Tín dụng chính sách xã hội góp phần tích cực giảm nghèo

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ cơ sở và người dân được thụ hưởng chính sách vay vốn ưu đãi ở Lào Cai đã có sự chuyển biến rõ rệt, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo tại địa phương.

Chú thích ảnh
Các hộ nghèo, cận nghèo làm thủ tục vay vốn phát triển kinh tế tại Chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Góp phần giảm nghèo hiệu quả

Cách đây 10 năm gia đình chị Lý Thị Hạnh, thôn Sín Chải, xã Na Hối, huyện Bắc Hà, Lào Cai thuộc diện hộ nghèo, thu nhập chính của gia đình chỉ trông vào cây lúa. Sau khi có Chỉ thị 40, được sự hỗ trợ của cán bộ ngân hàng chính sách địa phương, gia đình chị Hạnh đã mạnh dạn vay vốn 50 triệu đồng để phát triển vườn mận. Sau hơn 3 năm, khi cây mận cho thu hoạch gia đình đã trả được nợ và từng bước trở thành hộ gia định có kinh tế khá ở địa phương. Chị Hạnh dẫn chúng tôi đi thăm vườn mận và hồ hởi cho biết, hiện tại bây giờ gia đình có hơn 200 cây mận thu hoạch và một năm thu hoạch cũng được khoảng gần 100 triệu đồng. Từ nguồn vốn thu được hàng năm gia đình chị Hạnh còn phát triển thêm chăn nuôi một số gia súc, gia cầm để nâng cao thu nhập.

Cũng giống gia đình chị Hạnh, gia đình chị Hoàng Thị Thúy, thôn Na Kim, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà trước đây thuộc hộ nghèo. Sau khi được tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách, gia đình chị Thủy đã vay 50 triệu đồng để phát triển vườn mận. Sau khi cây mận cho thu hoạch, gia đình chị Thúy đã trả hết nợ và mạnh dạn đầu tư thêm dịch vụ homestay phục vụ khách du lịch đến với Bắc Hà. Đến thời điểm hiện tại gia đình chị Thúy đã có nguồn kinh tế ổn định với thu nhập hàng năm từ 50 triệu đồng trở lên.

Ông Nguyễn Duy Hòa, Bí thư Huyện ủy Bắc Hà khẳng định, chính sách tín dụng xã hội đã góp phần giảm nghèo của Bắc Hà trong những năm vừa qua. Cùng với chương trình mục tiêu quốc gia, các nguồn lực khác của trung ương, của tỉnh và của địa phương thì nguồn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng để hàng năm huyện Bắc Hà giảm nghèo bình quân trên 8%. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cũng có những khó khăn nhất định như nguồn lực dành cho tín dụng chính sách xã hội cũng còn thấp so với nhu cầu thực tiễn đặt ra. Thứ hai là nguồn kinh phí của địa phương cùng với nguồn chính sách xã hội này còn khó khăn do vậy còn nhiều người có nhu cầu nhưng vẫn chưa tiếp cận được.

Trong những năm qua, nguồn vốn chính sách trên địa bàn tỉnh Lào Cai không ngừng tăng trưởng, ngày càng đáp ứng được tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác. Việc triển khai, quán triệt và cụ thể hóa Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư được cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức trên địa bàn tỉnh Lào Cai thực hiện khá nghiêm túc. Qua triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong triển khai tín dụng chính sách xã hội. Góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.

Ông Đỗ Minh Trí, bí thư Đảng ủy xã Tả Phìn, Thị xã Sa Pa chia sẻ, địa phương này có hơn 700 hộ dân thì có tới hơn 330 hộ dân được tiếp cận và sử dụng nguồn vốn vay của Ngan hàng chính sách. Từ việc tiếp cận nguồn lực thì tỷ lệ hộ dân đang thuộc hộ nghèo  và cận nghèo đang là 48% nay giảm xuống còn 5,7%. Ông  Bùi Ngọc Quang, Giám đốc phòng giao dịch ngân hàng chính sách Thị xã Sa Pa cho biết thêm, sau 10 năm thực hiện chỉ thị 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, tỷ giảm nghèo bền vững trên địa bàn đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần đưa tỷ lệ giảm nghèo trên địa bàn hàng năm đạt 7% .

Nâng cao hiệu quả vốn vay chính sách

Ông Nguyễn Hải Hà, Giám đốc Ngân hàng chính sách tỉnh Lào Cai chia sẻ, để nâng cao hiệu quả của vốn vay chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tuyên truyền tại cuộc họp giao ban của điểm giao dịch xã, các buổi sinh hoạt định kỳ của tổ tiết kiệm và vay vốn, tại các cuộc họp chi bộ thôn, tổ dân phố, qua loa truyền thanh của địa phương; phát hành tờ rơi đến khách hàng...

Qua đó, đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong triển khai tín dụng chính sách xã hội. Các hộ vay vốn có ý thức, trách nhiệm hơn đối với khoản vay của mình và thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ khi vay vốn, sử dụng vốn đúng mục đích.

Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.

Để đảm bảo nguồn vốn vay đến đúng đối tượng, hằng năm chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Lào Cai thực hiện kiểm tra kiểm soát nội bộ đối với 100% phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội cấp huyện; kiểm tra đối với tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp huyện, cấp xã; tổ tiết kiệm và vay vốn và kiểm tra sử dụng vốn của hộ vay.

Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp huyện, cấp xã hằng năm thực hiện kiểm tra 100% các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp dưới, các tổ tiết kiệm và vay vốn và các hộ vay vốn. Ngoài ra, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã thực hiện kiểm tra việc sử dụng vốn vay của 100% các món vay mới trong vòng 30 ngày kể từ ngày Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân. Kiểm tra sử dụng vốn vay của tối thiểu 75% hộ vay đang còn dư nợ đối với đơn vị cấp xã thuộc vùng có điều kiện khó khăn; tối thiểu 90% hộ vay đang còn dư nợ đối với đơn vị cấp xã không thuộc vùng có điều kiện khó khăn.

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội đến nay tổng nguồn vốn mà Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Lào Cai đạt 4.576 tỷ đồng, tăng 2.728 tỷ đồng so với năm 2014. Nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 366 tỷ đồng, tăng 350 tỷ đồng so với năm 2014, chiếm 8%/tổng nguồn vốn. Nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 479 tỷ đồng, tăng 387 tỷ đồng so với năm 2014, chiếm 10.5%/tổng nguồn vốn.

Ngoài vốn của Trung ương, tỉnh Lào Cai cũng đã ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội số tiền 350 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện các mục tiêu hàng năm về giảm nghèo nhanh và bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Hồng Ninh (TTXVN)
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội

Ngày 9/5, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ tám Ban hấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN