Chiến tranh qua đi, trên địa bàn Quảng Trị có gần 82% tổng diện tích đất bị ô nhiễm bởi bom mìn, vật nổ. Với một tỉnh trên 70% dân số sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, hậu quả chiến tranh nói chung, hậu quả bom mìn nói riêng đã tác động nặng nề đến mỗi gia đình, cộng đồng và cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Vì vậy, ngay sau khi chiến tranh kết thúc, Quảng Trị đã bắt tay vào khắc phục hậu quả bom mìn để giúp người dân ổn định cuộc sống, đảm bảo hoạt động sản xuất, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tỉnh đã tích cực, chủ động trong công tác tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn. Quảng Trị là địa phương đầu tiên trên cả nước đã ban hành Chương trình hành động khắc phục hậu quả bom mìn 10 năm (2016 - 2025) và cụ thể hóa thành các kế hoạch hành động 5 năm. Qua đó, làm cơ cơ sở quan trọng để huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Trung ương, tổ chức nước ngoài và địa phương, nhằm sớm loại bỏ sự nguy hiểm về bom mìn do chiến tranh để lại.
Những năm qua, tỉnh đã nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của 6 tổ chức chính phủ nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn với 47 dự án, viện trợ phi chính phủ nước ngoài cam kết tài trợ 58 triệu USD. Dưới sự điều hành của Trung tâm QTMAC (Quang Tri Mine Action Center) - cơ quan tham mưu cho Ban Chỉ đạo khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tỉnh Quảng Trị thực hiện điều phối, giám sát các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, các tổ chức đã phối hợp, đồng hành và hợp tác chặt chẽ với tỉnh để triển khai các hoạt động quan trọng. Cụ thể như: Triển khai các đội Liên lạc cộng đồng để thu thập thông tin về khu vực ô nhiễm bom mìn; thành lập các đội xử lý điểm giải quyết các yêu cầu khẩn nhằm hủy bỏ các vật nổ gây nguy hiểm tức thời cho cộng đồng; khai thác công nghệ và các sáng kiến để thúc đẩy quá trình rà phá bom mìn, bom chùm và vật liệu chưa nổ; triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội; giáo dục phòng tránh bom mìn cho học sinh và người dân…
Ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, địa phương đang hướng đến mục tiêu là tỉnh đầu tiên trong cả nước an toàn, không chịu tác động của bom mìn và vật nổ sót lại sau chiến tranh. Với mục tiêu này, tỉnh hướng đến việc hoàn thành khảo sát, lập bản đồ và phục vụ quản trị tốt nhất hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh trong thời gian tới đối với các khu vực nghi bị ô nhiễm bom mìn. Tất cả người dân được trang bị kiến thức và được cung cấp các hỗ trợ cần thiết để sống và làm việc an toàn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh hy vọng, thời gian tới, các tổ chức sẽ tiếp tục đồng hành với tỉnh thực hiện thành công công cuộc khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh. Qua đó, góp phần thúc đẩy hợp tác quốc tế và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh phấn đấu hoàn thành 100% khảo sát vào năm 2026 và năm 2027 lập bản đồ hoàn chỉnh các khu vực khẳng định ô nhiễm của tỉnh. Hiện, địa phương đang tăng cường phối hợp với các tổ chức đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động như: giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn; công khai bản đồ ô nhiễm; cắm mốc tại các khu vực khẳng định ô nhiễm chưa được rà phá; triển khai đội phản ứng nhanh giúp xử lý bom mìn, vật nổ do người dân phát hiện; đảm bảo dịch vụ y tế kịp thời đối với các tai nạn có thể xảy ra; ban hành Bộ tiêu chí “tỉnh an toàn” gồm các cấp độ (xã an toàn, huyện an toàn và tỉnh an toàn) để người dân, các tổ chức sống và lao động an toàn trên những vùng đất đã bị ô nhiễm bom mìn trước đó.
Theo ông Đinh Ngọc Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm QTMAC, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã và đang đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực chung của chính quyền tỉnh Quảng Trị nhằm giúp địa phương đạt được mục tiêu sớm trở thành tỉnh an toàn, không còn tai nạn, thương tích do bom mìn gây ra. Thời gian tới, dựa trên kết quả khảo sát, tỉnh sẽ dự thảo chương trình, chiến lược khắc phục hậu quả bom mìn sau năm 2025 và tiếp tục vận động sự tham gia, đồng hành của các tổ chức quốc tế giúp Quảng Trị đạt được các mục tiêu trong chiến lược giai đoạn mới...
Từ năm 2021 đến nay, công tác khắc phục hậu quả bom mìn đã đạt được nhiều kết quả. Cụ thể như: Khảo sát phi kỹ thuật và khảo sát kỹ thuật đã hoàn thành, chiếm 86% trên tổng số thôn của tỉnh Quảng Trị với tổng diện tích được khảo sát là gần 62 ha; diện tích rà phá hiện trường cố định được 12.208 ha; xử lý trên 7.842 nhiệm vụ lưu động; phát hiện và xử lý an toàn 818.390 bom mìn và vật liệu nổ các loại; hỗ trợ 101 nạn nhân; 717.509 lượt người được tiếp cận các chương trình giáo dục nguy cơ tai nạn bom mìn...