Mang tính thêm thắt
Hỗ trợ về giá điện được triển khai nhanh vì phạm vi “khoanh vùng” đối tượng khá rõ và hướng tới nhóm người dùng điện sinh hoạt và cơ sở cách ly y tế.
Đến ngày chốt giá điện, vào ngày, 21/8, nhiều người dân trong diện được giảm tiền điện đã được giảm tiền điện trên thực tế. Chị Nguyễn Oai (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, tháng vừa rồi, chị thanh toán tiền điện hết hơn 900.000 đồng, được giảm 10% là hơn 90.000 đồng, mức tiền chị phải nộp còn lại là 838.000 đồng.
“Gia đình ở nhà thực hiện giãn cách nên nhu cầu dùng điện tăng cao hơn so với bình thường. Tôi hiện nghỉ không lương vì công ty không có việc, do đó mức giảm này nếu tăng từ 10% lên 20% hoặc 30% thì sẽ ý nghĩa hơn”, chị Oai cho hay.
Trong khi đó, từ phía người dùng các gói viễn thông, chị Đỗ Huyền Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) đang dùng số Viettel gọi nội mạng về cho gia đình ở TP Hồ Chí Minh thì ngay lập tức bị trừ tiền đang có trong tài khoản chính. Chị Mai gọi lên tổng đài chăm sóc khách hàng của nhà mạng thì nận câu trả lời: Muốn được dùng 50 phút nội mạng theo chương trình hỗ trợ, chị phải dùng hết số tiền trong tài khoản. “Do đó, tôi không thấy chương trình này thiết thực vì điều kiện mập mờ, nếu như không muốn nói là người dùng sẽ mất tiền oan. Thêm vào đó, chương trình lại chỉ áp dụng với các tỉnh thành đang triển khai Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ”- chị Mai bình luận.
Theo phản ánh của người dùng, điều kiện tính hưởng 50 phút nội mạng này được nhà mạng Vinaphone áp dụng. Trong khi đó, với nhà mạng MobiFone, để được dùng gói nội mạng này, người dùng phải nhắn tin CS50 đến số 999, nhưng lại được trừ ngay lúc gọi rồi mới tính đến các cuộc gọi khác nên có lợi cho người dùng.
Còn theo anh Nguyễn Văn Hùng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), với người dùng trong khu vực giãn cách thì việc tăng dung lượng data là hữu ích bởi ở nhà nên truy cập internet nhiều. “Do phải truyền dữ liệu liên quan đến video, hình ảnh nên tôi đăng ký gói VX7 của Vinaphone và nhận thấy khá hữu ích”, anh Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.
“Tuy nhiên, gần đây các nhà mạng có nhiều chương trình khuyến mại nên các dịch vụ này chỉ mang tính gia tăng, thêm thắt. Thực sự với mạng viễn thông và internet thì chúng tôi quan tâm đến chất lượng, mà vấn đề này phụ thuộc rất nhiều yếu tố kỹ thuật như thiết bị đầu cuối, liên thông giữa các mạng, máy chủ….”, anh Nguyễn Văn Hùng cho biết.
Còn ông Tạ Quang Thái, sáng lập viên nền tảng Rada cho biết: Việc tăng băng thông cũng không có ý nghĩa lắm với doanh nghiệp bởi dung lượng cáp quang theo hợp đồng cung cấp dịch vụ đã dư dung lượng để hoạt động. “Dung lượng qua băng thông của Công ty trong hơn tháng qua không tăng mà có lúc giảm, trong khi hóa đơn trả vẫn là 1 triệu đồng/tháng. Vì vậy, việc hỗ trợ giảm tiền cước sẽ thiết thực hơn là tăng băng thông”, ông Tạ Quang Thái nhận xét.
Doanh nghiệp khó tiếp cận
Dù việc triển khai giảm giá điện đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiến hành, song với các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, đến trung tuần tháng 8 vẫn chưa được giảm tiền điện và vẫn chờ mong sự hỗ trợ.
Mới đây, vào ngày 20/8, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cũng cho rằng, hiện các doanh nghiệp trong ngành đang gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19. Do đó, VITAS và Lefaso đề nghị giảm 30% giá điện cho các đơn vị trong lĩnh vực này cho đến hết năm 2021.
Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn vay vẫn đang rất khó khăn với doanh nghiệp. Mới đây, Công ty CP Thuỷ sản Sạch Việt Nam (tỉnh Sóc Trăng) đã có đơn gửi ngân hàng đề nghị giảm lãi do bị thiệt hại nặng bởi COVID-19. Ngân hàng này không hồi âm khiến chủ doanh nghiệp thủy sản bất bình và cho biết sẽ khiếu nại. Sau đó, chi nhánh của ngân hàng "Big 4" tại Đồng bằng sông Cửu Long đã đồng ý giảm lãi hiện hữu từ 0,1 - 0,2%/năm. Mức giảm “nhỏ giọt” không thấm tháp gì so với tình hình tài chính khó khăn như hiện nay nên doanh nghiệp này đã từ chối.
Còn ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO của doanh nghiệp du lịch AZA travel cho biết: Chúng tôi được vay vốn để mua voucher trả trước cho kỳ nghỉ năm 2022 nhưng khi đi hỏi vay các ngân hàng, không đơn vị nào cho vay. Họ trả lời rằng du lịch là lĩnh vực rủi ro cao. “Thậm chí vay thế chấp bằng tài sản nhà và tiền vay ngân hàng trả thẳng cho đối tác để ngân hàng không nghi ngờ là mình vay rồi chiếm dụng vốn nhưng không ngân hàng nào cho vay”, ông Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ.
Có thể thấy, từ chính sách đến thực tế vẫn còn là một khoảng cách. Do đó, các doanh nghiệp đề xuất những chính sách hỗ trợ có tính thiết thực và dễ tiếp cận với doanh nghiệp, người dân.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc, các ngân hàng thương mại cố gắng giảm lãi suất là sự chia sẻ đáng ghi nhận. Tuy nhiên, số doanh nghiệp tiếp cận được với các chính sách lãi suất giảm còn ít so với kỳ vọng, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ.
Bài 3: Doanh nghiệp than mức giảm nhỏ giọt của lãi suất