Sau trận lũ ấy, toàn bộ căn nhà cùng tài sản của gia đình chị Lô Thị Nhân, bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ bị cuốn trôi. Không còn nơi ở, hơn một năm nay, chị phải đi ở nhờ nhà người em trai trong bản, đợi ngày được chính quyền địa phương bố trí nơi tái định cư mới.
Chị Nhân chia sẻ, may mắn được chính quyền địa phương quan tâm, các nhà hảo tâm chia sẻ, cuộc sống của gia đình đã vơi bớt phần nào. Khi được nghe xã thông báo sẽ được di dời về nơi ở mới, gia đình chị cũng như nhiều hộ khác trong thôn đều mừng vui, ngóng chờ. Nhưng đã hơn một năm trôi qua, khu tái định cư vẫn chưa hoàn thành. Trong khi đó, cứ mưa to, nước suối Huổi Giàng lên cao, chảy tràn vào nhà, ai cũng thấp thỏm lo âu.
Dù không chịu ảnh hưởng của trận lũ lịch sử nhưng gia đình anh Moong Văn Oanh cùng hàng chục hộ dân khác phải đối diện với tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Anh Oanh kể lại, sau trận lũ lịch sử xảy ra tháng 10/2022, đã xuất hiện các vết nứt ngay chân đồi kéo dài hàng chục mét. Thời điểm đó, trời mưa, đất đá nhão ra rồi tràn vào nhà, đẩy ngôi nhà trượt về phía chân đồi gần 2 m. Ngay sau đó, bộ đội, công an đã giúp đỡ, cào bới đất và dựng lại nhà để gia đình anh ở tạm. Chính quyền địa phương đã thông báo ngoài gia đình anh còn có 5 gia đình bên cạnh sẽ được bố trí nơi tái định cư mới. Thế nhưng đã một năm trôi qua, bà con vẫn ngóng chờ trong thấp thỏm, lo âu. Những ngày mưa to, nước từ các về nứt sau nhà chảy xuống ào ào như suối. Cả nhà anh không ngủ được phải thu dọn đi ngủ nhờ hàng xóm, đợi sáng ra hết mưa mới dám về nhà.
Do chờ đợi quá lâu, một số hộ dân có điều kiện kinh tế đã tự tìm vị trí đất ở để xây dựng nhà ở lâu dài, một số khác có đất đã phải dựng nhà tạm. Các hộ không có nơi ở đành phải xoay xở đi ở nhờ nhà anh em, họ hàng đợi ngày được di dời tái định cư.
Anh Vi Văn Truyền, Trưởng bản Hòa Sơn cho biết, sau trận lũ lịch sử, người dân hai bản Hòa Sơn, Sơn Hà đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền địa phương, đồng bào trên cả nước. Nhờ đó, cuộc sống dần ổn định. Thôn hiện có 72 hộ trong diện phải di dời, trong đó có đến 54 hộ không có nhà cửa phải dựng lều tạm chờ ngày tái định cư.
Sau đợt lũ, cùng với tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp, huyện Kỳ Sơn đã khảo sát, thống kê được hơn 200 hộ cần phải di dời để đảm bảo an toàn. Chính quyền địa phương đã nỗ lực cùng tỉnh, Trung ương bố trí các nguồn vốn, nhanh chóng tập trung khảo sát, xây dựng phương án di dời cho các hộ dân. Tuy nhiên, với quỹ đất hạn chế, đặc biệt là việc thiếu mặt bằng, việc triển khai dự án gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện cho biết, Kỳ Sơn là huyện miền núi có địa hình dốc, rất khó bố trí được địa điểm có mặt bằng rộng làm nơi tái định cư. Dù vậy, hiện đã tìm được hai điểm tái định cư cho bà con tại bản Cầu Tám, xã Tà Cạ (diện tích khoảng diện tích 8,6ha) và phía sau Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện (diện tích khoảng 3,9ha). Tuy nhiên, điểm tái định cư tại bản Cầu Tám hiện vẫn chưa thể triển khai thi công do vướng vào đất rừng tự nhiên. Huyện đã trình lên các cơ quan cấp trên xem xét giải quyết tháo gỡ tình trạng này. Tại điểm thứ 2, nơi dự kiến bố trí cho 56 hộ dân tái định cư, huyện đang yêu cầu các đơn vị thi công tập trung nhân lực, huy động máy móc làm liên tục 3 ca. Dự kiến cuối năm 2023 sẽ hoàn thành và bố trí tái định cư cho bà con.
“Trong thời gian chưa bố trí được chỗ tái định cư, huyện yêu cầu chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi sát sao tình hình mưa lũ, sạt lở trên địa bàn; kịp thời đưa người dân đến nơi ở an toàn nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường” - ông Long thông tin thêm.