Báo cáo với đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, thời gian qua, các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đón nhận và ủng hộ. Từ đó, nhận thức trong nhân dân, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn An Giang tiếp tục có chuyển biến mạnh, dẫn đến chuyển đổi hành vi để tự vươn lên thoát nghèo và phấn đấu vươn lên làm giàu…
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, thời gian qua việc tăng cường đầu tư vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định, từ đó có điều kiện vươn lên. Đặc biệt, việc Ngân hàng Chính sách xã hội tăng định mức cho vay cũng góp phần tích cực trong việc giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo một cách bền vững…
Theo UBND tỉnh An Giang, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm tại An Giang giảm đều qua từng năm. Đời sống của các hộ nghèo ngày càng được nâng lên thông qua việc triển khai thực hiện hàng loạt các chủ trương, chính sách của nhà nước như: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hộ nghèo được vay vốn làm ăn, hỗ trợ nhà ở, miễn giảm học phí, viện phí…
Trong giai đoạn 2012-2015, tỷ lệ hộ nghèo của An Giang giảm bình quân 1,34%/năm, cận nghèo giảm 0,62%/năm. Giai đoạn 2016-2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,59%/năm đạt và vượt Nghị quyết đề ra; hộ cận nghèo giảm 0,44%/năm. Riêng về hộ cận nghèo người dân tộc thiểu số, giai đoạn 2012-2015, An Giang giảm tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số bình quân 2,41%/năm và giai đoạn 2016-2018 giảm 3,79%/năm.
UBND tỉnh An Giang cho biết: Thời gian qua với sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, góp phần ổn định tình hình kinh tế, xã hội trong tỉnh; từng bước đời sống của người nghèo được cải thiện và nâng lên.
Tuy tỷ lệ hộ thoát nghèo hàng năm giảm đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, nhưng số hộ phát sinh nghèo mới vẫn còn, đa số hộ thoát nghèo còn thuộc chuẩn cận nghèo. Kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, tốc độ giảm không đồng đều, một số nơi tỷ lệ hộ nghèo giảm còn chậm…
Tính đến cuối năm 2018, An Giang còn 19.989 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,67%; hộ cận nghèo là 31.690 hộ, tỷ lệ 5,82%. Cuối năm 2018, An Giang còn 4.338 hộ nghèo người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 16,1%... UBND tỉnh An Giang cho biết thời gian tới sẽ tập trung dồn sức, xóa dứt điểm hộ nghèo; tăng nguồn vốn đầu tư cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, hộ nghèo thuộc các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số... UBND tỉnh An Giang kiến nghị Trung ương cần có cơ chế khuyến khích mạnh mẽ sự đầu tư từ các tổ chức, cá nhân để huy động sự tham gia đóng góp của các thành phần kinh tế và tầng lớp nhân dân vào công tác giảm nghèo…
Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt đoàn công tác, bà Nguyễn Thúy Anh - Ủy viên Ủy ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đánh giá cao tỉnh An Giang đã đạt được những kết quả nổi bật trong thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012-2018.
Bà Nguyễn Thúy Anh đề nghị UBND tỉnh An Giang thời gian tới cần quan tâm đến các giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững; thực hiện lồng ghép các chương trình giảm nghèo để phát triển kinh tế - xã hội đạt hiệu quả; cần đẩy mạnh tuyên truyền phù hợp với văn hóa tập tục của từng dân tộc, đặc biệt đẩy mạnh công tác nêu gương để có sức lan tỏa của chương trình.
Bà Nguyễn Thuý Anh cũng đề nghị UBND tỉnh An Giang cần đánh giá hiệu quả chương trình giảm nghèo để có những đề xuất điều chỉnh cho phù hợp thực tế, lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án, tránh chồng chéo và huy động mọi nguồn lực trong nhân dân để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững… Đối với các ý kiến, kiến nghị của UBND tỉnh An Giang, bà Nguyễn Thuý Anh cho biết sẽ có báo cáo với Quốc hội, Chính phủ.
Trước đó, Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đến làm việc với huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên. Đây là những huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống của tỉnh An Giang. Tại huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên, Đoàn công tác đã nghe đại diện lãnh đạo các huyện báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Tại các buổi làm việc, Đoàn đã biểu dương nỗ lực của 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đồng thời ghi nhận, tổng hợp những kiến nghị, đóng góp của địa phương đối với những bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện. Dịp này, Đoàn giám sát cũng đã tặng 100 phần quà cho các em học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên.