Hà Nội vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn lao động

Thời gian qua, TP Hà Nội đã có nhiều giải pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ, song thực tế, điều kiện làm việc của công nhân lao động làm việc trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa được quan tâm đúng mức.

Năm 2016, tình hình tai nạn lao động, cháy nổ trên địa bàn Thủ đô tăng đột biến, riêng tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết người tăng gần 200% so với năm 2015 với tổng số 169 vụ, làm chết và bị thương 179 người. Toàn thành phố đã xảy ra 831 vụ cháy, làm 19 người chết, 18 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính trên 80 tỷ đồng và 7 ha rừng. Nguyên nhân gây cháy là do sự cố điện và sơ suất khi sử dụng lửa chiếm tỷ lệ cao.


Theo các đơn vị chức năng của thành phố, các vụ tai nạn lao động chủ yếu xảy ra trong ngành xây dựng, sửa chữa, sử dụng điện, đặc biệt là ở các công trình xây dựng nhà cao tầng có kết cấu phức tạp. Tuy nhiên, số vụ tai nạn lao động, cháy nổ nói trên chưa phản ánh đúng tình hình diễn ra trong thực tế do nhiều doanh nghiệp không khai báo với các cơ quan chức năng khi có tai nạn lao động xảy ra mà tự thỏa thuận giải quyết với gia đình nạn nhân. Các vụ tai nạn lao động xảy ra ở doanh nghiệp có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân, hộ sản xuất cá thể, hợp tác xã, làng nghề hầu như chưa thống kê được.


Trước thực trạng đáng báo động trên, để nâng cao nhận thức và tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, thực thi có hiệu quả Luật An toàn, vệ sinh lao động, UBND thành phố Hà Nội sẽ phát động “Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động lần thứ 1, năm 2017” trên địa bàn toàn thành phố từ ngày 1/5 đến hết ngày 30/5/2017.


Theo đó, thành phố yêu cầu chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, doanh nghiệp, người lao động tham gia tích cực với những hoạt động thiết thực, không chỉ dừng lại ở việc phát động phong trào. Trong đó, thành phố tập trung đẩy mạnh công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhằm giúp các cơ sở cập nhật kịp thời những thông tin, kiến thức cần thiết, biết cách xử lý các tình huống tai nạn lao động, cháy nổ...


Thành phố cũng yêu cầu các doanh nghiệp cần cải thiện điều kiện làm việc, chủ động phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường lao động, hạn chế tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; rà soát, kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ tại đơn vị để phát hiện, ngăn chặn những nguy cơ gây mất an toàn lao động và cháy nổ có thể xảy ra.


Bên cạnh đó, ngoài các hoạt động như hội thảo, nói chuyện các chuyên đề về cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe người lao động...các cấp công đoàn cần đặc biệt quan tâm đến đội ngũ công nhân, người lao động làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.


Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, trong tháng hành động này, Ban Chỉ đạo an toàn, vệ sinh lao động thành phố thành lập 2 Đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra 50 đơn vị, doanh nghiệp có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, cháy nổ cao và 10 Ban Chỉ đạo an toàn, vệ sinh lao động cấp quận, huyện, thị xã. Sau tháng phát động cao điểm, các Ban Chỉ đạo vẫn tiếp tục thanh, kiểm tra trong lĩnh vực này.


Lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị chức năng phải xử lý nghiêm các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết người và các vụ cháy nổ gây thiệt hại lớn về người, tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và công dân.

Minh Nghĩa (TTXVN)
Hình thức thông tin về an toàn lao động chưa phong phú
Hình thức thông tin về an toàn lao động chưa phong phú

Đó là nhận xét của các chuyên gia tại Hội nghị mạng lưới thông tin quốc gia về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) lần thứ 20, diễn ra ngày 16/12, tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN