Năm 2011, Đại hội đồng Liên hợp quốc chọn ngày 11/10 hàng năm làm Ngày Quốc tế trẻ em gái nhằm tạo cơ hội, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới với các nội dung giáo dục, dinh dưỡng, y tế, bảo vệ khỏi sự kỳ thị, bạo lực và không còn nạn tảo hôn. Mỗi năm Liên hợp quốc sẽ chọn một chủ đề riêng cho ngày này.
Năm nay các nhà hoạt động xã hội kêu gọi sự quan tâm, đầu tư và hành động nhiều hơn nhằm hỗ trợ trẻ em gái vị thành niên đi đầu trong các nỗ lực thay đổi. Đồng thời tăng cường nguồn lực và đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên, bao gồm cả mạng lưới, tổ chức hỗ trợ giáo dục có chất lượng hòa nhập, ưu tiên phúc lợi cho các em. Bên cạnh đó là hoạt động cải thiện khả năng tiếp cận và tiếp nhận các dịch vụ hòa nhập lấy trẻ em gái vị thành niên làm trung tâm mọi lúc, đặc biệt là trong ứng phó và khắc phục khủng hoảng.
Các nhà hoạt động xã hội cũng kêu gọi chia sẻ những câu chuyện về trẻ em gái tiêu biểu; hình thành mạng lưới và tổ chức truyền cảm hứng cung cấp nguồn lực cho trẻ em gái, thu hút các nhà đầu tư nhằm giải quyết các bất bình đẳng, đặc biệt trong tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần và tâm lý khi đối mặt với xung đột, di cư cưỡng bức, thiên tai và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Cùng với đó là việc thu hút những phụ nữ có ảnh hưởng trong cuộc sống; thay đổi nhận thức của công chúng về các nhà lãnh đạo nữ; tăng cường cam kết của cộng đồng trong việc nâng cao nhận thức và giải quyết các vấn đề còn tồn tại liên quan đến trẻ em gái...
Tại Việt Nam, ngày 14/9/2022, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình ra Công văn số 582/TCDS-TTGD về việc hướng dẫn nội dung truyền thông hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới, Ngày quốc tế người cao tuổi và Ngày quốc tế trẻ em gái. Trong đó, Ngày quốc tế trẻ em gái tại Việt Nam năm nay có chủ đề: "Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh".
Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình hướng dẫn các nội dung truyền thông tập trung vào phổ biến, tuyên truyền các văn bản, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước như: Luật bình đẳng giới; Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Luật hôn nhân và gia đình nhằm thúc đẩy cộng đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái nói riêng và phụ nữ nói chung, đặc biệt là trẻ em gái ở các gia đình sinh con một bề là gái.
Ngành tuyên truyền về các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi như Pháp lệnh Dân số; Nghị định số 104/2003/NĐ ngày 16/9/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Pháp lệnh Dân số; Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 23/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025.
Các địa phương tăng cường tuyên truyền, giáo dục về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; vận động từng bước làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu về sinh con trai, con gái...