Hà Nội xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo

Việc giải phóng mặt bằng, mở rộng đô thị đã mang lại cho Hà Nội những con đường mới, đẹp và khang trang. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, nó cũng để lại hậu quả là những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo. Càng nhiều con đường được mở rộng thì càng nhiều những ngôi nhà thò ra thụt vào với hình dáng kì quái, gây mất mỹ quan đô thị. Tình trạng này bao năm nay vẫn chưa được giải quyết triệt để bởi thiếu những giải pháp căn cơ.

 

Quyết liệt “xử” nhà kỳ quái

 

Kiến trúc nhà cửa kỳ quái được “sinh ra” từ những mảnh đất méo mó sau giải phóng mặt bằng. Người dân cứ vô tư sống vì “tấc đất, tấc vàng”. Còn các cơ quan quản lý thì vẫn cứ như gà mắc tóc trong việc xử lý những ngôi nhà dạng này.


Xử lý còn lúng túng

 

Dạo qua những con đường mới ngay giữa Thủ đô, trong đó có những con đường được mệnh danh là đường “đắt nhất hành tinh” như: Xã Đàn, Kim Liên - Hoàng Cầu, Thái Thịnh (mới), Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển... không khó để nhận ra những ngôi nhà mặt phố mang dáng vẻ kỳ dị. Có căn nhà mặt tiền rộng 2 - 3 m nhưng chiều sâu chỉ 1 m, thậm chí là ít hơn. Có căn mặt tiền chỉ có 1 m nhưng... “nở hậu” tới... 5 m. Để tối đa hóa diện tích sử dụng, chủ các căn nhà này đã xây cao lên mấy tầng, biến căn nhà thành hình chữ L, chữ T, chình ình giữa phố.

Ngôi nhà siêu mỏng nằm lọt thỏm trên phố Xã Đàn.


Đi qua đường Xã Đàn (quận Đống Đa), từng là “con đường đau khổ” với chính quyền thành phố vì chuyện giải phóng mặt bằng, nhiều người không khỏi lắc đầu ngán ngẩm vì đường thì to rộng (chi phí làm đường lên đến hơn 1 tỷ đồng/m) mà nhà cửa thì nhấp nhô, mỗi nhà mỗi kiểu không theo một kiến trúc nào. Tình trạng này giờ lại lan sang con đường “anh em” kéo dài từ Ô Chợ Dừa đến Hoàng Cầu. Tại đây, người dân đang biến những mảnh đất méo mó của mình thành những ngôi nhà nhằm mục đích kinh doanh sinh lợi.


Còn nhớ, tháng 5/2011, UBND TP Hà Nội đã ban hành quy định về xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng nằm dọc các tuyến đường giao thông và nguyên tắc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường giao thông mới. Thành phố cũng từng đặt ra những mốc thời hạn mà các quận huyện phải hoàn thành việc xử lý nhà siêu mỏng, tuy nhiên thời hạn cứ lùi dần. Cho đến nay, nhà siêu mỏng vẫn tồn tại “hiên ngang” như một điều hiển nhiên trên những con đường mới mở.


Theo ông Trần Đức Học, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, trường hợp đường Kim Liên - Hoàng Cầu mới mở đã xuất hiện nhiều nhà siêu mỏng, Sở đã chỉ đạo thanh tra phối hợp với UBND quận Đống Đa và Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội xem xét, nghiên cứu, tìm hướng khắc phục tình trạng này.


“Với những nhà siêu mỏng, siêu méo gây phản cảm, Sở Xây dựng yêu cầu phải xử lý ngay bằng cách dựng các tấm panô trang trí bên ngoài. Trường hợp các hộ dân xây nhà thì vận động người dân tự dỡ bỏ phần siêu mỏng, siêu méo. Nếu người dân không tự giác chấp hành thì sẽ cưỡng chế dỡ bỏ. Sở cũng yêu cầu quận Đống Đa lập phương án thu hồi ngay các trường hợp đất, nhà siêu méo mà không hợp khối được”, ông Học cho biết.


Còn theo Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội, khó khăn trong việc quản lý xây dựng trên nhiều tuyến đường mới mở là thiết kế nhà hai bên tuyến phố chưa có. Ngoài ra, việc chậm ban hành quy chế quản lý công trình cao tầng cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng tuyến phố và cấp phép xây dựng.


Phải quyết liệt hơn


Hà Nội đang ráo riết thực hiện “Năm trật tự văn minh đô thị 2014”. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện quyết liệt vào cuộc trong xử lý trật tự xây dựng và bảo vệ môi trường. Trước mắt, thành phố lựa chọn những tuyến đường trục chính, hướng tâm xử lý vấn nạn nhà siêu mỏng, siêu méo. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, nhất là ở các tuyến đường mới mở, Sở Xây dựng Hà Nội đã kiến nghị thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu, có văn bản hướng dẫn các quận phương án chỉnh trang.


Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo đã được thành phố đặt ra từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, công tác phê duyệt dự án giao thông còn làm đơn lẻ, chưa gắn với xây dựng tuyến phố, vẫn còn tình trạng “mạnh ai nấy làm”. “Hành lang pháp lý đã có nhưng lại thiếu các giải pháp, làm không đến đầu đến cuối, thiếu cụ thể”, ông Nghiêm đánh giá.


Hiện các quận, huyện của Hà Nội đã đề xuất thành phố cho phép xử lý nhà, đất siêu mỏng, siêu méo theo phương án hợp khối không hợp thửa (đảm bảo kiến trúc mặt ngoài liền khối thống nhất về hình thức, màu sắc và không nhìn thấy cạnh nhỏ hơn 3 m). Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, phương án này sẽ giảm thiểu kinh phí cũng như khó khăn trong xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo của các quận, huyện.

Hoàng Dương


 

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN