Kinh doanh hàng một giá đã từng trở thành cơn “sốt” trên thị trường thời trang, đồ lưu niệm, giầy dép,… Tuy nhiên, hiện nay kinh doanh hàng một giá đang trở nên “bão hòa” và giảm sức hút với người tiêu dùng.
Xả hàng cũng một giá
Trước đây, hàng một giá được coi là những điểm đến lý tưởng cho chị em khi mua sắm đồ với giá vừa phải, hàng lại đẹp. Các cửa hàng thường treo biển ở mức giá vừa phải như: Hàng giá duy nhất 80.000 đồng hoặc 150.000 đồng…
Tuy nhiên, theo khảo sát của PV tại các tuyến đường Cầu Giấy, Thái Hà, Chùa Bộc.. hiện nay, thị trường mua sắm ngày càng xuất hiện ồ ạt các cửa hàng treo biển một giá. Đặc biệt, thời tiết bắt đầu lạnh, các chủ cửa hàng không chỉ tận dụng hình thức “câu khách” này với hàng bán thu đông mà đây còn là thời điểm thích hợp để các chủ kinh doanh đua nhau bán hàng hè với giá duy nhất là 120.000 đồng hay 95.000 đồng/sản phẩm…
Nhiều chủ cửa hàng cho rằng, để có thể bán được hàng tồn kho thì sử dụng “tuyệt chiêu” này là “hút” khách nhất.
Chủ cửa hàng trên đường Chùa Bộc chia sẻ: “Ghi một giá vừa đỡ mất công nói giá mà khách cũng không mặc cả, phàn nàn gì”.
|
Xả hàng cũng treo biển một giá.
|
Một số chủ cửa hàng cho biết, nếu ghi đại hạ giá, giảm khoảng 30% hay 50% không thể có sức hút bằng giá tiền cụ thể. Chị Nhàn, chủ cửa hàng trên đường Xuân Thủy cho biết: “Tâm lý chung người tiêu dùng cứ thấy giá cụ thể, rẻ là vào mua, nếu chưa thấy gì cụ thể thì còn đắn đo”.
Nếu trước đây, các cửa hàng chỉ ghi một giá duy nhất, thì hiện nay đã xuất hiện các biển giá duy nhất nhưng không phải là duy nhất như: Hệ thống một giá 150.000-200.000 đồng/sản phẩm…
Theo giải thích của chị Liên, nhân viên bán hàng trên đường Cầu Giấy: “Trong cửa hàng các sản phẩm có giá chênh lệch lẫn nhau khoảng từ trên 100.000 đến 200.000 đồng/sản phẩm nên cửa hàng chị sẽ treo biển như thế”.
Theo khảo sát của PV, có một số cửa hàng sử dụng hình thức kinh doanh hàng một giá để hút khách, nhưng giá sản phẩm trong cửa hàng lại rất nhiều giá khác nhau. Chị Hà, chủ cửa hàng trên đường Cầu Giấy cho biết: “Cửa hàng chỉ có một số loại là bằng với giá ghi ngoài biển, nhưng ghi như thế để thu hút khách đến cửa hàng”.
Giá không đi kèm chất lượng
Trong vai một người đi mua hàng tại các điểm kinh doanh hàng một giá, theo khảo sát của PV các cửa hàng bán hàng một giá không có nghĩa là các sản phẩm trong cửa hàng đó có giá trị tương đương nhau.
Một nhân viên trên đường Thái Hà tiết lộ: “Cửa hàng mình bán một giá, nhưng cũng có một số sản phẩm giá trị thấp hoặc cao hơn, làm như thế mới có thể duy trì và bán hàng lâu dài được".
”Tuyệt chiêu” đó được rất nhiều cửa hàng sử dụng để kiếm lời. Chị Yến, chủ cửa hàng trên đường Trường Chinh cho biết, nếu bán hàng một giá mà hàng nào cũng đồng giá trị thì sẽ không thể có lãi.
|
Một giá nhưng lại là hai giá. |
Theo quan sát của PV, tại các cửa hàng một giá, bên cạnh số ít sản phẩm đẹp, chất lượng, còn lại rất nhiều sản phẩm mẫu mã và chất lượng kém. Đặc biệt các điểm xả hàng, nhiều sản phẩm có hiện tượng bụi bẩn, đứt chỉ, rách…
Nhiều người tiêu dùng cũng bắt đầu phàn nàn về chất lượng hàng một giá, chị Kim (Cổ Nhuế) cho biết: “Mình nghĩ nếu treo biển giá từ 150.000 đồng/sản phẩmn trở lên thì sản phẩm cũng chất lượng một chút, nhưng khi mình mua một chiếc áo với giá đó về, mới mặc mà đã bị bung chỉ, giặt thì bị phai màu”.
Lựa chọn mua hàng một giá đúng giá, chất lượng sản phẩm tốt cũng cần phải thận trọng, chia sẻ kinh nghiệm mua hàng một giá, chị Hòa (Kim Mã) nói: “Nên mua những sản phẩm nhìn đẹp mắt, chất lượng vải tốt và hợp với mình, khi vào cửa hàng thì cần quan sát, thông thường những hàng đẹp sẽ treo bên ngoài để trưng bày, còn những hàng bên trong sẽ thường là hàng chất lượng không được tốt lắm.
Treo biển một giá, người mua hàng không thể mặc cả được, và buộc phải mua theo giá đó khi đã ưng hàng. Tuy nhiên, nếu các cửa hàng bán hàng chất lượng không tương xứng với giá tiền thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ không còn mặn mà với hàng một giá nữa.
Theo Laodong.com.vn