Theo kết quả rà soát năm 2018, toàn tỉnh có hơn 47.000 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 37,08%), giảm hơn 3.800 hộ nghèo so với năm 2017 (giảm 3,93%). Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện 30a giảm từ 56,84% năm 2017 xuống còn 52,09% năm 2018.
Mục tiêu đề ra, tỉnh Điện Biên phấn đấu đến hết năm 2019, số hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn khoảng 44.000 hộ (giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 33,97%). Trong đó, số hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm xuống còn khoảng 39.000 hộ, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm còn 47,37%.
Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Điện Biên đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện đăng ký cam kết vươn lên thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, các cấp và các ngành tiếp tục rà soát tổng thể các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới đang thực hiện trên địa bàn tỉnh để xác định những chính sách phù hợp.
Qua đó, đề xuất điều chỉnh theo hướng mở rộng các chính sách kích thích sản xuất, khuyến khích thoát nghèo để người dân khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo làm cơ sở cho việc triển khai các chính sách giảm nghèo.
Đặc biệt phải nắm được nguyên nhân nghèo và nguyện vọng của từng hộ nghèo để có giải pháp hỗ trợ cụ thể, sát thực giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững.
Đối với các chương trình giảm nghèo, tỉnh Điện Biên sẽ thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó tranh thủ sự đầu tư của Trung ương và tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương; tích cực huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, sự tham gia xã hội hóa của cộng đồng.
Tỉnh thực hiện lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững với chương trình xây dựng nông thôn mới, nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa, nâng mức thu nhập cho hộ nghèo.
Tỉnh Điện Biên tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tiếp tục thực hiện công tác xuất khẩu lao động; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, cứu trợ kịp thời các đối tượng xã hội bị thiên tai, lũ lụt.
Đồng thời phân công cán bộ của các cấp hội, đoàn thể theo dõi, giúp đỡ đoàn viên, hội viên nghèo, giám sát hộ nghèo sử dụng vốn vay và các nguồn lực được hỗ trợ để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.
Năm 2018, tỉnh Điện Biên có 7 huyện nghèo, trong đó có 5 huyện nghèo nhóm 1 và 2 huyện nghèo nhóm 2. Toàn tỉnh có 130 xã, phường, thị trấn, trong đó có 101 xã đặc biệt khó khăn, 103 xã thuộc diện đầu tư của chương trình 135.
Riêng trong năm 2018, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hơn 420 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển hơn 310 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 110 tỷ đồng.
Tỉnh Điện Biên đã thực hiện các chương trình giảm nghèo như: Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện nghèo 30a, đầu tư về cơ sở hạ tầng hơn 110 tỷ đồng; chương trình hỗ trợ giảm nghèo theo Quyết định 293/QĐ-TTg gần 30 tỷ đồng; chương trình 135 hơn 150 tỷ đồng...
Ngoài ra còn có các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 135; chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới ...
Trong những năm qua, tỉnh Điện Biên đã thực hiện tốt các chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới thôn bản đặc biệt khó khăn. Hệ thống giao thông liên huyện, liên xã được đầu tư, nâng cấp; các chợ được đầu tư đưa vào sử dụng tạo điều kiện cho các hoạt động giao lưu, phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn đã chủ động và từng bước phát huy tiềm năng, thế mạnh; chủ động khai thác, phát huy lợi thế về đất và rừng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là tăng diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, phát triển chăn nuôi gia súc. Các sản phẩm dần tiếp cận được với vùng có điều kiện kinh tế phát triển.
Các địa phương cũng đã liên kết đào tạo và phát triển nguồn nhân lực giữa các vùng được quan tâm thực hiện. Với những kết quả đạt được, việc thúc đẩy kết nối phát triển kinh tế, xã hội giữa vùng khó khăn với vùng phát triển đã từng bước được cải thiện, đời sống của nhân được nâng lên góp phần giảm nghèo bền vững tại địa bàn các huyện nghèo, xã, thôn bản đặc biệt khó khăn.