Hỗ trợ người dân giảm nghèo, ổn định cuộc sống

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Đắk Lắk đã bám sát đặc điểm, tình hình, đời sống của của các hộ dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nhằm giải quyết các nhu cầu bức thiết của người dân trong phát triển kinh tế, giúp người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Hỗ trợ phù hợp, tạo sinh kế cho người dân

Chú thích ảnh
Lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho 35 học viên phụ nữ dân tộc thiểu số tại huyện Krông Pắc. 

Tân Tiến là xã vùng 3 của huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk, có 2.755 hộ với 186 hộ nghèo, người dân tộc thiểu số chiếm 30%. Theo ông Y Yik Byă, Phó Chủ tịch UBND xã, người dân địa phương chủ yếu làm nông nghiệp, đời sống kinh tế khó khăn. Thời gian qua, xác định công tác xóa đói, giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng, các cấp, ngành của xã đã triển khai đầy đủ, nghiêm túc, kịp thời các chương trình hỗ trợ của nhà nước đến từng hộ nghèo, cận nghèo, tạo điều kiện cho các hộ dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
 
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn xã đã có nhiều hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn sản xuất; có 13 hộ nghèo được hỗ trợ bò để phát triển sinh kế; xây 4 căn nhà ở cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn; mở lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho 35 học viên phụ nữ dân tộc thiểu số…
 
“Sắp tới, địa phương tiếp tục mở các lớp hướng dẫn chăn nuôi trâu, bò cho khoảng 70 học viên, giúp người dân nắm vững kỹ năng để đạt hiệu quả cao trong chăn nuôi, phát triển cuộc sống”, ông Y Yik Byă cho biết.
 
Là một trong số 13 hộ được nhận hỗ trợ bò để phát triển sinh kế, bà H My Byă tại buôn Ea Drai, xã Tân Tiến cho biết, gia đình bà rất phấn khởi khi được nhà nước hỗ trợ một con bò, đến nay, bò mẹ đã đẻ ra bê con. Từ đây, gia đình bà yên tâm làm ăn để thoát nghèo bền vững.

Còn chị H’ Mui Byă tại buôn Kniêr, xã Tân Tiến đã cùng 35 học viên phụ nữ dân tộc thiểu số được tham gia lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm. Chị H’ Mui cho biết phấn khởi vì học được nghề sẽ là cơ hội tạo sinh kế cho chị sau này.
 
Tại xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk), nhiều người dân được tiếp cận các chương trình giảm nghèo đã từng bước vươn lên. Gia đình ông Y Chít Niê tại buôn Jang Lành được UBND xã Krông Na hỗ trợ 2 con bò giống để phát triển kinh tế vào năm 2022. Hiện đàn bò đã tăng lên 4 con. Từ nguồn tiền nuôi bò, ông có thêm nguồn thu để đầu tư trồng 1ha sắn (cây mì). Mỗi năm, tổng số tiền gia đình ông kiếm được khoảng 100 triệu đồng. Nhờ vậy, từ năm 2023, gia đình ông đã thoát nghèo.
 
Theo ông Y Lươm Knul, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na, địa phương được thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách giảm nghèo bền vững như hỗ trợ sản xuất, cây, con giống… Các chương trình đã tiếp thêm sức cho người dân yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế, có nhiều đổi thay trong nhận thức, nhiều hộ thoát nghèo. Năm 2023, hộ nghèo tại xã giảm 3,81% (kế hoạch 3-5%), có 23 hộ thoát nghèo.
 
Thực hiện Dự án 2 - Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Đắk Lắk được bố trí kinh phí là 139 tỷ đồng (giai đoạn 2021 - 2024). Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 87 dự án (2 dự án trồng trọt, 84 dự án chăn nuôi, 1 dự án hỗ trợ công cụ sản xuất); số hộ được hỗ trợ là 1.753 hộ (1.184 hộ nghèo, 421 hộ cận nghèo, 62 hộ mới thoát nghèo...).
 
Nhân rộng, tạo sức lan tỏa

Chú thích ảnh
Bà H My Byă, buôn Ea Drai, xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc, phấn khởi khi được nhà nước hỗ trợ một con bò. 

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, giai đoạn 2021 - 2024, Đắk Lắk được bố trí tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 1.158 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã đầu tư xây mới 17 công trình giao thông, cầu, công trình giáo dục; duy tu bảo dưỡng 29 công trình đường giao thông, thủy lợi để phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa trên địa bàn các huyện nghèo Ea Súp và M’Drắk; xây dựng và triển khai 139 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất tại các địa phương nhằm tạo việc làm, sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ xây mới 794 căn nhà, sửa chữa 516 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo. Hằng năm, tỉnh đào tạo nghề cho khoảng 3.000 lao động nông thôn và triển khai hàng loạt chính sách tín dụng ưu đãi, khuyến nông, khuyến lâm….
 
Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đã giúp hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh có điều kiện sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập để thoát nghèo. Cơ sở hạ tầng các vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn được đầu tư, nâng cấp. Đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số và người dân vùng nông thôn từng bước được cải thiện, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2021 - 2023 hộ nghèo tại tỉnh giảm bình quân 1,74%/năm; hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 3,45%/năm; hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 5,67%. Dự kiến cuối năm 2024, hộ nghèo tại tỉnh giảm 1,5-2%; hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3-4%.
 
Theo ông Y Si Thắt Ksơr, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, tỷ lệ hộ nghèo giảm là kết quả khả quan tương xứng so với kế hoạch đề ra. Người dân đều đồng thuận, vui vẻ. Để đạt được mục tiêu giảm nghèo đề ra cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống thôn, buôn, già làng, người uy tín… Đây là cầu nối, kết nối trực tiếp thông tin người dân với địa phương. Thời gian tới, huyện mong muốn tỉnh có cơ chế đặc thù với huyện biên giới còn khó khăn, có thể xây dựng nhà máy để người dân tộc thiểu số có công việc ổn định.
 
Ông Nguyễn Quang Thuân, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, kết quả nửa nhiệm kỳ việc thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh cho thấy đã có nhiều bước phát triển so với giai đoạn trước đây. Quá trình thực hiện Chương trình, tỉnh nhận thấy một số khó khăn, vướng mắc như: nhiều tiêu chí so với giai đoạn trước được nâng cao so với mặt bằng chung của xã hội; nhiều tiêu chí đòi hỏi sự cố gắng, vận động nhiều nguồn lực để hỗ trợ thoát nghèo với từng hộ, từng vùng phù hợp sự phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương. Để triển khai đồng bộ chính sách giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, cần có sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị; trong đó, đặc biệt là trách nhiệm cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của Mặt trận, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng các mô hình tạo sức lan tỏa rộng lớn hơn nữa giữa các hộ dân và các địa phương.

"Thời gian tới, cần có sự thông thoáng hơn trong quá trình giải ngân, vay vốn, hỗ trợ các mô hình đối với người dân để họ tiếp cận các chính sách giảm nghèo hiệu quả. Trong quá trình tổ chức, triển khai các chương trình, dự án giảm nghèo, có nhiều thủ tục phải giải quyết theo đúng quy định pháp luật nhưng cần được đơn giản hóa và mạnh mẽ hơn trong các nguồn vốn đầu tư để đưa các công trình vào hoạt động hiệu quả, thúc đẩy quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của địa phương”, ông Nguyễn Quang Thuân thông tin.

Bài và ảnh: Nguyên Dung (TTXVN)
Tín dụng chính sách - chìa khóa giảm nghèo bền vững
Tín dụng chính sách - chìa khóa giảm nghèo bền vững

Qua 10 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 40/CT-TW ngày 20/11/2014 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội" đã đi vào cuộc sống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN