Giữa những khó khăn do COVID-19 đem lại, doanh nghiệp, người dân thực sự mong mỏi những cơ chế, chính sách hỗ trợ. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, chung tay giúp đỡ doanh nghiệp và người dân, một loạt chương trình đã được các đơn vị cung cấp dịch vụ triển khai hỗ trợ.
Kỳ vọng về các chương trình hỗ trợ
Dịch COVID-19 diễn biến hết sức căng thẳng khiến số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh gia tăng; đời sống của người lao động cũng gặp khó khăn khi doanh nghiệp lao đao. Trong 7 tháng đầu năm 2021, dưới tác động của dịch bệnh, trên Cổng Thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đã có 79.673 doanh nghiệp Việt Nam thông báo tạm dừng kinh doanh, giải thể, phá sản. Con số này chiếm gần 10% tổng số doanh nghiệp của Việt Nam. Tình trạng doanh nghiệp phải cầm cự, lâm vào cảnh khó khăn cũng gia tăng dẫn đến thất nghiệp gia tăng và lao động giảm thu nhập.
Có thể thấy, dịch COVID-19 đang tác động mạnh mẽ “sức khỏe” của doanh nghiệp và khiến nhiều lao động gặp khó khăn. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT, Trưởng Ban nghiên cứu phát triển doanh nghiệp tư nhân cho rằng: Doanh nghiệp cũng giống như một thực thể sống, do đó cũng chịu những tác động của COVID-19 giống như con người có nguy cơ nhiễm bệnh, trở nặng và phá sản. Do đó, doanh nghiệp mong muốn tăng cường "oxy", tạo một "tấm khiên" chống đỡ trước những nguy cơ mà dịch bệnh đã tạo ra, như: Nguồn cầu giảm sút, thiếu hụt nguồn tiền, duy trì kênh tương tác với khách hàng, đứt đoạn giao tiếp...
Còn ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết: Khảo sát gần 1.500 doanh nghiệp trên địa bàn mới đây cho thấy, gần 60% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, số doanh nghiệp khó khăn, phải giải thể tăng nên rất cần sự tiếp sức từ Nhà nước. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đều vay vốn ngân hàng nên chính sách về vay vốn rất quan trọng; tiếp đó là chính sách liên quan đến thuế. Còn lại các chính sách khác sẽ có những tác động nhất giảm khó khăn phần nào đó cho doanh nghiệp.
“Oxy trợ thở”
Nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19, nhiều chính sách hỗ trợ đã được Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương và tập đoàn kinh tế đưa ra.
Chính sách hỗ trợ tiền điện đợt 4 hướng tới một số khách hàng sử dụng tiền điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Các đối tượng được hỗ trợ giảm tiền điện cũng được “khoanh vùng” là các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố tại thời điểm ngày 30/7/2021 đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Theo đó, mức hỗ trợ giảm giá điện sẽ giảm 15% tiền điện (trước thuế VAT) trên hoá đơn tiền điện cho các khách hàng sử dụng đến 200 kWh/tháng. Cùng đó, giảm 10% tiền điện (trước thuế VAT) trên hoá đơn tiền điện cho các khách hàng sử dụng trên 200 kWh/tháng. Thời gian hỗ trợ giảm tiền điện cho khách sử dụng điện là hai tháng tại các kỳ hoá đơn tiền điện tháng 8 và kỳ hoá đơn tiền điện tháng 9/2021.
Cùng với đó, chính sách này cũng hướng tới thực hiện giảm tiền điện cho các cơ sở cách ly y tế tập trung phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian có người đang thực hiện cách ly y tế đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Tương tự, các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT, Mobifone, CMC, FPT, Vietnamobile, SCTV đã đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông tham gia chương trình gói hỗ trợ viễn thông trị giá 10.000 tỷ đồng theo từng nhóm đối tượng, loại dịch vụ. Theo đó, đối với khách hàng trên toàn quốc, các đơn vị tiếp tục tăng 2 lần băng thông cho dịch vụ internet cáp quang với giá không đổi nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu học tập, làm việc trực tuyến tại nhà; miễn phí truy cập tốc độ cao đến các trang thông tin điện tử của Bộ Y tế, ứng dụng Bluezone; tặng thêm 50% dung lượng data cho tất cả các gói cước mà khách hàng đang sử dụng hoặc đăng ký mới với giá không đổi; giảm giá 50% đối với các gói cước data VX3, VX7, cụ thể gói VX3 (6GB/3 ngày) giảm từ 20.000 đồng còn 10.000 đồng, gói VX7 (10GB/7 ngày) giảm từ 35.000 đồng còn 20.000 đồng.
Các doanh nghiệp Viettel, VNPT, Mobifone cũng sẽ tiếp tục đóng góp vào Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 từ việc trích 5.000 đồng với mỗi gói cước VX3/VX7 được đăng ký/gia hạn thành công. Còn đối với khách hàng ở các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg thì tặng 50 phút gọi nội mạng.
Mong chờ nhất của doanh nghiệp là gói hỗ trợ lãi suất. Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, 16 ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm tiếp lãi suất cho khách hàng với tinh thần "khó khăn nhiều giảm nhiều, khó khăn ít giảm ít". Theo đó, mức cam kết từ nay tới cuối năm sẽ giảm lãi tương đương số tiền 20.300 tỷ đồng qua hai nguồn cắt giảm chi phí hoạt động và chia sẻ lợi nhuận.
Ngoài cam kết trên, một số ngân hàng lớn còn có gói hỗ trợ lãi suất lên đến hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp tại Thành phố (TP) Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số tỉnh, thành khu vực phía Nam đang giãn cách theo Chỉ thị 16.
“Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cam kết hỗ trợ lãi suất với số tiền 20.300 tỷ đồng từ nay đến cuối năm, lấy từ nguồn cắt giảm lợi nhuận, tuỳ quy mô ngân hàng. NHNN sẽ giám sát chặt chẽ, bảo đảm các ngân hàng triển khai đúng cam kết hỗ trợ; đồng thời sẽ là cơ sở để xét hạn mức tín dụng cho năm 2022”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết. Ngoài các gói hỗ trợ tín dụng, NHNN còn chỉ đạo triển khai các chính sách tín dụng, chính sách xã hội khoảng 7.500 tỷ, đóng góp trong gói 26.000 tỷ đồng (năm 2021) dành cho người khó khăn vì dịch COVID-19.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), Chính phủ đã có Tờ trình số 289/TTr-CP trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị quyết để cho ý kiến và đề nghị thông qua Nghị quyết theo quy trình một phiên họp. Dự thảo Nghị quyết gồm 4 chính sách. Đó là: Tiếp tục giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác như đã áp dụng năm 2020.
Tiếp đến là ba nhóm chính sách lần đầu tiên được cơ quan quản lý đề xuất kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam gồm: Giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế giá trị gia tăng (GTGT) và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, địa bàn, các hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế.
Giảm 30% mức thuế suất, mức tỷ lệ % thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 như: Du lịch, vận tải, lưu trú, ăn uống, thể thao, vui chơi, giải trí; sáng tác, nghệ thuật; báo chí, truyền hình, thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác...; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 (2 năm ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19) đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, 2019 va 2020.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc thực hiện các chính sách đề xuất tại dự thảo Nghị quyết có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 20.000 tỷ đồng. Ngoài ra Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
“Tính chung các chính sách đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính thực hiện từ đầu năm 2021 và các chính sách đề xuất bổ sung nêu trên thì số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân trên 138.000 tỷ đồng”, đại diện Vụ Chính sách thuế cho biết.
Bài 2: Vẫn khó tiếp cận 'miếng bánh' ưu đãi