Đến dự và trao giải thưởng, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm biểu dương các điển hình công nhân được trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng; cho rằng tuy khác nhau về hoàn cảnh xuất thân, môi trường công việc và những nỗ lực vượt qua qua khó khăn, nhưng tất cả đều có một điểm chung thể hiện phẩm chất tốt đẹp của người công nhân, đó là niềm say mê lao động, sáng tạo, ý thức trách nhiệm và thái độ sẵn sàng cống hiến với tinh thần quyết tâm vượt khó vươn lên.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Lê Thanh Liêm, các công nhân tiêu biểu được tuyên dương cần tiếp tục phát huy tri thức, sự năng động, lan tỏa tinh thần sáng tạo đến đồng nghiệp, các thế hệ thợ trẻ, phấn đấu nhiều hơn nữa để trở thành nguồn nhân lực có chất lượng cao, đạt năng suất lao động, tạo ra nhiều hơn nữa các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nhiều sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, góp phần xây dựng lực lượng công nhân thành phố đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
"Mỗi công nhân, người lao động phải thực sự là người giỏi nghề, thạo việc, luôn gương mẫu về đạo đức, lối sống, cập nhật và tiếp thu những tri thức mới, thật sự là những tấm gương đi đầu trong phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo góp phần xây dựng phát triển Thành phố”, Phó Chủ tịch Thành phố Lê Thanh Liêm nhấn mạnh.
Với tổ chức Công đoàn thành phố, Phó Chủ tịch Thành phố Lê Thanh Liêm đề nghị “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua phù hợp với từng nhiệm vụ gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, tăng cường các hoạt động “Câu lạc bộ Công nhân lao động sáng tạo”, hội thi tay nghề phù hợp với địa phương, ngành nghề để người lao động có điều kiện rèn luyện nâng cao tay nghề, nâng bậc lương, nâng cao chất lượng cuộc sống; để các đề tài khoa học, các giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật đi vào cuộc sống...
Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm nay là hoạt động của tổ chức Công đoàn Thành phố chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8), Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9), kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8) và Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy cho biết, qua 20 năm tổ chức, Giải thưởng Tôn Đức Thắng đã tạo nên động lực mạnh mẽ, khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trong phong trào thi đua “Lao động giỏi – Lao động sáng tạo” và đã trở thành tiêu chí trong công việc, trong đời sống thường ngày của đội ngũ công nhân, viên chức, người lao động Thành phố.
"Giải thưởng Tôn Đức Thắng không chỉ là niềm tự hào mà còn là mục tiêu cụ thể để công nhân lao động Thành phố nổ lực phấn đấu trở thành những người kế thừa xứng đáng sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Người công nhân tiêu biểu của giai cấp công nhân Việt Nam - Người tiêu biểu, mẫu mực cho chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, đã trọn đời hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Giải thưởng không phải là nấc thang cuối cùng, mà tự mỗi gương điển hình phải tiếp tục học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, đồng thời tích cực trong các hoạt động truyền nghề, truyền lửa cho các thế hệ kế tiếp để xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao, đội ngũ kỹ sư giỏi", bà Trần Thị Diệu khẳng định.
Là một trong 10 điển hình được vinh danh tại Lễ trao thưởng, Kỹ sư điện Công ty Điện lực Gò Vấp thuộc Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh Vũ Huy Tuấn không giấu được xúc động cho biết, Giải thưởng là niềm vinh dự của bản thân, là niềm vui, niềm tự hào của đơn vị , đồng nghiệp và cả gia đình. Theo anh, do đặc thù công việc nên phải luôn vận động, luôn học hỏi, tìm tòi, sáng tạo những cái mới, thiết thực để đáp ứng yêu cầu thực tiễn công việc. Những việc làm mang lại lợi ích cho đồng nghiệp, hiệu quả cho đơn vị là điều bình thường mà mỗi kỹ sư ngành điện cũng mong và hướng đến…
Trong 5 năm gần đây, anh Vũ Huy Tuấn có 7 đề tài nghiên cứu khoa học cải tiến kỹ thuật góp phần làm lợi cho đơn vị gần 3 tỷ đồng mỗi năm. “Tuy giá trị làm lợi cho đơn vị không lớn, nhưng tôi tin đây sẽ là phong trào thi đua sôi nổi để các anh em công nhân lao động ngành điện nổ lực phấn đấu vươn lên” anh Tuấn chia sẻ.
Giải thưởng Tôn Đức Thắng được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2000. Qua 20 năm, Giải thưởng đã tôn vinh 211 kỹ sư, công nhân có sáng kiến, cải tiến trong công việc.
Tính đến nay, 100% Công đoàn cơ sở trực thuộc Liên đoàn Lao động thành phố đã đăng ký thực hiện công trình thi đua vận động đoàn viên công đoàn, người lao động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động... Qua đó, đã có 78.084 đề tài, công trình nghiên cứu khoa học, 3.956 đề tài tham gia sáng tạo khoa học kỹ thuật, hơn 60 đề tài tiêu biểu tham gia chương trình Tự hào trí tuệ lao động Việt Nam. Đặc biệt, phong trào thi đua đã có hơn 260.000 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, các công trình tiêu biểu… làm lợi hơn 4.192 tỷ đồng cho doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển chung cho Thành phố.