Hàng nghìn du khách đến núi Thần Đinh cầu quốc thái dân an

Trong những ngày qua, núi Thần Đinh trên đỉnh nơi có dấu tích chùa cổ chùa Kim Phong thuộc xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã có trên 20.000 lượt du khách chọn làm điểm đến đầu năm để cầu quốc thái, dân an…

Du khách Trần Văn Tuân đến từ huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cho biết: Năm nào cũng vậy anh và gia đình luôn chọn núi Thần Đinh, chùa Kim Phong làm điểm đến đầu năm để cầu nguyện quốc thái, dân an, gia đình, làng mạc an lành, phát triển. Núi Thần Đinh, chùa Kim Phong là một điểm du lịch tâm linh vô cùng hấp dẫn mà người dân ở đây luôn hướng đến.

Đại lễ cầu siêu, cầu quốc thái dân an.

Đến núi Thần Đinh, du khách vượt 1.200 bậc đá để lên đỉnh nơi có dấu tích chùa cổ Kim Phong. Tại đây, du khách có thể mặc sức ngắm được vẻ hoang sơ của cả cánh rừng tự nhiên. Núi Thần Đinh có giếng Tiên, Động Chiêng, Động Trống khi có gió thổi thường phát ra âm thanh như tiếng chiêng, tiếng trống... Còn ngôi chùa cổ trên núi Thần Đinh được người dân gọi tên Kim Phong nhằm chỉ sự tốt đẹp như vàng của những phong tục văn hóa đậm đà thuần khiết nơi đây. Tương truyền chùa được xây dựng vào năm Chánh hòa thứ 21, đời vua Lê Hy Tông (1680-1705), do sư thầy An Khả trụ trì. Chùa nằm trên núi cao nên cư dân bản địa còn quen gọi là chùa Non. Thời xa xưa vào năm 1470 vua Lê Thánh Tông đã đến đây vãn cảnh. Sau này, đến đây vãn cảnh chùa còn có vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị. Trong những năm chống Pháp và chống Mỹ khu vực núi Thần Đinh còn là chiến khu cách mạng. Trải qua thời gian và chiến tranh, ngôi chùa Kim Phong trên núi Thần Đinh chỉ còn lại một chút dấu tích đó là am thờ, một chút móng, ít gạch đá, tường cổ bị đổ nát đầy rêu phong. Năm 2007, Tổ đình Vĩnh Nghiêm (thuộc thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh) đầu tư xây dựng chùa Kim Phong dưới chân núi. Từ đây, chùa Kim Phong trở thành cầu nối với nhiều nhà hảo tâm, những tấm lòng vàng trong nước và bà con Việt Kiều đến giúp đỡ đồng bào nghèo ở Quảng Bình. Đặc biệt là hàng ngàn hộ dân Vân Kiều đang định cư ở miền Tây hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy.


Năm nay, mừng xuân Di lặc, chùa Kim Phong đã tổ chức đại lễ cầu nguyện quốc thái, dân an với hàng chục ngàn người đã đến tham gia. Thượng tọa Thích Trung Sơn, Trụ trì chùa Kim Phong cho biết, trong những ngày diễn ra đại lễ, nhà chùa đã phục vụ 7.000 phần cơm chay miễn phí, phát hơn 10.000 món quà lì xì đầu năm để chúc phúc cho du khách một năm bình yên và đạt được nhiều thành công trong cuộc sống.


Ông Đinh Gia Hinh, Giám đốc khách sạn Tứ Quý (TP Đồng Hới) vui vẻ cho biết "Năm nay, gia đình ông đã đóng góp một phần thực phẩm, cùng tham gia với nhà chùa đảm nhiệm bếp chay để phục vụ du khách đến đây cầu quốc thái, dân an. Việc làm này, gia đình ông cảm thấy vô cùng ý nghĩa nhất là trong dịp Tết đến, Xuân về.


Còn anh Nguyễn Ngọc Chinh đến từ Thành phố Hồ Chí Minh thì hồ hởi chia sẻ, năm nào gia đình anh cũng về quê Quảng Bình ăn tết và đến núi Thần Đinh, chùa Kim Phong để cầu nguyện. Năm nay, anh phấn khởi hơn vì đã đóng góp 200 kg gạo để nhà chùa nấu cơm chay phục vụ bà con nhân dân đi lễ.


Núi Thần Đinh, chùa cổ Kim Phong trong khoảng 10 năm trở lại đây trở thành điểm đến du lịch tâm linh được nhiều người lựa chọn. Vì vậy, Quảng Bình đã đưa Núi Thần Đinh và chùa cổ Kim Phong vào kế hoạch phát triển trong chiến lược du lịch tầm nhìn đến năm 2020 của tỉnh.

Anh Minh - Hi Trang
Đà Nẵng: Các khu vui chơi tăng khách đột biến dịp Tết
Đà Nẵng: Các khu vui chơi tăng khách đột biến dịp Tết

Thời tiết thuận lợi, thời gian nghỉ dài, cộng thêm sự hấp dẫn của các chương trình Tết tại nhiều khu du lịch trên địa bàn Đà Nẵng đã thu hút được lượng lớn khách du lịch tới thành phố ngay trong những ngày đầu năm mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN