Nhà của hộ dân ở xã Hát Lừu huyện Trạm Tấu, Yên Bái bị đất đá sạt lở vào, chính quyền địa phương đang giúp người dân dựng lại nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN |
Đối với hai huyện Văn Yên, Văn Chấn, UBND tỉnh đồng ý cho thực hiện bố trí tái định cư xen ghép cho các hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai tại xã Thạch Lương, Hạnh Sơn (Văn Chấn) và xã Yên Phú thuộc huyện Văn Yên với diện tích 0,88 ha. Đây là chủ trương kịp thời, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, của tỉnh Yên Bái với người dân các vùng bị thiên tai tàn phá, giúp nhân dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Trận mưa lũ xảy ra vào ngày 11/10 vừa qua tại các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu và thị xã Nghĩa Lộ đã làm trên 2.000 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó có 80 nhà sập trôi hoàn toàn, trên 250 nhà di dời khẩn cấp do sạt lở đất, lũ quét. Tổng thiệt hại lên tới gần 1.000 tỷ đồng.
Theo thống kê, năm 2017, tỉnh Yên Bái đã xảy ra 21 đợt bão lũ, thiên tai, trong đó có 10 trận mưa lũ, lũ quét; 5 trận lốc xoáy, hai trận mưa lớn gây sạt lở đất... Toàn tỉnh đã có 86 người chết, mất tích và bị thương, trong đó có 36 người chết, 17 người mất tích và 33 người bị thương. Thiệt hại trên 3.600 ngôi nhà, số sập đổ, cuốn trôi hoàn toàn là 168 nhà. Tỉnh Yên Bái chịu thiệt hại nặng nề về nông nghiệp, các công trình trường học, điện lưới, đường giao thông... ước tính 1.855 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở ba huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu và Văn Chấn.
*Ngày 20/12, UBND huyện biên giới Bù Gia Mập (Bình Phước) phối hợp với Đoàn Kinh tế quốc phòng 778 (Quân khu 7) tổ chức trao 18 nhà tình thương cho 18 hộ gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thuộc các xã Phú Văn, Đắk Ơ, Bù Gia Mập và Phú Nghĩa chuyển đến sinh sống tại vùng dự án thuộc tiểu khu 119, thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập. Tổng kinh phí xây dựng mỗi căn nhà 70 triệu đồng, trên diện tích 48,5m².
Lễ trao nhà tình thương cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: K GỬIH/TTXVN |
Nguồn kinh phí hỗ trợ xây nhà tình thương cho đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách được Đoàn Kinh tế quốc phòng 778 phối hợp với Huyện ủy, UBND huyện Bù Gia Mập vận động từ các công ty của Quân khu và các công ty, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong, ngoài tỉnh. Qua đó thiết thực giúp đỡ các gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có cuộc sống ổn định. Dịp này, các hộ còn được tặng nhiều phần quà như, ti vi, quạt, nồi cơm điện, gạo, muối...trị giá hơn 300 triệu đồng.
Hiện nay, tại huyện biên giới Bù Gia Mập, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số nghèo không có nhà ở ổn định. Tại tiểu khu 119, từ năm 2015 đã có 43 hộ dân được trao nhà, bố trí đất sản xuất, tặng cây trồng, vật nuôi…, cuộc sống đã ổn định hơn.
*Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã khởi động dự án “Nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và Internet cho cán bộ, hội viên nông dân Việt Nam”. Dự án có ý nghĩa quan trọng, không chỉ cung cấp thiết bị mà còn đào tạo kiến thức về công nghệ thông tin cho cán bộ, hội viên nông dân ứng dụng hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm nghiệp và thủy sản; là giải pháp hữu ích góp phần thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng giá trị, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang thực hiện tốt nội dung của dự án, chú trọng truyền tải kiến thức công nghệ thông tin, lựa chọn các hội viên trẻ, có thiết bị và khả năng nhận thức tham gia lớp học; phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng cơ sở dữ liệu về kiến thức sản xuất nông nghiệp trên website. Vận động người dân thường xuyên đến điểm bưu điện văn hóa tại địa phương truy cập Internet. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sớm hoàn thiện và đưa vào sử dụng website cung cấp thông tin sản xuất nông nghiệp, giúp hội viên dễ dàng tra cứu.