.
Theo đại diện Viện Dinh dưỡng, kể từ khi triển khai dự án (6/2016) đến nay, đã có hơn 83.560 phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con dưới 1 tuổi bú được bổ sung đa vi chất trong 4 tháng; hơn 62.270 trẻ từ 6 - 23 tháng tuổi được bổ sung đa vi chất trong vòng 3 tháng. Đặc biệt, đã có 7.640 trẻ suy dinh dưỡng cấp tính được điều trị phục hồi dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, Viện Dinh dưỡng đã tổ chức tập huấn cho 144 cán bộ là bác sỹ và điều dưỡng khoa nhi tại các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh, cùng trạm trưởng và chuyên trách dinh dưỡng của 333 xã. Dự án cũng phát tờ rơi cung cấp thông tin về dinh dưỡng cho 100.000 phụ nữ và 80.000 trẻ em…
Trước đó, ngày 15/3/2016, Chính phủ Việt Nam đã kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ để cứu trợ, ưu tiên đảm bảo nước sạch, vệ sinh an toàn và hỗ trợ dinh dưỡng cho những người dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm ngập mặn và giám sát tình trạng dịch bệnh có thể xẩy ra.
Đề nghị này xuất phát từ hiện tượng El Nino 2015/2016, đã tác động xấu tới 52/63 tỉnh thành của Việt Nam. Riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long bị xâm nhập mặn nghiêm trọng do lưu lượng nước sông Cửu Long cạn kiệt, trong khi lượng mưa ở khu vực này rất thấp. Hạn hán ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cũng làm suy giảm nghiêm trọng nguồn nước ngầm, gây ra tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt.
Dựa trên kết quả đánh giá và số liệu báo cáo, tại 18 tỉnh bị hạn hán ảnh hưởng, ước tính có khoảng 27.500 trẻ em dưới năm tuổi đang bị suy dinh dưỡng (SDD) cấp vừa và nặng, 39.000 phụ nữ mang thai và cho con bú bị thiếu hụt vi chất dinh dưỡng.Đồng thời, theo thống kê tỉ lệ SDD cấp nặng đã tăng từ 1,3 - 1,8% lên 1,9 - 2,1% trong năm 2016, bữa ăn của trẻ em và phụ nữ ở các tỉnh hạn hán có chất lượng thấp.
Trước tình hình đó, được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản và từ nguồn quỹ hỗ trợ khẩn cấp của UNICEF (CERF), bản kế hoạch ứng phó khẩn cấp về dinh dưỡng cho 6 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất bởi hạn hán và xâm nhập mặn đã được xây dựng và triển khai. Đây là dự án hỗ trợ khẩn cấp đầu tiên nhằm khắc phục hạn hán và xâm nhập mặn có sự phối hợp thực hiện, giám sát giữa Viện Dinh dưỡng và UNICEF với số lượng đối tượng can thiệp lớn, trên phạm vi rộng và nhiều địa hình khác nhau.