Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và UBND các tỉnh, thành phố vùng Tây Nam Bộ, bên cạnh công tác giáo dục, đào tạo thì công tác dạy nghề cho lao động nông thôn được các tỉnh, thành phố trong vùng tập trung triển khai tích cực.
Thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay 13 tỉnh, thành phố vùng Tây Nam Bộ đã phê duyệt quy hoạch nhân lực đến năm 2020 và Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” trên địa bàn. Hàng năm, các địa phương trong vùng tổ chức hội nghị, triển khai, rút kinh nghiệm về công tác đào tào nghệ cho lao động nông thôn. Sau ba năm triển khai thực hiện, toàn vùng có 104/130 đơn vị cấp huyện có lao động nông thôn đã bố trí cán bộ chuyên trách về dạy nghề tại Phòng Lao động - Thương binh và xã hội; 106/130 đơn vị cấp huyện có cơ sở dạy nghề công lập đóng trên địa bàn.
Lớp dạy nghề kết vòng cườm cho phụ nữ nghèo, chưa có việc làm ổn định tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, Cần Thơ.Ảnh : Trần Khánh Linh - TTXVN |
Ông Tô Minh Giới, Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết: UBND các tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh mục nghề đào tạo gồm 757 lượt nghề, trong đó 252 lượt nghề nông nghiệp và 505 lượt nghề phi nông nghiệp, trong đó đã phê duyệt chi phí đào tạo nghề cho 674 lượt nghề. Trong 3 năm, toàn vùng đã huy động được 282 cơ sở tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn, gồm: 9 trường cao đẳng nghề, 28 trường trung cấp nghề, 106 trung tâm dạy nghề; 2 trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghệp, 16 trung tâm giáo dục thường xuyên, 45 doanh nghiệp, hợp tác xã và 76 cơ sở khác. Tổng số lao động nông thôn học nghề trong ba năm 2010 - 2012 là 311.556 người, bằng 28,6% so với các nước.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định 20/2006/QĐ-TTg ngày 20/1/2006 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL đến năm 2010 và hơn hai năm triển khai thực hiện Quyết định 1033/QĐ-TTg ngày 30/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2015, mạng lưới trường, lớp học từ mầm non đến phổ thông vùng ĐBSCL tiếp tục phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập và phù hợp với quy hoạch dân cư. Tính đến cuối năm học 2012-2013 toàn vùng có 6.894 trường mầm non, phổ thông, trong đó có 1.092 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm gần 16% trên tổng số trường. Về giáo dục thường xuyên, từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập đa dạng của người dân, tính đến cuối năm học 2012-2013 toàn vùng có 125 trung tâm giáo dục thường xuyên. |
Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, đã có 303.298 lao động nông thôn được học nghề, trong đó có 231.273 người có việc làm sau đào tạo, đạt 76,25%. Trong số này lao động nông thôn sau học nghề được doanh nghiệp tuyển dụng là 37.462 người, số lao động tự tìm việc làm là 161.811 người... Hiện có 9.556 hộ nghèo có người tham gia học nghề đã thoát được nghèo, trong tổng số 44.959 người nghèo tham gia học nghề, 8.293 hộ gia đình có người tham gia học nghề trở thành hộ khá.
Qua theo dõi, một số địa phương các tỉnh trong vùng Tây Nam Bộ đã xây dựng được mô hình dạy nghề đạt hiệu quả cần nhân rộng như: Tỉnh Bến Tre, xây dựng mô hình đào tạo nghề theo địa chỉ với nghề may công nghiệp, người học được giải quyết việc làm ngay sau khi đào tạo với mức lương tối thiểu 1,8 đồng/người/tháng; dạy nghề theo mô hình trồng cây chuyên canh, xen canh như nghề trồng cây dừa, nghề trồng dừa và ca cao đan xen, số lao động có việc làm ổn định sau học nghề đạt trên 80%. Hai tỉnh An Giang và Hậu Giang xây dựng mô hình dạy nghề kỹ thuật trồng lúa giống, kỹ thuật trồng lúa chất lượng cao.
Đồng Tháp, Tiền Giang và Trà Vinh xây dựng mô hình dạy nghề đan ghế nhựa tận dụng thời gian nhàn rồi của lao động nông thôn để tăng thêm thu nhập, tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt từ 70-80%, mức thu nhập bình quân tăng thêm 1,5 triệu đồng/người/tháng; dạy nghề may công nghiệp, lao động được giải quyết việc làm đạt 100%, thu nhập ổn định từ 2,5- 3 triệu đồng/tháng. Thành phố Cần Thơ mở lớp dạy nghề kết cườm và trồng nấm linh chi và được doanh nghiệp ký kết hợp đồng gia công và bao tiêu sản phẩm giải quyết việc làm ổn định và lâu dài cho người lao động. Hai tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu đang triển khai mô hình dạy nghề thuyền trưởng, máy trưởng cho ngư dân trên tàu đánh bắt xa bờ. Đồng Tháp, Bạc Liêu, Trà Vinh, Kiên Giang dạy nghề nuôi trồng, chế biến thủy sản.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục sớm trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Đó là mạng lưới cơ sở dạy nghề còn thiếu và nhiều bất cập, 26/130 huyện chưa bố trí cán bộ chuyên trách về dạy nghề tại phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện. 24 huyện thuộc 5 tỉnh, thành phố là Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang chưa thành lập trung tâm dạy nghề hoặc trường trung cấp nghề trên địa bàn huyện. Việc tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý dạy nghề cho lao động nông thôn đạt thấp.
Bích Liên - Xuân Quang