Mục tiêu của dự án nhằm hoàn thiện, thông suốt tuyến đường Vành đai 2,5; nâng cao hiệu quả đầu tư; đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống giao thông đô thị, phù hợp với quy hoạch tổng thể chung của Hà Nội; giải quyết tình trạng ách tắc giao thông khu vực, hạn chế tối đa các xung đột giao cắt, thúc đẩy đô thị hóa tại quận Thanh Xuân nói riêng và Hà Nội nói chung.
Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân cho biết, dự án có chiều dài khoảng 1.520m; tổng diện tích đất thu hồi 60.902,1m2 của 681 trường hợp; trong đó, 664 hộ dân và 17 tổ chức.
Ngoài ra, có 36 trường hợp đã thu hồi đất năm 2003 thuộc các phường Thượng Đình, Hạ Đình, Khương Trung, Khương Đình. Các hạng mục đầu tư chủ yếu gồm nền mặt đường, hệ thống thoát nước mưa, thoát nước thải, cấp nước sạch, hè đường, cây xanh, hệ thống chiếu sáng, hệ thống đường ống kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy...
Mới đây, tại hội nghị công bố chủ trương, thông báo về kế hoạch tiến độ thu hồi đất giải phóng mặt bằng; các chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư... để thực hiện dự án, trong số hơn 600 người tham dự đại diện cho 664 hộ gia đình cá nhân và 17 tổ chức, đã có 21 ý kiến phát biểu thể hiện sự đồng tình, ủng hộ cao với chủ trương triển khai dự án.
Tuy nhiên, các hộ dân cũng đề nghị Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án quận quan tâm áp dụng đơn giá bồi thường, bố trí nhà tái định cư bảo đảm tốt nhất cho người dân, ít nhất bằng hoặc hơn nơi ở cũ theo quy định, để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Giải đáp các vấn đề người dân kiến nghị, Phó Chủ tịch UBND quận - Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án quận Lê Hồng Thắng cho biết: Trong quá trình giải phóng mặt bằng, Nhà nước sẽ cố gắng chi trả đền bù với giá đất tiệm cận giá thị trường theo quy định. Nếu hộ gia đình không đủ điều kiện tái định cư về đất sẽ tái định cư bằng căn hộ chung cư. Hiện, thành phố đã phân bổ cho dự án khoảng 180 căn hộ. Trường hợp tiền hỗ trợ không đủ mua suất tái định cư, UBND quận đề xuất thành phố phương án cho hộ dân mua nhà trả chậm trong 10 năm.
Đối với một số hộ dân đất đủ điều kiện cấp "sổ đỏ" nhưng chưa được cấp cũng được hưởng quyền lợi như hộ đã có "sổ đỏ". Trường hợp hộ gia đình có nhiều thế hệ sinh sống, diện tích nhà nhỏ, UBND quận chỉ đạo các tổ công tác trong quá trình kiểm đếm làm việc cụ thể với từng hộ, thống nhất các giải pháp triển khai.
Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng nhấn mạnh, dự án nằm trong tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, được phê duyệt hơn 20 năm nay. Tới đây, để triển khai thực hiện dự án trên địa bàn quận, UBND quận sẽ mời cơ quan tư vấn, thẩm định, xây dựng phương án giá, trình Hội đồng thẩm định phê duyệt. Giá đất sẽ có hệ số K điều chỉnh để bảo đảm quyền lợi của người dân. "Quan điểm của quận là triển khai thực hiện dự án công khai, minh bạch, tạo điều kiện tối đa cho người dân trên cơ sở các quy định", Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng khẳng định.
Cũng theo lãnh đạo quận Thanh Xuân, qua 3 năm thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, với tổng số 426 dự án, giai đoạn 2021 - 2023, quận đã hoàn thành 266 dự án. Dự kiến năm 2024 hoàn thành 134 dự án, năm 2025 hoàn thành 20 dự án, sau năm 2025 hoàn thành 10 dự án.
Các dự án hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng cơ bản đảm bảo chất lượng, phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông, hạ tầng xã hội đồng bộ, bổ sung hoàn thiện các cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa - xã hội. Đồng thời, kịp thời giải quyết kiến nghị cử tri, dân sinh bức xúc, phục vụ quản lý Nhà nước và xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của quận.
Tuy nhiên, lãnh đạo quận Thanh Xuân cũng thẳng thắn nhìn nhận việc giải phóng mặt bằng các dự án vẫn còn chậm tiến độ so với yêu cầu đề ra; như dự án Tu bổ tôn tạo di tích lịch sử gò Đống Thây, phường Thanh Xuân Trung; dự án cải tạo mở rộng theo quy hoạch đường Nguyễn Tuân; dự án xây mới trường Mầm non tại phường Phương Liệt; dự án đường vào 3 trường phường Thanh Xuân Nam; dự án đầu tư xây dựng ngách 168/21 và hẻm 168/21/2 đường Nguyễn Xiển... đã phát sinh nhiều đơn thư, có cả đơn thư khiếu kiện vượt cấp. Một số dự án còn gặp khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ của dự án do liên quan đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn thay đổi và điều chỉnh phân cấp thẩm quyền thẩm định dự án (dự án cải tạo, nâng cấp Trường THPT Trần Hưng Đạo; dự án cải tạo vỉa hè và hạ tầng kỹ thuật hè đường Khuất Duy Tiến).
Bên cạnh đó, việc hoàn thiện thủ tục đầu tư ở một số dự án còn chậm do vướng mắc khi xác định chỉ giới đường đỏ, quy hoạch và tuân thủ quy định chuyên ngành (Dự án cải tạo, nâng cấp Trường THPT Nhân Chính; dự án xây mới trụ sở Đảng ủy - UBND phường Nhân Chính...). Một số dự án cải tạo trường học, trụ sở các cơ quan, đơn vị gặp nhiều khó khăn ở khâu thẩm duyệt, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. Việc khảo sát, lập, thẩm định chủ trương đầu tư của một số dự án chưa sát với hiện trạng thực tế công trình nên phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án...
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2021 - 2025), Chủ tịch HĐND quận Thanh Xuân Nguyễn Minh Tiến đề nghị UBND quận Thanh Xuân chỉ đạo các phòng chuyên môn tiếp tục khảo sát, hoàn thiện hồ sơ trình HĐND quận phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án (nếu đủ điều kiện); thường xuyên rà soát, cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm và hàng năm báo cáo HĐND quận để kịp thời bổ sung vốn các dự án giải ngân tốt, giảm vốn đối với các dự án chậm triển khai; ưu tiên cân đối, bổ sung đảm bảo đủ vốn thanh toán cho các công trình trọng điểm nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và nâng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận và UBND các phường cần nâng cao vai trò trách nhiệm; chủ động phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan để giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến từng dự án; khẩn trương hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư theo đúng quy định để sớm khởi công dự án; tăng cường kiểm tra giám sát, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình; kiên quyết xử lý những nhà thầu năng lực yếu; tập trung hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán, bàn giao công trình đưa vào sử dụng. Đặc biệt, phải chú trọng giải quyết đơn thư liên quan đến giải phóng mặt bằng; kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm, tránh lãng phí, thất thoát trong đầu tư công.