về thông tin, từ đó học hỏi, trau dồi, trang bị thêm cho mình những kỹ năng, kiến thức cơ bản, khả năng thích nghi với những biến động thị trường việc làm khi ra trường.
Nguyễn Thế Hùng (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm), sinh viên năm cuối, tham gia phiên giao dịch việc làm để tìm kiếm cơ hội việc làm trong lĩnh vực quản trị kinh doanh. “Qua phiên giao dịch việc làm, tôi muốn đăng ký ứng tuyển một số lĩnh vực để tìm được công việc đã học, với mong muốn mức thu nhập phù hợp”, Nguyễn Thế Hùng tâm sự.
Nguyễn Như Quỳnh (Phú Đô, Hà Nội) lại muốn tìm công việc bán thời gian. Là sinh viên năm thứ nhất trường ĐH Hoà Bình, có tham gia hoạt động đoàn tại phường, Quỳnh biết đến phiên giao dịch này từ chính quyền địa phương, quyết định tham gia để tìm công việc phù hợp và rèn luyện kỹ năng.
Theo đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, Phiên Giao dịch và tư vấn việc làm quận Nam Từ Liêm được tổ chức đồng bộ trên hệ thống Sàn giao dịch việc làm Hà Nội từ Sàn trung tâm đến 14 Sàn vệ tinh tại các quận, huyện, thị xã. Tham gia Phiên giao dịch việc làm có sự góp mặt của 30 đơn vị đăng ký, với tổng nhu cầu tuyển sinh, tuyển dụng, xuất khẩu lao động là 1.820 chỉ tiêu, đa dạng các vị trí, ngành nghề cùng mức lương hấp dẫn.
Trong tổng số 30 doanh nghiệp tham gia, có 17/30 doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ, chiếm 56,67%. Ngoài ra còn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khác như: Sản xuất, xuất khẩu lao động, giáo dục – đào tạo... Theo đó, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao đẳng – đại học chiếm tỷ lệ cao nhất với 36,8%, trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật chiếm 27,9%, lao động phổ thông chiếm 27,9%...