Với mong muốn mọi đứa trẻ đều có thể đến trường học chữ, Chíu Sìu Sằn, một thanh niên dân tộc Dao, ở thôn Quế Sơn, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) đã tình nguyện hiến tặng 600 m2 đất để xây trường học. Anh là một trong những tấm gương thanh niên dân tộc điển hình trong cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" của tỉnh Quảng Ninh.
Thôn Quế Sơn có 63 hộ dân, trong đó có gần 80 em nhỏ ở độ tuổi đi học mẫu giáo nhưng vì chưa có trường nên hàng ngày, các em vẫn theo bố, mẹ vào rừng, lên nương lao động. Là Bí thư chi bộ của thôn, Chíu Sìu Sằn luôn đau đáu làm thế nào để xây được một ngôi trường khang trang cho con em mình. Năm 2010, thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp, cùng với nhiều địa phương khác trong tỉnh, thôn Quế Sơn (huyện Tiên Yên) được tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ kinh phí để xây trường học. Tuy nhiên, có kinh phí rồi thì lại gặp khó khăn trong việc tìm quỹ đất để xây dựng trường vì đất rừng, đất nông nghiệp đã được Nhà nước giao đến từng hộ dân để quản lý và phát triển kinh tế. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh lại thấm nhuần lời Bác dạy “vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, Chíu Sìu Sằn đã quyết định hiến tặng xã một phần đất sản xuất của gia đình để xây trường học cho trẻ em trong thôn.
Chíu Sìu Sằn (áo trắng) trước ngôi trường được xây dựng trên mảnh đất mà anh hiến tặng. |
Anh Chíu Sìu Sằn cho biết: “Được Đảng, Nhà nước quan tâm triển khai Đề án kiên cố hóa trường, lớp học cho con em dân tộc mình, tôi thấy mừng lắm. Trước đây, học trò dân tộc phải học trong những lớp học tranh, tre, nứa, lá, điều kiện học tập thiếu thốn, nay các cấp lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện xây dựng trường học thì mình cũng phải đóng góp chút gì để góp phần tạo điều kiện học tập tốt hơn cho con em mình chứ".
Để ngôi trường sớm được đưa vào hoạt động, anh Sằn đã cùng với bà con trong thôn họp bàn và đi đến quyết định không thuê máy ủi san gạt mặt bằng vì rất tốn kém; thay vào đó, mọi người trong thôn sẽ cùng góp sức để tạo mặt bằng xây trường trên nền đất anh Sằn hiến tặng. Chỉ sau ba ngày chung sức của bà con Quế Sơn, khu đất 600 m2 đã được san gạt bằng phẳng và đã bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên xây móng cho ngôi trường tương lai.
Biến ước mơ thành hiện thực, một ngôi trường khang trang đã mọc lên ngay trung tâm thôn Quế Sơn thay thế cho những lớp học tạm bằng tranh, tre, nứa, lá, chật hẹp, lại nằm cách xa trung tâm của thôn gần 10 km. Anh Chíu Chăn Lỷ, một người dân thôn Quế Sơn vui mừng: “Người dân trong thôn vui lắm, vì từ nay bọn trẻ không còn phải vượt hơn 10 km đường rừng để đi học nữa, chúng đã được học cái chữ ở trong ngôi trường khang trang, sạch đẹp hơn rồi".
Không chỉ hiến đất, xây dựng trường học, anh Chíu Sìu Sằn còn bỏ ra 6 triệu đồng để đầu tư hệ thống điện chiếu sáng về trường phục vụ việc học tập và sinh hoạt của các em học sinh và các thầy cô giáo trong trường. Bà con trong thôn thấy anh Sằn tự nguyện hiến tặng đất xây trường, bỏ tiền đưa ánh sáng về cho trường, thì đều khuyên bảo con cháu tự giác đến trường học cái chữ để thắp sáng tương lai.
Bí thư Đảng ủy xã Đông Ngũ, Phạm Văn Hoài phấn khởi cho biết: “Thực hiện Đề án kiên cố hóa trường lớp, nhà công vụ cho giáo viên bước đầu triển khai đã gặp không ít khó khăn trong việc tìm nguồn quỹ đất, vậy mà ở một thôn như Quế Sơn lại có người đã đặt lợi ích chung lên trước lợi ích cá nhân, tự nguyện hiến đất xây trường. Nhờ đó, số trẻ ở độ tuổi đến trường tại Quế Sơn đạt 100%. Việc làm của anh Sằn là động lực góp phần đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục ở huyện vùng cao Tiên Yên.
Từ năm 2006 đến nay, với những đóng góp của mình, Bí thư chi bộ thôn Quế Sơn, Chíu Sìu Sằn luôn được công nhận là “Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Anh được các cấp chính quyền tặng nhiều giấy khen, bằng khen; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng “Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển dân tộc”; anh còn là một trong bốn cá nhân tiêu biểu đại diện cho huyện Tiên Yên đi dự Đại hội các dân tộc thiểu số toàn quốc. Miệng nói, tay làm, Bí thư Chíu Sìu Sằn luôn được bà con trong thôn tín nhiệm, tin yêu.
Mạnh Tú - TTXVN