Hòa Bình quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tích cực hưởng ứng phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025", Hòa Bình đã quyết liệt thực hiện chủ trương, chỉ đạo các đơn vị, ban, ngành cùng chung tay, huy động nguồn lực hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực giúp người nghèo ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Chú thích ảnh
Cán bộ xã Mường Chiềng (Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình) khảo sát nhà tạm, dột nát trên địa bàn để có kế hoạch hỗ trợ xây mới. Ảnh: baohoabinh.com.vn

Đa dạng cách làm

Huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) là địa phương tiêu biểu thực hiện Đề án "Hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo" của tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cấp ủy, chính quyền huyện xác định việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đồng thời là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong công tác giảm nghèo. Huyện tập trung tối đa nguồn lực giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh khó khăn đảm bảo điều kiện về nhà ở, đảm bảo công khai, minh bạch. Các cấp ủy, chính quyền trong huyện đã tổ chức rà soát tình hình nhà ở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo để tìm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân.

Cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các địa phương trong huyện đã rà soát địa bàn, lên danh sách cụ thể, chi tiết 882 hộ nghèo đề nghị tỉnh Hòa Bình phân bổ nguồn vốn để xóa nhà tạm, nhà dột nát. Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện đã hỗ trợ 280 hộ với tổng số tiền 14 tỷ đồng. Những ngôi nhà sau khi hoàn thành đều có diện tích trên 50 m2, đảm bảo tiêu chuẩn "3 cứng" của Bộ Xây dựng (nền cứng, khung tường cứng, mái cứng). Cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương, nhân dân trong xóm, các căn nhà đã đáp ứng tiêu chí nhà ở trong xây dựng nông thôn mới.

Bà Bùi Thị Kiều, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Đà Bắc cho biết, Quyết định số 541/QĐ-UBND, ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo của tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã trở thành điểm tựa, giúp hộ nghèo có thêm động lực vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Tại Lạc Sơn, toàn huyện có 532 hộ nghèo được đề nghị phê duyệt hỗ trợ kinh phí xây mới nhà ở. Đến tháng 10/2024, huyện đã phân bổ kinh phí cho 182 hộ với tổng số tiền 9,1 tỷ đồng. Để đảm bảo đúng tiến độ đề ra, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp, phát huy tinh thần tương thân tương ái tham gia ủng hộ các nguồn lực để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo.

Ông Bùi Văn Lịnh, Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn cho biết, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp, nâng cao nhận thức về chủ trương xóa đói, giảm nghèo và tích cực ủng hộ Quỹ Vì người nghèo; từ đó phát huy tinh thần tương thân tương ái trong hỗ trợ giải quyết nhà ở cho hộ nghèo; chú trọng huy động đóng góp trực tiếp ngày công lao động trong cộng đồng dân cư để nâng cao chất lượng căn nhà được hỗ trợ.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Luyến cho biết, đoàn kết là truyền thống quý báu, nét văn hóa đặc sắc của dân tộc. Với mong muốn hộ nghèo có được căn nhà vững chãi, ổn định để cải thiện điều kiện sống, phát triển sản xuất, kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cùng các tổ chức thành viên đã tích cực tuyên truyền, vận động, kêu gọi các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, tập thể, cá nhân, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh chung tay, góp sức ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và tham gia chương trình Xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Cùng vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Tỉnh Hòa Bình còn hơn 20.000 hộ nghèo, trong đó có hơn 6.000 hộ đang ở nhà tạm, nhà dột nát; 3.194 hộ đang có nhu cầu cấp bách về nhà ở, không đảm bảo tiêu chí “3 cứng”. Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh đã tiếp nhận ủng hộ Quỹ xóa nhà tạm được 43,6 tỷ đồng; phân bổ hỗ trợ xây mới 492 nhà với tổng trị giá 24,6 tỷ đồng. Ngoài ra, đã có 50 đơn vị trong và ngoài tỉnh ủng hộ Quỹ Vì người nghèo với tổng số tiền trên 37,38 tỷ đồng (trong đó Quỹ Trung ương chuyển về 10,2 tỷ đồng). Từ nguồn Quỹ này, đến nay, toàn tỉnh đã trích và xây dựng mới 221 căn nhà đại đoàn kết, trị giá hơn 11 tỷ đồng, cùng nhiều hoạt động an sinh xã hội khác.

Để việc chương trình đi vào thực chất, đúng đối tượng được thụ hưởng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình Xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo tỉnh Hòa Bình Nguyễn Phi Long nhấn mạnh, các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai có hiệu quả chương trình xóa nhà tạm, phân công cụ thể, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nội dung được phụ trách; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức để nhận được sự đồng lòng, ủng hộ của toàn xã hội. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên phát huy vai trò, trách nhiệm trong vận động các nguồn lực, huy động sự tham gia đông đảo của đoàn viên, hội viên và cộng đồng dân cư cùng tham gia, để mỗi ngôi nhà đảm bảo chất lượng tốt nhất, thời gian nhanh nhất và chi phí xây dựng thấp nhất; thực hiện kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo công bằng, minh bạch trong triển khai xây dựng xóa nhà tạm, nhà dột nát; yêu cầu các ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, sớm đưa chương trình hoàn thành đúng và vượt tiến độ.

Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh nêu rõ nhiệm vụ "Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau" và "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát" là những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, mang ý nghĩa chính trị - xã hội, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, khơi dậy lòng nhân ái, truyền thống đoàn kết của người Việt Nam, tạo ra phong trào giúp đỡ người nghèo một cách rộng rãi trong toàn xã hội; góp phần mang lại mái ấm tình thương cho người nghèo, người yếu thế để không ai bị bỏ lại phía sau. Đây là việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện trách nhiệm và đạo lý "Đền ơn đáp nghĩa", "Thương người như thể thương thân", "Lá lành đùm lá rách", nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân chung sức, đồng lòng phấn đấu hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát đến cuối năm 2025 tại tỉnh Hòa Bình.

Để đảm bảo hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát, cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân, huy động, đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện. Hòa Bình quyết tâm trước năm 2025, hoàn thành xây mới và sửa chữa 3.194 nhà cho hộ nghèo; trong năm 2025, xóa hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát trên toàn tỉnh.

Thanh Hải (TTXVN)
Xoá nhà tạm, nhà dột nát: ‘Không có tranh chấp về đất đai là có thể triển khai được’
Xoá nhà tạm, nhà dột nát: ‘Không có tranh chấp về đất đai là có thể triển khai được’

Trả lời các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 12/11 về xoá nhà tạm, nhà dột nát, Thủ tưởng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, với vướng mắc về đất đai, các địa phương thực hiện theo nguyên tắc “không có tranh chấp là có thể triển khai được”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN