Phân nhóm hỗ trợ
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: Trong bối cảnh đại dịch, nhiều người lao động bị giảm hoặc thậm chí không có thu nhập do tạm nghỉ hoặc mất việc làm; sự hỗ trợ, chia sẻ lúc này dù ít hay nhiều đều rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, ông Hùng đánh giá mức hỗ trợ còn khiêm tốn, nên hiệu quả chưa cao.
Trước một số ý kiến cho rằng, việc 15% tiền điện (trước thuế VAT) trên hoá đơn tiền điện cho các khách hàng sử dụng đến 200 kWh/tháng chỉ mang tính hình thức vì giá trị giảm không nhiều, đại diện Hiệp hội Điện lực Việt Nam cho hay, những người nghèo bao giờ cũng được ưu tiên trong chính sách xã hội nhưng giảm bao nhiêu là hợp lý và người dân cảm nhận được thì EVN cũng phải có tính toán, làm sao để không ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và cũng góp phần cân đối, giảm được gánh nặng cho người dân.
Đại diện các doanh nghiệp viễn thông cho biết, thực hiện chỉ đạo từ Bộ TT&TT, từ đầu năm 2020, các đơn vị viễn thông thực hiện nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, người dân và tuyến đầu chống dịch bằng nhiều hình thức khác nhau như đóng góp trực tiếp vào Quỹ vaccine phòng chống COVID-19, hỗ trợ data… Tùy vào từng giai đoạn sẽ có chương trình hỗ trợ cụ thể.
Còn ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Inernet Việt Nam cho biết: "Đối tượng được hưởng gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông gồm rất nhiều nhóm khác nhau, trong đó có nhóm người dùng cá nhân dịch vụ di động, dịch vụ cố định, và các nhóm doanh nghiệp khác nhau. Mỗi nhóm được hỗ trợ theo các chương trình khác nhau. Đến thời điểm này chúng tôi chưa có thông tin về phản hồi của các nhóm khách hàng khác nhau, tuy nhiên chúng tôi tin rằng nhiều nhóm người dùng đã và sẽ được hưởng những lợi ích từ các gói hỗ trợ mà các doanh nghiệp viễn thông tuyên bố và thực hiện này".
Trước ý kiến của người dùng và doanh nghiệp nên giảm giá cước vào hóa đơn cước viễn thông, ông Vũ Thế Bình cho rằng: "Chúng tôi nghĩ phương án hỗ trợ bằng phương án giảm cước trực tiếp cho một số gói cước tương ứng với những nhóm người sử dụng cần hỗ trợ là ý tưởng tốt. Ví dụ như giảm cước dịch vụ Internet cố định và di động cho các hộ gia đình, có thời hạn, cho các cá nhân trong vùng dịch theo mức độ khác nhau, chắc chắn ít nhiều sẽ giúp bà con trong hoàn cảnh "ai ở đâu ở yên đấy". Tất nhiên việc này cần có sự động viên cổ vũ từ Bộ Thông tin -Truyền thông và sự hưởng ứng chung của các doanh nghiệp viễn thông lớn".
Còn ông Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam thì cho biết, giải pháp lâu dài thì vẫn phải thay đổi cách tính giá điện hiện nay. Bộ Công Thương và EVN đã có nhiều lần ý định thay đổi giá điện bậc thang hiện nay, giảm bớt số lượng bậc thang 6 xuống 5 và xuống 3 và tiến đến 1 giá điện thống nhất. Đó là lộ trình phải thực hiện khẩn trương. Nếu theo chương trình thị trường hóa điện lực thì đến năm 2024 chúng ta phải đưa ra thị trường bán lẻ cạnh tranh chính thức, thì giá điện phải đạt biểu giá chung.
Mong chờ các chính sách dài hạn
Về hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, trao đổi với phóng viên báo Tin tức, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng kiến nghị: NHNN cần chủ trì xây dựng Tổ hợp tín dụng Quốc gia có sự tham gia của các ngân hàng với tỷ lệ tham gia khoảng 3% dư nợ của mỗi ngân hàng. Tổng hạn mức cho vay của Tổ hợp là 300.000 tỷ đồng. Thời hạn cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh vay là 5 năm (2 năm đầu vay tuần hoàn và 3 năm sau trả dần trên dư nợ vay vào cuối năm thứ 2). Điều kiện vay là tín chấp với lãi suất từ 3 - 5%.
“Các tiêu chí áp dụng cho các doanh nghiệp vay vốn dưới sự hỗ trợ của NHNN. Quỹ bảo lãnh tín dụng (BLTD) Quốc gia có nhiệm vụ hỗ trợ Tổ hợp tín dụng để giảm thiểu rủi ro cho các ngân hàng. Nếu gói tín dụng này lên đến 300.000 tỷ đồng thì Quỹ BLTD Quốc gia cần phải có vốn điều lệ lên đến ít nhất 30.000 tỷ đồng. Vì rủi ro nợ xấu nên chỉ với BLTD Quốc gia, các ngân hàng mới dám cho vay và mức giảm lãi xuất mới sâu được”, ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Còn chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực đề xuất: Cần gói lãi suất phù hợp cho doanh nghiệp DNNV, đối tượng dễ bị tổn thương nhất với quy mô 50.000 - 60.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay 3 - 4%/năm, hỗ trợ lãi suất trong 1 năm. Nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cấp bù phần lãi suất vì ước tính với gói này, ngân sách cần chi khoảng 2.000 tỷ đồng hỗ trợ.
“Các ngân hàng cũng phải hoạt động như một doanh nghiệp nên việc mở rộng tín dụng, nới ‘room’ cho vay trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi phải đi đôi với chất lượng tín dụng nên dư địa về chính sách tiền tệ, hạ lãi suất điều hành, tạo điều kiện để hạ tiếp lãi vay cũng không còn nhiều”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI)cho biết.
Giảm thuế là biện pháp cấp bách cứu doanh nghiệp
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, cộng đồng doanh nghiệp có nhiều ý kiến phản hồi khác nhau về các chương trình hỗ trợ của Chính phủ. Nhìn chung, các doanh nghiệp đều ghi nhận sự cố gắng của Chính phủ.
“Giải pháp giảm 50% thuế cho hộ kinh doanh là rất hữu ích, vừa giúp các hộ kinh doanh, vừa hỗ trợ lực lượng lao động bởi khu vực hộ kinh doanh có đóng góp tới 30% GDP nên có ảnh hưởng lớn tới xã hội. Việc giảm thuế cho khu vực này là một sự đột phá về mặt chính sách, thể hiện Chính phủ không chỉ quan tâm các doanh nghiệp lớn mà còn quan tâm cả hộ cá nhân kinh doanh bị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh”, ông Vũ Tiến Lộc cho biết.
Thời hạn áp dụng cho các giải pháp hỗ trợ này chỉ giới hạn trong năm 2021 trong khi nhiều khả năng sớm nhất phải đến quý I/2022, các hoạt động kinh doanh mới có thể trở lại trạng thái bình thường mới. Do vậy, VCCI đề nghị điều chỉnh thời hạn áp dụng các biện pháp hỗ trợ đến hết tháng 6/2022. Ngoài ra, mức giảm thuế GTGT cho các loại hình dịch vụ như: Du lịch, khách sạn, nhà hàng… cần mở rộng đến 50%, thay vì đề xuất 30% để tạo cú hích hồi phục mạnh hơn đối với các ngành đang chịu ảnh hưởng cực kỳ nặng nề bởi dịch bệnh.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS.Ngô Trí Long cho biết, trong bối cảnh cân đối ngân sách như hiện nay, tôi cho rằng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng phải có trách nhiệm chia sẻ khó khăn với Nhà nước, nên đề xuất của Bộ Tài chính là hợp lý vì thực tế đã ưu tiên cho khu vực doanh nghiệp hơn rất nhiều khu vực khác.
Theo Bộ Tài chính, kể từ thời điểm dịch bệnh bùng phát, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thuế như: Nghị định 41/2021/NĐ-CP, Nghị định 52/2021-NĐ-CP... So với chính sách thuế trước, chính sách giảm thuế lần này là “liều thuốc cấp cứu” cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ.