Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, công tác truyền thông và chuỗi các hoạt động trọng tâm sẽ diễn ra liên tục từ ngày 20/5-31/7/2019. Nhiều băng rôn, áp phích, khẩu hiệu về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường với chủ đề “Đi tìm bầu trời xanh, ngập tràn không khí sạch” sẽ được treo, dán tại trụ sở các cơ quan, đơn vị và nơi công cộng.
Cùng với việc triển khai một số nhiệm vụ cấp bách nhằm cải thiện chất lượng không khí, bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, Sở chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý triệt để các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí, gây áp lực lớn đến môi trường; đồng thời các địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ, giảm thiểu sử dụng bếp than tổ ong.
Ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: Thành phố chủ trương sàng lọc loại hình cũng như công nghệ sản xuất trong thu hút đầu tư, không cấp phép cho các dự án không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.
Các đơn vị chức năng tập trung đôn đốc các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý khí thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường và lắp đặt hệ thống quan trắc tự động truyền dữ liệu về cơ quan quản lý Nhà nước theo quy định; triển khai lồng ghép mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo các cam kết quốc tế của Việt Nam vào các Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngành và địa phương.
Để làm tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường Thủ đô và giảm thiểu mức độ ô nhiễm, thành phố Hà Nội đang tích cực huy động sự tham gia, phối hợp của các tổ chức phát triển quốc tế, các nhà tài trợ và các Đại sứ quán trên địa bàn chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp về không khí sạch - thành phố xanh. Đồng thời, thành phố tổ chức nhiều cuộc thi, diễn đàn và các hoạt động bổ trợ khác cho các học sinh, sinh viên, các gia đình và toàn thể cộng đồng để tìm kiếm các sáng kiến về bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng không khí, tôn vinh lối sống xanh và xây dựng đô thị bền vững.
Cụ thể, Hà Nội triển khai thực hiện chương trình thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp sữa giấy tại các trường học nhằm giảm thiểu chất thải nhựa tại quận Hoàn Kiếm, từ đó đánh giá kết quả để mở rộng mô hình trên toàn địa bàn thành phố; xây dựng mô hình sân chơi tái chế, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải cac-bon tại một địa bàn được lựa chọn.
Ngày 1/6 tới đây, Sở Tài nguyên Môi trường phối hợp với Trung tâm Sống - Học tập vì môi trường và cộng đồng (Live&Learn), UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức Ngày hội “Không khí sạch - Hà Nội xanh” tại phố đi bộ hồ Gươm. Qua đó, truyền tải mong muốn các bậc phụ huynh chú ý bảo vệ con em mình khỏi những tác động của ô nhiễm không khí. Đây cũng là điểm đến cung cấp cho người dân Thủ đô các thông tin và giải pháp khắc phục ô nhiễm không khí thông qua các hoạt động chơi và học, nghệ thuật cũng như giao lưu với các tổ chức cung cấp giải pháp môi trường sáng tạo, khả thi.
Cũng trong dịp này, Hà Nội tổ chức Diễn đàn quốc tế “Đi tìm giải pháp cho bầu trời xanh” với sự tham gia của 4 thành phố trong khu vực: Hà Nội (Việt Nam), Bắc Kinh (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Seoul (Hàn Quốc) với mục tiêu kết nối và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, các bài học thành công trong việc triển khai các giải pháp cải thiện chất lượng không khí.