Những điển hình tiêu biểu
Chị Nguyễn Thị Thu Hường, giảng viên, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định là tình nguyện viên tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện của trường với 17 lần hiến máu, góp phần lan tỏa thông điệp hiến máu cứu người cho các thế hệ sinh viên.
Ngay từ khi còn là sinh viên, chị Hường đã luôn tích cực trong các hoạt động tình nguyện, hiến máu. Lần đầu chị tham gia hiến máu là năm 2007 khi vừa trúng tuyển sinh viên ngành điều dưỡng, Trường Đại học điều dưỡng Nam Định. Là sinh viên ngành y nên chị hiểu rõ thông điệp "Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", vì thế chị thường xuyên đăng ký, tham gia hiến máu. Chị Hường cũng đăng ký tham gia Đội Tuyên truyền và Vận động hiến máu tình nguyện của Trường Đại học điều dưỡng Nam Định.
Với thành tích học tập xuất sắc cùng tinh thần năng nổ trong các phong trào thi đua, năm 2011, sau khi tốt nghiệp, chị Hường được tuyển chọn, giữ lại làm giảng viên và tiếp tục tham gia hiến máu, vận động hiến máu. Trường Đại học điều dưỡng Nam Định trở thành đơn vị tiêu biểu trong phong trào hiến máu nhân đạo. Năm 2023, Đội Tuyên truyền và Vận động hiến máu tình nguyện của trường đã tuyên truyền vận động trên 1.500 người đăng ký hiến máu tình nguyện, thu về 1.026 đơn vị máu đạt 293% chỉ tiêu.
Là nhân viên y tế Trường Tiểu học xã Yên Thọ, huyện Ý Yên (Nam Định), nên chị Lê Thị Hạnh hiểu rõ giá trị của từng giọt máu đối với việc cứu chữa người bệnh. Do đó, chỉ trong 11 năm, chị đã 34 lần hiến máu, trở thành 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc được Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tôn vinh vào năm 2023.
Chị Hạnh tâm sự, máu có thể chờ người bệnh song người bệnh không thể chờ máu. Hiểu rõ điều này, từ năm 2013, chị bắt đầu đăng ký hiến máu tình nguyện. "Ngày ấy, phong trào hiến máu không phát triển như bây giờ, nhất là ở khu vực nông thôn, không ít người có tâm lý lo sợ hiến máu ảnh hưởng đến sức khỏe nên rụt rè khi được vận động tham gia. Với mong muốn góp một phần công sức nhỏ bé giúp thay đổi tâm lý người dân, khi có đoàn tình nguyện viên về trường vận động hiến máu, chị đã đăng ký hiến máu ngay", chị Hạnh nhớ lại.
Không chỉ tham gia hiến máu tại các sự kiện do địa phương tổ chức, chị còn đăng ký số điện thoại với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định để sẵn sàng hiến máu tại các đợt cao điểm hoặc trường hợp khẩn cấp. Chị nhiều lần nhận được cuộc gọi hiến máu khẩn cấp của Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định. Những lúc nhận được cuộc gọi hiến máu khẩn cấp, chị ngay lập tức lên đường, chạy xe gần 40 km từ nhà lên bệnh viện để hiến máu.
Nhiều năm qua, tại Nam Định đã xuất hiện nhiều tấm gương hiến máu tiêu biểu, trong đó có nhiều tình nguyện viên là nông dân, công nhân, có người đã trên 50 tuổi vẫn nhiệt tình hiến "giọt hồng"... góp phần cứu sống bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
Lan tỏa phong trào hiến máu
Để phong trào hiến máu ngày càng phát triển, những năm qua, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp đã đẩy mạnh chiến dịch truyền thông, giúp nâng cao nhận thức chung của cộng đồng về việc hiến máu tình nguyện; linh hoạt, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, vận động hiến máu với phương châm "Đến từng ngõ, gõ từng nhà". Ban Chỉ đạo các cấp tăng cường truyền thông bằng nhiều hình thức, phối kết hợp, lồng ghép vào sự kiện, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, qua kênh các câu lạc bộ, đội tuyên truyền lưu động... để mở rộng tình nguyện viên đăng ký hiến máu.
Nam Định hiện có 9 Câu lạc bộ hiến máu với 425 thành viên tham gia. Đội tình nguyện viên Chữ thập đỏ tỉnh đã chủ động phối hợp với các đội tình nguyện viên của nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tổ chức hiến máu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh vào ngày Chủ nhật, tuần thứ 3 hằng tháng, tham gia hiến máu khẩn cấp khi bệnh viện có nhu cầu nhằm góp phần chủ động nguồn máu cấp cứu các bệnh nhân.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nam Định Phạm Minh Phương cho biết, trước đây phong trào hiến máu tình nguyện chưa quen thuộc với nhiều người. Khi thấy các tổ, nhóm tình nguyện tuyên truyền về tác dụng, ý nghĩa nhân văn của việc hiến máu, không ít người hoài nghi, tạo ra những rào cản tâm lý, dẫn đến số người hiến máu không đạt chỉ tiêu.
Tuy vậy, nhờ việc đẩy mạnh truyền thông đã tạo đà đưa phong trào hiến máu tình nguyện lan tỏa, thấm sâu trong đời sống cộng đồng. Ngày càng có nhiều cán bộ, hội viên, tình nguyện viên của phong trào hiến máu tình nguyện là những người tiên phong hiến máu, vận động người thân, bạn bè cùng tham gia. Khi thấy những người xung quanh hiến máu không bị ảnh hưởng đến sức khỏe, lại có thể góp phần mang lại sự sống cho người bệnh, phong trào hiến máu tình nguyện dần thu hút nhiều người dân tham gia, tạo thành phong trào rộng lớn.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã tổ chức được 13 cuộc hiến máu tình nguyện, thu hút gần 4.300 người tham gia, tiếp nhận 4.626 đơn vị máu. Tỷ lệ hiến máu nhắc lại đạt 60%.
Theo Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nam Định Phạm Minh Phương, thời gian tới, để phong trào hiến máu tình nguyện tiếp tục lan tỏa sâu rộng, các địa phương cần tăng cường quan tâm xây dựng mạng lưới tình nguyện viên hiến máu ở nhiều nhóm đối tượng, địa bàn, từ mô hình tổ, nhóm, câu lạc bộ, đến gia đình, dòng họ, tuyến phố, rộng hơn là mô hình xã, phường, thị trấn hiến máu.