Nhiều năm qua, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều chương trình bảo vệ môi trường nhằm giảm sự tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm, tạo cho thành phố một môi trường xanh, sạch, đẹp.
“Hồi sinh” những dòng kênh chết
Trước đây kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được xem là một dòng kênh "chết" và là nỗi ám ảnh của người dân sống gần khu vực này vì rác thải tràn ngập, nước đen ngòm, mùi hôi thối luôn bốc lên từ dòng kênh. Tuy nhiên, kể từ khi thành phố thực hiện thành công dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè vào năm 2012, đến nay dòng kênh này đã dần dần "hồi sinh" và trở thành nơi vui chơi giải trí của nhiều người dân. Dự án công trình cải tạo xây dựng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè giúp nâng cao năng lực giao thông, giảm bớt ùn tắc trên các tuyến đường như Lê Văn Sỹ, Cách Mạng Tháng Tám, Nam Kỳ Khởi Nghĩa… và mang lại diện mạo mới cho thành phố.
Hai bên khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè giờ đã "thay da, đổi thịt" và đã trở thành nơi vui chơi của người dân thành phố. |
Ông Nguyễn Văn Tư, nhà cạnh dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cho biết: “Ngày xưa, nước trong kênh rất sạch và trong, chiều chiều tôi và đám bạn còn rủ nhau ra đây tắm, câu cá. Sau này, người dân từ khắp nơi đổ về dựng nhà, nước thải sinh hoạt, nước thải từ các nhà máy đều được xả thẳng ra kênh. Dòng kênh vì vậy chết dần, cá cũng không thể sinh sống được, đi qua kênh chỉ còn mùi hôi thối. Tuy nhiên, gần đây, dọc bờ kênh đã có nhiều cây xanh, hai con đường đã xây dựng, mở rộng sạch sẽ, khang trang. Tôi vui lắm, những đứa trẻ lớn lên bên dòng kênh xanh trong này lại một lần nữa sẽ có được những ký ức tuổi thơ tươi đẹp”.
Đại diện Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, các công trình cải tạo môi trường trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé đã được đầu tư và đưa vào sử dụng. Cảnh quan môi trường và chất lượng nguồn nước trong các dòng kênh trên đã được cải thiện đáng kể, nhiều loài thủy sản đã tái tạo và phát triển, môi trường trong sạch hơn rất nhiều.
Để cùng hướng đến mục tiêu làm xanh, sạch đẹp nơi mình đang sinh sống, mỗi năm, hàng ngàn bạn trẻ ở 24 quận/huyện, các trường đại học, cao đẳng, các công ty, xí nghiệp, tập đoàn đóng trên địa bàn thành phố đã tích cực làm sạch môi trường, thu gom rác, trồng cây xanh, thả cá, xóa quảng cáo, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng…
Anh Lâm Ngọc Mẫn, Bí thư Đoàn Thanh niên quận 3 cho biết, trong đợt hoạt động ngày Chủ nhật xanh, đoàn viên thanh niên vận động người dân sống dọc trên tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa cam kết không xả rác, giữ gìn vệ sinh chung; thả 5.000 con cá bảo vệ dòng kênh; nạo vét, vớt lục bình trên kênh; xây dựng tuyến phố xanh - sạch - đẹp; xóa bảng quảng cáo sai quy định trên cột điện; xây dựng 120 cột điện xanh - sạch - đẹp, tuyên truyền vận động người dân giữ gìn vệ sinh hành lang tuyến đường sắt, tham gia thu gom rác thải trên tuyến hành lang đường sắt trên địa bàn quận 3.
Làm xanh, sạch thành phố
Bên cạnh việc nạo vét, cải tạo chỉnh trang hai dòng "kênh chết, tạo môi trường sống sạch đẹp, xanh, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh (Sở GTVT TP) còn trồng thêm nhiều cây xanh dọc các vỉa hè và kêu gọi người dân thành phố tham gia đóng góp, trồng cây xanh trên chính tuyến đường mình cư ngụ, tạo bóng mát cho đường phố.
Bà Nguyễn Thị Hiền Lương, Phó Giám đốc Sở GTVT TP cho biết, từ năm 2008 đến nay, Sở GTVT đã phối hợp nhiều đơn vị triển khai cải tạo đồng loạt nhiều vỉa hè, chỉnh trang đô thị tại các quận trung tâm như quận 1, 3, 4, 5, 10. Trong đó, đã có 30 tuyến phố được tăng cường mảng xanh và 50.000 m2 vỉa hè, bờ tường được cải tạo theo nhiều hình thức khác nhau. Sở GTVT sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch tăng cường mảng xanh cho 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố trong những năm tới. Theo đó, các vỉa hè có chiều rộng từ 3 - 10 m thì phần vỉa hè dành cho người đi bộ từ 1 - 2,5 m, phần còn lại sẽ được phủ xanh.
Có thể thấy, việc xây dựng thành phố xanh là một trong những phần việc, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững. Hiện nay, thành phố đang duy tu bảo dưỡng và phát triển thêm nhiều công viên cây xanh, mảng xanh công cộng.
Bên cạnh đó, để góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên, hạn chế sử dụng năng lượng trong sản xuất, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn với tên gọi dự án là "khu phố xanh”.
Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP cho biết: Hiện có 90% các hộ gia đình đồng ý tham gia và phân loại rác đúng cách. Công nhân vệ sinh sẽ tiến hành thu gom và cân ký từng loại rác vô cơ có thể tái chế và ghi nhận sau mỗi ngày. Sắp tới, chúng tôi sẽ thực hiện nhân rộng ra toàn địa bàn quận Tân Phú cũng như toàn thành phố.
Lượng rác vô cơ của người dân sau khi phân loại sẽ được định giá theo thị trường. Tổng số chi phí mà người dân tích lũy được sau 1 tháng chuyển giao rác thải vô cơ cho nhân viên vệ sinh, sẽ được đổi lại là sản phẩm tiêu dùng thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày như: Dầu ăn, bột nêm, nước mắm, bột giặt, nước rửa chén…
Ngoài những chương trình trên, thành phố còn triển khai một hệ thống nhà vệ sinh hiện đại. Mỗi nhà vệ sinh này có kinh phí đầu tư từ 800 triệu - 1 tỷ đồng, diện tích 60 m2, các thiết bị được bố trí rất hiện đại, sạch sẽ, bao gồm một phòng dành riêng cho người khuyết tật. Trong số 11 nhà vệ sinh công cộng đang xây dựng trên địa bàn thành phố, hiện đã có 7 nhà vệ sinh công cộng được đưa vào sử dụng tại các công viên, 4 điểm còn lại sẽ tiếp tục được xây dựng tại các bến xe Chợ Lớn, bến xe Đầm Sen và bến xe buýt công viên 23 tháng 9.
Với tất cả những chương trình đã và đang được thực hiện, TP Hồ Chí Minh đang hướng đến xây dựng một thành phố xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại.
Bài và ảnh: Hoàng Tuyết - Đan Phương