Hội thảo 'Pháp luật về vận động hành lang trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam'

Các chuyên gia nhận định vận động hành lang là tất yếu trong mọi xã hội, đã được thừa nhận và điều chỉnh ở ngày càng nhiều quốc gia, mục đích là để đưa hoạt động này vào khuôn khổ quản lý, bảo đảm nó diễn ra một cách công khai, minh bạch và liêm chính.

Chú thích ảnh
Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường (phải) và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại LB Nga Ngô Đức Mạnh (trái) tham dự Hội thảo. Ảnh: UNODC

Ngày 27/11/2021,  Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Pháp luật về vận động hành lang trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam”. Hội thảo diễn ra theo cả hai hình thức trực tiếp tại Hội trường và trực tuyến qua Zoom dưới sự tài trợ và đồng hành của Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm Liên hợp quốc (UNODC). 

Tham dự Hội thảo có các đại diện các đơn vị là bà Nguyễn Nguyệt Minh – Phụ trách UNODC Việt Nam; ông Park Noh Wan, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam; ông Hà Hùng Cường – nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp; ông Ngô Đức Mạnh – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Nga... Đặc biệt, Hội thảo có sự hiện diện của gần 270 chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động xã hội, nhà hoạt động thực tiễn đến từ Khoa Luật - ĐHQGHN, Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Đại học Luật, Đại học Huế, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn, Công ty Luật TNHH Vietthink… 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh – Chủ nhiệm Khoa Luật, ĐHQGHN cho biết: Nhận thức về vận động hành lang ở Việt Nam hiện nay còn khá hạn chế. Vận động hành lang chưa được thừa nhận một cách chính thức, và đôi khi vẫn bị coi là một vấn đề nhạy cảm. Về pháp luật, vận động hành lang không được ghi nhận chính thức và cụ thể trong pháp luật, vì thế chưa thừa nhận đầy đủ quyền tham gia của các tổ chức cá nhân trong vận động chính sách công, đồng thời là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu kiểm soát trong hoạt động này. Để góp phần thay đổi nhận thức xã hội về hoạt động vận động hành lang và tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, những người làm thực tiễn pháp luật chia sẻ, thảo luận về các vấn đề trên hướng tới việc xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về vận động hành lang ở Việt Nam, Hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ về những vấn đề lý luận và kinh nghiệm pháp luật quốc tế về vận động hành lang, trên cơ sở đó liên hệ với thực tiễn, bối cảnh ở Việt Nam để rút ra được những giá trị tham khảo và kinh nghiệm.

Chú thích ảnh
PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh – Chủ nhiệm Khoa Luật, ĐHQGHN - phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: UNODC

Trên thực tế, hiện tượng "vận động hành lang/vận động chính sách" dù chưa được luật hóa, thừa nhận chính thức nhưng lại vẫn hiện hữu, tồn tại và tiến hành dưới nhiều hình thức khác nhau. Các hình thức vận động tích cực diễn ra thông qua các góp ý chính sách, góp ý, đại diện lợi ích của các hiệp hội và tổ chức xã hội. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp, hoạt động này đôi khi bị bóp méo, bị chi phối bởi những nhóm lợi ích làm ảnh hưởng đến tính công bằng của chính sách, gây nên những thiệt hại cho xã hội và nền kinh tế.

Tại Hội thảo, các diễn giả đã được nghe các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận những nội dung chính như: Tổng quan về vận động hành lang, pháp luật về vận động hành lang; Pháp luật về vận động hành lang tại một số quốc gia như Mỹ, Đức; Xây dựng pháp luật vận động hành lang tại Việt Nam nhìn từ các khía cạnh chính sách công, lĩnh vực lập pháp, chính sách pháp luật...

Các chuyên gia nhận định vận động hành lang là tất yếu trong mọi xã hội, đã được thừa nhận và điều chỉnh ở ngày càng nhiều quốc gia, mục đích là để đưa hoạt động tất yếu này vào khuôn khổ quản lý, bảo đảm nó diễn ra một cách công khai, minh bạch và liêm chính. Vì thế, việc luật hóa vận động hành lang ở Việt Nam là cần thiết. Tuy nhiên, nhiều vấn đề cần phải thảo luận, nghiên cứu trong thời gian tới như: Trong bối cảnh của Việt Nam, có thể luật hóa hoạt động vận động hành lang không? Các kinh nghiệm quốc tế có thể được chia sẻ, học hỏi và áp dụng như thế nào trong bối cảnh của Việt Nam? Hoàn thiện cơ chế pháp lý hiện hành của Việt Nam như thế nào? Cần phải minh bạch hóa hoạt động vận động hành lang như thế nào? Các yêu cầu, nội dung và các điều kiện bảo đảm cho pháp luật về vận động hành lang trong thời gian tới như thế nào?

Chú thích ảnh
GS.TS Nguyễn Đăng Dung - Giảng viên cao cấp, nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Luật, ĐHQGHN, phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: UNODC

Kết thúc Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra các kết luận và kiến nghị gồm có: Thứ nhất, Hội thảo đã cho thấy nhu cầu về xây dựng pháp luật về vận động hành lang trên cả hai phương diện thực tiễn và lý luận pháp luật; Thứ hai, thực tế cho thấy vận động hành lang có tồn tại ở cả cơ sở chính trị, hiến định, pháp lý nhưng tản mạn. Nhiệm vụ của chúng ta là tập hợp, thống nhất lại; Thứ ba, thực tiễn vận động hành lang hay vận động chính sách đã có, đã tồn tại nhưng cần làm rõ và hiểu rõ; Thứ tư, cần có lộ trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật về vận động hành lang nhằm đưa hoạt động trên vào khung khổ pháp luật, phát huy tối đa ưu điểm và hạn chế tối đa hoạt động này vì lợi ích nhóm; Thứ năm, kiến nghị các cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo tiếp tục triển khai nghiên cứu lý luận và thực tiễn về vấn đề này hướng tới xây dựng một dự án luật trong tương lai; Đồng thời, kiến nghị Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục tổ chức các hoạt động liên quan đến chủ đề này để làm rõ hơn các vấn đề lý luận và thực tiễn về vận động hành lang/vận động chính sách nhằm tạo sự đồng thuận và nhận thức về các khía cạnh tích cực về hoạt động này. 
 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Sứ quán Trung Quốc bị nghi vận động doanh nghiệp Mỹ cản nghị quyết Quốc hội
Sứ quán Trung Quốc bị nghi vận động doanh nghiệp Mỹ cản nghị quyết Quốc hội

Sứ quán Trung Quốc tại Washington bị nghi vận động hành lang giới doanh nghiệp Mỹ để cản phá các dự luật liên quan đến Trung Quốc được trình tại Quốc hội Mỹ - bản tin độc quyền ngày 13/11 của Reuters cho biết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN