Từ năm 2019, Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Phước được ban hành, nhằm hỗ trợ các chính sách giảm nghèo cho hộ nghèo dân tộc thiểu số như: nhà ở (xây, sửa nhà), xây dựng nhà vệ sinh, hỗ trợ nước sinh hoạt, hỗ trợ kéo điện, tiếp cận thông tin, hỗ trợ nông cụ phát triển sản xuất, hỗ trợ con giống, cây trồng..., qua đó tăng thu nhập cho hộ nghèo dân tộc thiểu số, tạo động lực, điều kiện thoát nghèo bền vững.
Trong 5 năm (2019-2023), toàn tỉnh giảm được 6.598 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, đạt 130% chỉ tiêu đề ra. Trong đó, tỉnh đã hỗ trợ nhà ở cho 3.311 hộ; hỗ trợ đất ở cho 82 hộ; hỗ trợ nhà vệ sinh cho 1.622 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt cho 2.135 hộ; hỗ trợ giếng khoan cho 1.767 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 6.440 lượt hộ; hỗ trợ chăn nuôi, trồng trọt cho 3.659 lượt hộ; hỗ trợ kéo điện cho 1.353 lượt hộ; hỗ trợ vay vốn ưu đãi tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho 3.125 lượt hộ… Nhờ đó, số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 4.545 hộ vào năm 2019 xuống còn 516 hộ vào năm 2023.
Để đạt được kết quả này, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh, địa phương huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ và chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong hỗ trợ hộ nghèo về vốn, khuyến nông, dạy nghề, kinh nghiệm sản xuất..., thực hiện hiệu quả mô hình mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ hộ nghèo cụ thể. Cùng với đó, Bình Phước tập trung giảm nghèo cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nghèo để huy động mọi nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo bền vững.
Bà Trần Tuyết Minh cho biết, Bình Phước giảm dần hình thức hỗ trợ 100% kinh phí hỗ trợ giảm nghèo, tăng cường sự tham gia đóng góp của hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số để hạn chế việc trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên thông tin, tuyên truyền, tạo sự thống nhất về nhận thức, quan điểm, cách làm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số; thiết lập hệ thống theo dõi, đánh giá toàn diện để nâng cao hiệu quả của Chương trình.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, do số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh chỉ còn 574 hộ (tính đến cuối năm 2023), UBND tỉnh đề xuất Tỉnh ủy từ năm 2024 trở đi sẽ không thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, đưa nhiệm vụ thực hiện giảm hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chung trong kế hoạch giảm nghèo hằng năm của tỉnh. Cụ thể, lồng ghép giảm 292 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số vào chỉ tiêu giảm 500 hộ nghèo năm 2024 của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2116/QĐ-UBND ngày 27/12/2023 về việc giao kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đề nghị các địa phương phấn đấu không để các hộ đã thoát nghèo tái nghèo; trong năm 2024 hoặc chậm nhất trong quý II/2025, bằng các giải pháp thiết thực, hiệu quả sẽ không còn các hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Dịp này, UBND tỉnh Bình Phước tặng Bằng khen cho 5 tập thể, 10 cá nhân đã có thành tích trong thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019 - 2023.