Liên quan đến việc Hà Nội sẽ chi khoảng 15 tỷ để xây dựng 14 nhà vệ sinh công cộng bằng thép, Thành ủy Hà Nội vừa có công văn yêu cầu Ban cán sự đảng UBND thành phố đánh giá lại dự trù kinh phí, điều chỉnh quy mô vốn theo hướng tiết kiệm, cắt giảm chi phí không hợp lý. Trong bối cảnh đất nước còn nghèo, kinh tế kém phát triển, lại liên tục phải gánh chịu hậu quả của thiên tai..., thì ý kiến chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội được cho là kịp thời và nhận được sự đồng tình của dư luận.
Theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội trước đó, thành phố sẽ cho phép Ban Quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội chuẩn bị thực hiện dự án Đầu tư xây dựng 14 nhà vệ sinh công cộng bằng thép, có tổng kinh phí 15 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là xây dựng bổ sung nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, phù hợp với cảnh quan khu vực công cộng, phục vụ cộng đồng dân cư và khách du lịch... Tuy nhiên, ngay sau khi quyết định của UBND thành phố được ban hành, có rất nhiều ý kiến phản đối, đồng thời đề nghị UBND thành phố xem xét lại giá thành và hiệu quả của dự án.
Thực tế, hầu hết các công viên, vườn hoa tại các quận nội thành của Thủ đô đều đã có nhà vệ sinh công cộng bằng thép. Các nhà vệ sinh này được xây dựng dọc bờ các sông Kim Ngưu, Tô Lịch… Tuy nhiên, không phải nhà vệ sinh nào cũng phát huy hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh môi trường. Trong số đó, có nhà vệ sinh công cộng bằng thép được xây dựng ở nơi “hiu quạnh”, có nhà vệ sinh xây xong là “đắp chiếu” vì không có người sử dụng, hoặc mang tiếng là nhà vệ sinh công cộng nhưng lại khóa cửa cả ngày...
Chỉ tính riêng khu vực hồ Tây, đã có 6 nhà vệ sinh công cộng được xây dựng. Đoạn đường Thanh Niên dài chưa đầy 1 km, nhưng có tới 2 nhà vệ sinh công cộng (chưa kể nhà vệ sinh công cộng tại hồ Trúc Bạch, đối diện với hồ Tây). Do mật độ dày đặc, lại được xây dựng tại các điểm thưa thớt dân cư và người qua lại, nên một số nhà vệ sinh công cộng tại khu vực này trở thành nơi ngồi hóng gió hồ, hoặc bị biến thành nơi ăn, ngủ của chính nhân viên trông giữ, thu phí.
Có người đặt câu hỏi, nếu chỉ vì để người dân không xả bậy mà phải làm nhà vệ sinh tới tiền tỷ thì e Hà Nội không đạt được mục đích. Còn vì thể hiện bộ mặt của thành phố thì thật kệch cỡm, bởi du khách không vì nhà vệ sinh tiền tỷ mà họ vào, mà họ sử dụng vì ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng. Rất nhiều lời đàm tiếu, có là nhà vệ sinh "dát vàng" đi chăng nữa thì giá thành cũng không đến thế; rồi, chỉ là chỗ để “giải quyết nỗi buồn” mà sao Hà Nội phóng tay thế; rồi giá thành một m2 nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội còn đắt hơn cả giá thành nhà chung cư cao cấp...
Từ chuyện nhà vệ sinh bằng thép ở Thủ đô cũng như những nhà vệ sinh tiền tỷ được xây dựng ở một số trường học vùng miền núi nghèo các tỉnh Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế mà dư luận đề cập gần đây, bỗng thấy buồn cho kiểu tư duy làm dự án ở nhiều địa phương hiện nay. Đó là kiểu xài “tiền chùa” nên không ai xót; hoặc cố tình “vẽ” dự án để “đục nước béo cò”.
Chỉ xót cho tiền thuế đóng góp của dân. Không biết đến khi nào mới chấm dứt được tình trạng “bịt lỗ hà, ra lỗ hổng” trong việc quản lý, sử dụng vốn ngân sách đầu tư vào các công trình công cộng.
Yến Nhi