Mô hình sáng tạo
Đến thôn Phương Thanh, xã Phú Hòa (huyện Lương Tài) những ngày này, nhiều người cảm nhận bộ mặt nông thôn như được “thay da đổi thịt”, đường làng khang trang, sạch đẹp, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt.
Chị Nguyễn Thị Bẩy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Hòa cho biết: Cùng với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, năm 2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Hòa đăng ký thực hiện mô hình “Làng ba sạch” tại thôn Phương Thanh, đồng thời phát động toàn thể nhân dân trong thôn trồng hoa và phân công các chị em quét dọn đường làng. Từ đó, mỗi người dân tự ý thức giữ gìn vệ sinh sạch sẽ đường làng, ngõ xóm và trong nhà.
Nhận thấy hiệu quả của phong trào, năm 2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tiếp tục chọn Phương Thanh làm điểm xây dựng mô hình “Khu dân cư không rác thải” mà điểm nhấn là xử lý, phân loại rác thải ngay tại gia đình. Thực hiện ý tưởng đó, Hội Phụ nữ xã đã dùng kinh phí mua 100 con lợn nhựa phát cho 100 hộ để thực hiện chủ trương “nuôi lợn tiết kiệm” từ nguồn rác thải tái chế.
Theo chị Nguyễn Thị Bẩy, trước khi triển khai mô hình, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tổ chức các chương trình tập huấn, đến từng nhà hội viên tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phân loại, xử lý rác thải, khuyến khích hội viên sử dụng các loại túi cói, bao bì dễ tiêu hủy; đồng thời thống nhất phương thức hoạt động của mô hình, phân nhiệm vụ cụ thể từng người.
Mô hình “Khu dân cư không rác thải” được áp dụng theo tiêu chí nâng cao của nông thôn mới như: Không phát sinh chất thải, khí thải ảnh hưởng đến môi trường; không sử dụng chất độc hại, chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt và chế biến thực phẩm; không để xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè kinh doanh; không vứt rác, nước thải sinh hoạt tràn lan ra ngoài lòng, lề đường… Hội Phụ nữ xã đã quán triệt hội viên thực hiện nghiêm những quy định trên.
Bà Nguyễn Thị Na, thôn Phương Thanh, xã Phú Hòa cho biết: Hưởng ứng phong trào của Hội Phụ nữ xã phát động, bà thực hiện nghiêm việc phân loại rác thải tại nguồn. Đối với những loại rác thải hữu cơ, bà tích lại, cuối ngày đem chôn tại góc vườn. Những loại rác phế liệu, bà cất gọn đợi ngày đem bán, bác thải còn lại, đợi đến giờ thu gom để đổ tại nơi tập kết rác thải. Sau mỗi tháng gom phế liệu, bà bán lấy tiền bỏ lợn tiết kiệm được vài chục nghìn đồng. Nhờ phong trào này, mỗi người đều ý thức giữ gìn vệ sinh đường làng, từ đó các nhà thi đua giữ sạch ngõ, sạch nhà. Người lớn làm trước, các con cháu theo học theo, góp phần thay đổi ý thức con trẻ.
Không chỉ thực hiện phân loại rác thải, phụ nữ trong thôn phân công nhau dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, chăm sóc hoa, tạo cảnh quan sạch đẹp. Bà Nguyễn Thị Dẻo, thôn Phương Thanh cho biết, để giữ đường làng sạch sẽ, các hội viên được phân công dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, phát quang bụi rậm, khơi thông, làm sạch cống rãnh, chăm sóc hoa, mỗi tuần 2 lần. Đến nay, lượng rác thải ra môi trường được hạn chế tối đa.
Ông Nguyễn Văn Vang, Bí thư Chi bộ thôn Phương Thanh phấn khởi nói: Nhờ sự lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền, sự vào cuộc của Hội Phụ nữ xã mà đường xá trong thôn sạch đẹp, không phát sinh rác thải bừa bãi. Không khí trong lành khiến mỗi người xua tan đi nỗi vất vả sau một ngày làm việc mệt nhọc. Từ việc đi đầu của các hội viên Hội Phụ nữ, thôn tổ chức các cuộc họp với sự tham gia của toàn thể cán bộ, nhân dân trong thôn, đưa vào nội quy hoạt động của làng. Nhờ vậy, phong trào không chỉ được triển khai, giữ vững trong năm 2020 mà sẽ phát triển mạnh mẽ trong những năm tiếp theo để người dân được sống trong không gian trong lành, đáng sống.
Tiếp tục hành động vì môi trường
Nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, tiêu chí mô hình “Làng 3 sạch”, “Khu phố 3 sạch”, “Làng nông thôn mới kiểu mẫu”, “Khu phố kiểu mẫu”, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh đã triển khai xây dựng mô hình “Khu dân cư không rác thải”.
Theo bà Trần Thị Vân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh, để mô hình triển khai hiệu quả, tỉnh Bắc Ninh đã quán triệt các cấp hội xây dựng ít nhất mỗi huyện, thị xã, thành phố một mô hình “Khu dân cư không rác thải”, qua đó góp phần nâng cao ý thức và hành vi của hội viên phụ nữ, người dân về tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Các cấp Hội Phụ nữ chú trọng tuyên truyền, vận động bà con thực hiện phân loại rác thải tại nguồn như: hạn chế dùng bao, túi ni-lông; dùng làn, túi cói hoặc bao bì bằng giấy khi đi chợ mua hàng; khuyến khích sử dụng các loại bao bì dễ tiêu hủy và không độc hại… Để mô hình triển khai có hiệu quả, Hội tổ chức các buổi tập huấn về nâng cao kiến thức thực hành cho hội viên, giúp chị em biến rác thải thành phân bón vi sinh, giúp ích trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, phụ nữ trong tỉnh đều có thể tự tạo ra phân vi sinh bón cây.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh cho biết thêm, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 8 mô hình “Khu dân cư không rác thải”. Hiệu quả mô hình thấy rõ khi đường làng, ngõ xóm không xuất hiện rác bẩn, đời sống nông thôn văn minh hơn. 100% hộ trong thôn, khu phố tự nguyện ký cam kết bảo vệ môi trường, mỗi hộ đều có vật dụng chứa rác thải… Để mô hình phát huy hiệu quả, tránh bệnh hình thức, các cấp Hội thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện, tham mưu đề xuất với Hội cấp trên để có hướng chỉ đạo, xử lý phù hợp.
Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đánh giá, triển khai nhân rộng mô hình “Khu dân cư không rác thải” trên phạm vi toàn tỉnh, đặc biệt là ở những địa bàn nhiều khu công nghiệp với số lượng công nhân, người lao động tập trung đông, áp lực về môi trường lớn; hướng tới mục tiêu Bắc Ninh hành động vì môi trường.