Việc hồ Ba Bể, một phần của Vườn quốc gia Ba Bể - di sản văn hóa của ASEAN - đã và đang bị bồi lấp bởi việc khai thác đá và quặng sắt đã được những thành viên của Hội những người yêu Ba Bể một lần nữa nhắc lại trong cuộc tiếp xúc của hội này với báo giới hôm qua (26/4). Nhiều nhà khoa học cho rằng cần phải sớm lập hồ sơ hiện trạng bồi lấp hồ làm cơ sở cho các biện pháp can thiệp cần thiết.
Bồi lấp nhanh chóng
Theo nhà thơ Dương Thuấn, quê ở Chợ Đồn, Bắc Kạn, hồ Ba Bể thực ra là một chùm hồ gồm có 6 cái hồ thông nhau qua trục sông Năng. Nhưng trong vòng 40 năm qua, đã có 3 hồ bị xóa sổ, đó là hồ Pé Tàu (thuộc xã Cao Thượng), hồ Pé Vài và hồ Pé Nản (thuộc xã Khang Ninh). Hiện nay chỉ còn 3 hồ (hồ Pé Lẩm - còn gọi là hồ 3, hồ Pé Lù - hồ 2 và hồ Pé Lèng - hồ 1). Trong 3 hồ đó, hồ Pé Lèng đang bị bồi lấp nhanh và nhiều nhất, hiện nay chỉ còn 1/3 diện tích.
Hồ Ba Bể đang bị bồi lấp (ảnh do Hội những người yêu Ba Bể cung cấp). |
Trở về từ chuyến đi thực địa lên vùng hồ do Hội những người yêu Ba Bể - gồm nhiều nhà khoa học, nhà báo tổ chức mới đây,
GS. TS Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường nói: “Nếu không có biện pháp gì ngăn việc bị bồi lấp, chỉ vài chục năm nữa thôi, chúng ta sẽ mất hồ Ba Bể”.
Bên cạnh chuyện hồ bị bồi lấp, một câu chuyện nóng hổi khác lại được xới lên. Đó là chuyện những mỏ sắt ngang nhiên khai thác làm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Mấy tháng qua, những người con của Bắc Kạn sinh sống tại Hà Nội liên tiếp nhận được nhiều đơn thư của các gia đình là người dân tộc sống ở các bản thuộc xã Quảng Bạch và xã Đồng Lạc của huyện Chợ Đồn phản ánh tình trạng xâm hại tới môi trường của hồ Ba Bể.
Mới nhất là lá đơn có chữ ký của 32 người dân thôn Nà Áng, xã Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn phản ánh việc khai thác quặng của mỏ sắt Pù Ổ đầu nguồn khe Khuổi Giang (là một trong những khe khá lớn cung cấp nước cho suối Bó Lù chảy vào hồ Ba Bể) đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nước và diện tích canh tác của người dân nơi đây. Việc đào bới khai thác quặng bằng máy với công suất lớn đã đưa khối lượng đất lớn dồn xuống chân núi và rìa khe Khuổi Giang. Nước rửa quặng làm nước suối đục ngầu.
Theo người dân nơi đây, suối Bó Lù không chỉ trực tiếp cung cấp nước cho ruộng của thôn mà còn cung cấp cho các cánh đồng dọc theo nó. Đập Vằng Giang chỉ cách khu vực khai thác quặng của mỏ sắt Pù Ổ chưa đầy 1 cây số. Nó là đập chắn lấy nước cung cấp cho các cánh đồng của các thôn Thôm Phả, Chợ Điểng, Nà Án. Do đó, khi mùa lũ đến sẽ đưa bùn đất sét vào ruộng. Khi cạn khô, lớp bùn cứng lại như xi măng, lúa không phát triển được, lá lúa bị héo, thậm chí vàng úa.
Sự ô nhiễm nguồn nước suối đã trở nên đáng báo động. Người dân ở thôn Nà Ang phản ánh: Năm 2010, chúng tôi phát hiện là vịt nuôi ở đây không đẻ trứng. Chưa hết, một số người đã bị ngứa sau khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ đi dọc suối quăng chài.
Hồ Ba Bể là 1 trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ (theo công nhận tại Hội nghị hồ nước ngọt trên thế giới tổ chức tại Mỹ năm 1995). |
GS Phạm Vĩnh Cư, Chủ tịch Hội những người yêu Ba Bể, một thành viên của đoàn khảo sát nói: “Nhìn cảnh người ta khai thác đá thạch anh ngay trong vùng lõi của Vườn quốc gia Ba Bể ngang nhiên, nước thải của việc khai thác quặng sắt ở vùng đệm của rừng trong vườn quốc gia đổ vào hồ... Không thể không đau xót!”.
Dự kiến sắp tới sẽ có thêm 2 mỏ khai thác quặng sắt tương tự hoạt động ở khu vực này.
Việc các công trường khai thác đá, khai thác quặng đổ toàn bộ chất thải vào hồ Ba Bể mà không qua hệ thống xử lý nào cũng được GS Đặng Hùng Võ, nguyên là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu lên với thái độ bức xúc. Ông Võ cho rằng: “Bộ Tài nguyên và Môi trường chắc chắn có sai trong việc cấp phép hoặc kiểm tra việc thực thi quá trình khai thác. Phải tìm hiểu lại quá trình cấp phép và phê duyệt cho các công ty khai thác”.
Hồ sơ về sự bồi lấp hồ, những thông số về tình trạng ô nhiễm của nước hồ, nước suối và diện tích rừng trong Vườn quốc gia Ba Bể đang được Hội những người yêu Ba Bể hoàn tất. Ông Dương Thuấn, Chủ tịch Hội đồng hương Bắc Kạn tại Hà Nội - cho biết: “Khi hồ sơ này hoàn thiện, chúng tôi sẽ gửi kiến nghị lên Thủ tướng đề nghị cứu lấy hồ Ba Bể”.
Mạnh Minh