Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Tấm gương mẫu mực về lối sống giản dị, tiết kiệm

Tháng tám năm nay, cả nước có nhiều hoạt động kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2018), người đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa, là tấm gương mẫu mực về lối sống giản dị, tiết kiệm.

Nhân dịp này, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết: "Tôn Đức Thắng - Tấm gương mẫu mực về lối sống giản dị, tiết kiệm" của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. 

Chú thích ảnh
Nhà trưng bày hình ảnh, phù điêu, hiện vật giới thiệu cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, nhân dân Việt Nam nhớ về một chiến sỹ cách mạng kiên trung, suốt cuộc đời phấn đấu, hy sinh cho cách mạng và cho dân tộc Việt Nam, một tấm gương sáng về lòng yêu nước nồng nàn, một tinh thần thương dân, phấn đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng và về đạo đức tác phong, về lối sống giản dị, tiết kiệm.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng sống mãi trong trái tim, khối óc và trong lòng nhân dân Việt Nam, một con người trọn đời hy sinh, phấn đấu cho cách mạng Việt Nam, cho hạnh phúc của nhân dân Việt Nam, một con người không màng danh lợi, tất cả vì đất nước, vì dân tộc. 

Ngay từ những năm tháng tuổi trẻ, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã thể hiện một tinh thần không màng danh lợi, sớm bộc lộ một tinh thần yêu nước, thương dân, không sợ gian khó, dấn thân vì một con đường cách mạng vì dân, vì nước.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ra và lớn lên trong gia đình và quê hương có truyền thống yêu nước và lòng nhân ái nồng nàn. Chủ tịch Tôn Đức Thắng sớm có chí hướng vì nhân dân lao động, chọn một con đường vô cùng khó khăn, gian khổ là làm lao động kỹ thuật, làm thợ, hòa mình vào đời sống của giai cấp công nhân và tham gia vào cuộc đấu tranh chống đế quốc xâm lược, tìm con đường giải phóng dân tộc.

Những năm thàng tù đày gian khổ trong ngục tù đế quốc, lòng yêu nước, chí thương dân vẫn không hề nao núng, suy giảm, mà ngược lại nó đã hun đúc, kết tinh nên một con người Tôn Đức Thắng tràn đầy đức hy sinh và tình thương yêu đối với đồng chí, anh em, dân tộc và nhân loại.

Từ những năm tháng đấu tranh cách mạng gian khổ, từ những tháng năm trong ngục tù cho đến những ngày giữ các cương vị cao, quan trọng trong Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Tôn Đức Thắng vẫn thể hiện và giữ nguyên một phong cách sống bình dị, không màng vật chất, tràn đầy tình yêu thương anh em, đồng bào, trong mọi hoàn cảnh, điều kiện vẫn không thay đổi hình ảnh và lối sống vì dân, vì nước.

Tấm gương mẫu mực về lối sống giản dị, tiết kiệm của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã trở thành tấm gương sáng chói cho các thế hệ cách mạng noi theo, học tập, trở thành huyền thoại và được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp chúc mừng Chủ tịch Tôn Đức Thắng thọ 70 tuổi (năm 1958) nói: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: Suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân".

Đồng chí Lê Duẩn, cố Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cũng khẳng định: ''Cùng với tinh thần phấn đấu không mệt mỏi, ở đồng chí Tôn Đức Thắng còn nổi bật lên lập trường vững vàng, chí khí cao cả, đức tính khiêm tốn, giản dị, đó là những gương sáng để chúng ta học tập".

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: "... Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng, sản phẩm tổng hợp của chất hào hiệp Nam Bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản, chất nhân đạo của con người. Tinh túy của chất ấy là lòng thương nước, yêu dân, niềm ưu ái với đồng bào, đồng chí; niềm tin sắt đá vào thắng lợi của cách mạng mặc dù mọi khó khăn, gian khổ, tinh thần một lòng, một dạ phục vụ nhân dân, đức chí công vô tư quên mình, sự khiêm tốn, giản dị hồn nhiên, trong sáng".

Một người cách mạng giữ chức vụ lãnh đạo cao trong Đảng và Nhà nước nhưng Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng không quên công việc của mình đã từng làm trong thời gian làm công nhân và hoạt động cách mạng, vẫn giữ vững cái búa, cái kìm, vẫn tự sửa xe đạp của mình mà với chức vụ của ông không cần làm và không cần dùng gì đến xe đạp, làm những việc mà lẽ ra những người giúp việc ông, những người bảo vệ họ phải làm. Đây là một sự giản dị và là sự tiết kiệm đến kỳ lạ. Vinh hoa, phú quý không làm quên đi gốc gác của mình, vinh hoa phú quý không làm cho quên đi những vật dụng đơn giản thường ngày, lúc hàn vi, nghèo khó, cũng như lúc cao sang, quyền quý.

Thực tế cho thấy, khi con người đã sống trong điều kiện sung sướng hơn, đã ở cương vị cao hơn, mấy ai muốn nhớ lại quá khứ vất vả, mấy ai muốn tự làm những công việc nặng nhọc, chân tay của những ngày xưa ấy và giữ những vật dụng đã lạc hậu, lỗi thời của một thời nghèo khó. Điều này nói lên một đạo đức cách mạng sáng ngời, một tinh thần vì dân, vì nước của Chủ Tịch Tôn Đức Thắng không bao giờ nhạt phai trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Điều này được cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Bác Tôn là con người vô cùng giản dị, vẫn là người công nhân, vẫn giữ cái búa, cái kìm... và tự chữa lấy xe đạp của Bác. Bác Tôn của chúng ta là một con người như thế, một người công nhân tiêu biểu cho tinh thần cách mạng, đạo đức cách mạng cao quý nhất của giai cấp công nhân, của dân tộc Việt Nam, của Đảng chúng ta, của dân tộc Việt Nam chúng ta".

Cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công khẳng định: "Cùng với lòng trung thành, tận tụy, lập trường vững vàng, tinh thần dũng cảm bất khuất, ở Bác Tôn còn nổi lên đức tính khiêm tốn, giản dị, chân thành, hòa mình trong quần chúng".

Chú thích ảnh
Bảo quản kỷ vật liên quan đến Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Bảo tàng mang tên Người ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

Cả cuộc đời Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã hiến dâng cho cách mạng, từ trong lao tù cho đến khi được hoạt động lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Tôn Đức Thắng vẫn một dạ sắt son, đấu tranh và phấn đấu không ngừng nghỉ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho độc lập và tự do của đất nước. Dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Chủ tịch Tôn Đức Thắng luôn làm tất cả mọi việc có lợi cho Ðảng, cho cách mạng để giải phóng dân tộc.

Với lối sống liêm khiết, trong sạch, ngay thẳng, chân thành, ghét sự xu nịnh, bè phái, chia rẽ, cơ hội chủ nghĩa, không tham quyền cố vị, chí công vô tư, vì lợi ích quốc gia, dân tộc mà phấn đấu, hy sinh, đã tạo nên huyền thoại Tôn Đức Thắng, tấm gương sáng cho các thế hệ cách mạng noi theo.

Tên tuổi của Chủ tịch Tôn Đức Thắng gắn liền với hình ảnh người chiến sỹ cách mạng, nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước ghét thói đặc quyền đặc lợi; ghét lợi dụng quyền hạn, chức vụ công tác để mưu cầu lợi ích riêng cho gia đình, cá nhân. Đức tính bẩm sinh của một con người luôn nhân ái, khoan dung, độ lượng, thương người, dung thứ cho người đã tạo nên một hình ảnh lãnh tụ cách mạng vì nước, vì dân, quên mình phấn đấu không mệt mỏi cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam, cho cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của người dân.

Hình ảnh Chủ Tịch Tôn Đức Thắng - một con người mẫu mực về lối sống giản dị, tiết kiệm còn in dấu sâu đậm trong tâm thức của người dân Việt Nam. Những hành động từ chối đặc lợi, đặc quyền được thể hiện rõ nét ở con người Chủ Tịch Tôn Đức Thắng với ba lần từ chối nhận nhà do Trung ương phân.

Cụ thể là từ ngày hòa bình lập lại năm 1954 đến lúc này, cùng ở với Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại biệt thự 35 Trần Phú, Hà Nội, còn có gia đình hai người con gái của Bác là bà Hạnh và bà Nghiêm. Thấy mình tuổi đã cao, Bác liền đề nghị cho chuyển gia đình họ ra khỏi biệt thự này, đến nhà 24-26 phố Cao Bá Quát, có lối thông sang nhà 35 Trần Phú. Theo Bác, “là để chuẩn bị sau này khi mình qua đời, dễ bề trả lại ngôi nhà cho Nhà nước”.

Đây là hình ảnh sáng ngời của người cách mạng, suốt cuộc đời vì dân, vì nước, không vì lợi riêng, không tham lam, không lợi dụng, dù ở cương vị Chủ tịch nước nhưng vẫn sáng trong như pha lê, một đời hiến dâng cho cách mạng. 

Với hình ảnh gia đình hai người con gái của Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở trong căn phòng 20m2 mỗi người và sau này khi Chủ tịch Tôn Đức Thắng qua đời, ngôi biệt thự số 35 Trần Phú đã được Nhà nước bàn giao làm trụ sở một số cơ quan và hai con gái của Người được chuyển sang nơi ở mới cũng chỉ 20m2 mỗi gia đình.

Trong thời khắc lịch sử, kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, với công cuộc chống tham nhũng đang được thực hiện ngày một thắng lợi, đem lại nhiều niềm tin cho nhân dân, thì tấm gương sống mẫu mực, giản dị, tiết kiệm của Chủ tịch Tôn Đức Thắng càng nhắc nhở tất cả những người Đảng viên và nhân dân phải học tập và làm theo tấm gương của người, kiên trì và quyết liệt chống mọi thói hư tật xấu, mọi tha hóa biến chất, mọi hành vi tham nhũng để làm cho Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, cho nhân dân tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, đưa đất nước chúng ta đến thắng lợi cuối cùng: “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” và nước ta trở thành nước: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

TTXVN/Báo Tin tức
Hội thảo 'Chủ tịch Tôn Đức Thắng với giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam'
Hội thảo 'Chủ tịch Tôn Đức Thắng với giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam'

Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2018), ngày 18/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp cùng Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo với chủ đề “Chủ tịch Tôn Đức Thắng với giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN