Hỗ trợ lao động Libya về nước trước thời hạn

Phần lớn lao động Việt Nam tại Libya phải về nước trước thời hạn đều gặp khó khăn do bị kết thúc hợp đồng sớm và đều có mong muốn đi xuất khẩu lao động trở lại để tích góp chút vốn liếng gửi về cho gia đình.


Mong tiếp tục đi xuất khẩu


Anh Nguyễn Vĩnh Thành (xã Hương Ngải, quê Thạch Thất, Hà Nội) cho biết: “Đây là lần thứ hai tôi đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Libya. Mới làm 8 tháng thì được chủ sử dụng lao động thông báo sơ tán về nước. Để đi xuất khẩu lao động, tôi phải chi hơn 40 triệu đồng nên giờ mới chỉ hoàn vốn vay. Thời gian này, tôi ở nhà giúp vợ công việc gia đình rồi tính đi XKLĐ tiếp.

 

Tư vấn thủ tục nhận hỗ trợ từ Nhà nước và thị trường lao động mới cho lao động từ Libya về nước trước hạn.


Không được như anh Thành, anh Vũ Trung Chương ở thôn Mép, xã Minh Đức (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) mới sang Libya làm việc được gần 3 tháng thì phải về nước. Khoản chi phí sang Libya làm việc hàng chục triệu đồng, đến nay anh vẫn chưa “hoàn vốn”. Do đó anh Chương cho biết: “Tôi mong muốn Nhà nước và các ngành hữu quan tạo điều kiện để tôi được đi XKLĐ ở thị trường khác, như vậy tôi mới có cơ hội kiếm tiền để trả nợ ngân hàng trước khi đi XKLĐ”.


Cùng chung niềm mong mỏi như anh Chương, anh Đinh Văn Phương ở thôn Phạm Xã (xã Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) cũng đang chờ đợi cơ hội được đi làm việc tại Trung Đông. Mới làm việc được gần 3 tháng tại Libya, nên anh vẫn chưa trả được số tiền khoảng 40 triệu đồng vay ngân hàng.
Theo anh Đào Đức Cường, một trong những quản lý lao động của Công ty Vinamex tại Libya: “Trong số gần 700 lao động do Công ty Vinamex cung ứng cho nhà thầu Hyundai Amco thì gần 200 người có thời gian làm việc dưới 3 tháng phải về nước, khoảng 500 người có thời gian từ 4 - 12 tháng, trên 70 người có thời gian làm việc trên 12 tháng. Theo tìm hiểu của tôi, có khoảng 60% lao động muốn tiếp tục đi XKLĐ”.


Hỗ trợ tiền và giãn nợ


Bộ LĐTBXH đã có quyết định hỗ trợ lao động Việt Nam từ Lybia về nước trước hạn từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước theo từng mức phụ thuộc vào thời gian về nước trước hạn. Mức hỗ trợ tối đa không quá 7,5 triệu đồng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phái cử lao động đều có sự hỗ trợ ban đầu.


Lãnh đạo Công ty Sona cho biết: “Đối với lao động về nước trước thời hạn, đơn vị đã có những mức hỗ trợ, cụ thể lao động làm việc dưới 3 tháng sẽ miễn phí toàn bộ khi đi làm việc ở thị trường khác, từ 3 - 6 tháng là 100 USD, 6 - 12 tháng là 400 USD, trên 12 tháng là 500 USD”.


Theo ông Nguyễn Việt Hải, Giám đốc điều hành Công ty Vinamex, khi đơn vị có đơn hàng đi XKLĐ sang Trung Đông sẽ ưu tiên cho những lao động từ Libya về nước trước hạn. Cụ thể như với trường hợp anh Vũ Trung Chương sẽ được miễn phí đi làm việc tại một số nước Trung Đông. Còn với lao động đã làm việc từ 3- 6 tháng tại Libya trước đó sẽ chỉ phải nộp khoản phí tương đương 300 USD, từ 6 tháng đến 1 năm phí khoảng 360 - 400 USD. Hiện đơn vị đang có đơn hàng sang Qatar và sẽ tuyển khoảng 120 lao động vào ngày 15/9. Về tháng lương cuối của người lao động, phía Công ty đã làm việc với chủ sử dụng lao động và sẽ chuyển đến người lao động vào cuối tháng 8, các trường hợp không tiếp tục đi XKLĐ thì đơn vị tiến hành thanh lý hợp đồng trong các ngày từ 5 - 10/9 tới.


Cùng với hỗ trợ của Bộ LĐTBXH, doanh nghiệp, các địa phương cũng ưu tiên hỗ trợ người lao động về nước trước hạn tìm việc trong nước qua các trung tâm giới thiệu việc làm. Mới đây, thành phố Hà Nội quyết định trích ngân sách hỗ trợ cho lao động có hộ khẩu tại Hà Nội đi Libya lao động phải về nước trước thời hạn 1 triệu đồng/lao động. Người lao động đã vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đi xuất khẩu lao động tại Libya được giãn trả nợ tiền vay với thời hạn tối đa 24 tháng.


Sở LĐTBXH Hà Nội cũng đề xuất đối với trường hợp có nhu cầu vay vốn tự tạo việc làm mới, đề nghị UBND thành phố Hà Nội cho vay từ nguồn Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm địa phương với mức vay tối đa 20 triệu đồng/người, thời hạn vay tùy theo mục đích sử dụng vốn của người lao động. Hiện nay, các đơn vị chức năng đang tiến hành thẩm định dự án xin vay với mức phí cho vay như đối với các hộ nghèo.


Bài và ảnh: Xuân Minh - Thanh Thanh

Gần 1.400 lao động Việt tại Libya về nước an toàn
Gần 1.400 lao động Việt tại Libya về nước an toàn

Trong hai ngày 23 và 26/8, sẽ có khoảng 40 lao động Việt Nam rời Libya sang Tunisia, chia thành 2 nhóm để về nước từ sân bay Tunis của Tuynidi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN