Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" đã đánh dấu mốc son chói lọi, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân ta.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, chiến thắng to lớn này là minh chứng sống động khẳng định vai trò lãnh đạo sáng suốt và to lớn của Trung ương Đảng, Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các lực lượng vũ trang Trung ương, các đơn vị, địa phương và Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, nhân dân Thủ đô chủ động, tích cực chuẩn bị chống địch tập kích đường không. Đây là một kỳ tích tiêu biểu cho tầm cao trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam cũng như truyền thống và hào khí Thăng Long – Hà Nội văn hiến, anh hùng trong thời đại Hồ Chí Minh lịch sử.
Với quan điểm khách quan, khoa học, các báo cáo của các nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy của các đơn vị, các nhân chứng trực tiếp chỉ huy, tham gia chiến đấu trong trận “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” đã làm sáng tỏ và có những đóng góp mới về lý luận, thực tiễn; đó là làm rõ đường lối và sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giai đoạn từ năm 1965 đến năm 1972. Đồng thời làm sáng tỏ, sâu sắc và toàn diện về sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc chống chiến tranh phá hoại của Mỹ.
Chiến công của quân dân Thủ đô đánh thắng chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Chính đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng được phát triển lên tầm cao trí tuệ, trong bối cảnh lịch sử mới, với những nội dung, hình thức mới, đã phát huy tác dụng mạnh mẽ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Hà Nội.
“Những năm tháng bom đạn khốc liệt, đường lối và nghệ thuật chiến tranh được phát huy mạnh mẽ, vận dụng sát thực với yêu cầu của cuộc chiến tranh nhân dân đất đối không bảo vệ Thủ đô. Ta đã nắm vững ý đồ chiến lược, chiến thuật trong từng thời kỳ để nghiên cứu đối phó kịp thời, có hiệu quả và hạn chế tổn thất. Ta đã phát động được phong trào toàn dân bắn máy bay địch theo một thế trận được bố phòng hợp lý, phù hợp với từng lực lượng, với tính năng của từng loại vũ khí trang bị; xây dựng được một hệ thống phòng không nhiều tầng, nhiều lớp, đảm bảo đánh địch từ xa đến gần, ở mọi tầm mọi hướng, đảm bảo đội hình cơ bản và dự bị, cân đối về chiến thuật, phát huy được thế tiến cống và chi viện liên hoàn”, bà Ngô Thị Thanh Hằng cho biết.
Chia sẻ về những ký ức của 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, nhạc sỹ Phú Quang cho biết: "Đêm 26/12/1972, máy bay B52 rải thảm tại khu phố Khâm Thiên vẫn là sự ám ảnh với tôi đến bây giờ. Nhà tôi ở chính nơi đặt tượng đài tưởng niệm nạn nhân Khâm Thiên. Hôm đó, bom nổ ầm ầm cả đoạn phố, tôi và chị gái, anh rể kịp thời xuống căn hầm trú bom. Lúc ngớt bom, cả đoạn phố bị san phẳng và nhìn sang tận phố Đê La Thành. Người bạn thân của tôi cũng bị bức tường gạch đè chết, xác người khắp nơi. Hình ảnh người phụ nữ lặng người cầm viên gạch vỡ đưa tiễn 26 người con, cháu, họ hàng bị chết trong trận rải thảm bom B52 ngày đó vẫn là nỗi ám ảnh với tôi và người dân Khâm Thiên".
Có mặt tại hầm chỉ huy tác chiến T1 của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Phó cục trưởng Tác chiến năm nay đã bước sang tuổi 90. Vị tướng già vẫn nhớ như in từng chi tiết, từng sự kiện quan trọng trong chiến dịch 12 ngày đêm lịch sử trên bầu trời Thủ đô.
Là một trong 2 người đầu tiên nhận tin B52 tấn công miền Bắc tại hầm chỉ huy tác chiến T1, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh đã dùng hai từ “lặng người” và “điếng người” khi nhớ lại cảm giác của mình trong đêm 18/12/1972. “Khi nhận được quyết định kéo còi báo động cho thành phố Hà Nội sớm hơn quy định, trong tâm thâm tôi chỉ nhắc bảo: Đồng bào ơi, xuống hầm, xuống hầm”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh cho biết.
Giải mã về chiến thắng vĩ đại này, Trung tướng Nguyễn Thế Kết, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết: Hà Nội đã sớm chủ động phối hợp với các lực lượng và các tỉnh xây dựng lưới lửa phòng không nhân dân ba thứ quân với mọi vũ khí từ thông thường đến hiện đại, phát động toàn dân đánh máy bay địch, bắt giặc lái và phục vụ chiến đấu. Dân quân tự vệ Hà Nội với tên lửa phòng không quốc gia tạo thành thế trận phòng không đan dày, nhiều tầng, nhiều lớp, lưới lửa dày đặc, có thể đánh địch từ nhiều hướng, nhiều tầm cao khác nhau làm hạn chế tính năng, tác dụng của trang bị, phương tiện chiến tranh hiện đại của không lực Hoa Kỳ.
“Đây là một sáng tạo độc đáo của quân dân Thủ đô – nơi đất không rộng, mật độ dân cư đông nhưng bằng trí tuệ, ý chí đã làm chủ thế trận, đánh thắng và bắn hạ pháo đài bay B52 nhiều nhất so với các tỉnh, thành miền Bắc. Đó cũng chính là kết quả kế thừa và làm tỏa sáng giá trị văn hóa, hào khí Thăng Long – Đông Đô, khí phách người Hà Nội. Đối lập với sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh là hình ảnh người Hà Nội bình tĩnh, tự tin, kiêu hãnh: cô gái Ngọc Hà tưới hoa bên xác máy bay B52, chú rể hạnh phúc trao hoa cho cô dâu bên mâm pháo trong khoảng bình yên giữa hai trận chiến đấu, các em học sinh đội mũ rơm, đeo túi cứu thương cắp sách đến trường…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, hội thảo đã góp phần khẳng định tầm vóc, ý nghĩa lịch sử, những bài học kinh nghiệm quý báu của chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", là cơ sở lý luận và thực tiễn, nhằm giáo dục truyền thống, bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và thế hệ trẻ Thủ đô; đặc biệt là trong công tác xây dựng thế trận lòng dân; luôn nêu cao tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống; trong xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô; xây dựng khu vực phòng thủ của Thủ đô vững mạnh... Từ đó thúc đẩy mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá Thủ đô và đất nước, giữ vững chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.