Hà Nội, Thừa Thiên - Huế tích cực giúp đỡ người dân gặp khó khăn

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, tính đến cuối ngày 23/8, thành phố Hà Nội đã rà soát và quyết định hỗ trợ cho 279.665 người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo, cận nghèo với số tiền gần 280 tỷ đồng.

Trong đó, các quận, huyện, thị xã đã thực hiện chi trả cho 243.921 người, hộ gia đình với số tiền gần 244 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Chi trả hỗ trợ cho lao động gặp khó khăn tại Hà Nội. Ảnh tư liệu: XC/Báo Tin tức

Đây là hoạt động triển khai thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, quy định một số chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đối với 8 nhóm đối tượng. Chương trình nhằm đảm bảo an sinh xã hội đối với người dân trên địa bàn, đặc biệt là người có công với cách mạng, gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn, người lao động mất việc làm do dịch COVID-19.

Thực hiện Nghị quyết 15, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã triển khai nội dung đến từng địa phương, đảm bảo quyền lợi cho toàn bộ các đối tượng được thụ hưởng chính sách đặc thù. Chỉ sau 10 ngày thực hiện, đến nay, các địa phương ra quyết định hỗ trợ cho 279.625 trường hợp thuộc diện người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội (nhóm 1, 2,3). Theo đánh giá của Sở, con số này đã đạt 93% so với số lượng dự kiến (khoảng 301.000 người) cho 3 nhóm đối tượng này.

Cụ thể, các đối tượng thuộc nhóm 1 (hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo, cận nghèo của thành phố) đã được các quận, huyện, thị xã phê duyệt hỗ trợ cho 35.931 hộ nghèo và hộ cận nghèo với số tiền gần 36 tỷ đồng, trong đó đã chi trả hỗ trợ được 33.344 hộ với số tiền hơn 33 tỷ đồng.

Tại nhóm 2 (hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng và tại các Trung tâm bảo trợ xã hội nhưng đang sống tại gia đình, chưa quay trở lại trung tâm), các địa phương đã phê duyệt hỗ trợ cho 170.710 đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền 170  tỷ đồng, trong đó đã chi trả hỗ trợ được 147.159 đối tượng với số tiền 147 tỷ đồng.

Ở nhóm 3 (hỗ trợ người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, thương binh hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng), các quận, huyện, thị xã đã phê duyệt hỗ trợ cho 72.984 người với số tiền gần 73 tỷ đồng, trong đó đã thực hiện chi trả hỗ trợ được 63.378 người với số tiền hơn 63 tỷ đồng.

Đối với các nhóm đối tượng khác, các sở, ngành có liên quan và các quận, huyện, thị xã đang tiếp tục triển khai thực hiện. Trong đó, các địa phương đã phê duyệt và hỗ trợ cho 9 người với số tiền 22,5 triệu đồng đối với nhóm 6 (người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông…); hỗ trợ 18 triệu đồng cho 3 chủ cơ sở nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đủ điều kiện hoạt động phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên…

Ngoài chương trình này, với tinh thần "tương thân tương ái", Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, Liên đoàn Lao động thành phố, Thành đoàn Hà Nội và một số quận, huyện, thị xã cũng đã huy động nhiều nguồn lực để cùng chung sức hỗ trợ cho các đối tượng còn khó khăn trên địa bàn ổn định cuộc sống với tổng kinh phí trên 141 tỷ đồng. Thành phố cũng hỗ trợ cho 3.431 hộ nghèo không có người trong hộ tham gia thị trường lao động, gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19 với 3.431 suất quà là nhu yếu phẩm trị giá hơn 3,4 tỷ đồng.

* Trong cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên - Huế diễn ra ngày 23/8, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị các địa phương rà soát kỹ, nắm số lượng người dân đang ở các tỉnh, thành phố có dịch để có chính sách hỗ trợ kịp thời. Trước mắt, tỉnh sẽ hỗ trợ mỗi người dân 1 triệu đồng để vượt qua khó khăn.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đang xây dựng kế hoạch để tiếp tục đón người dân ở các vùng dịch trở về, đặc biệt ưu tiên người già, trẻ em và phụ nữ mang thai... Việc đón công dân trở về sẽ thực hiện sau khi các tỉnh, thành phố có dịch hết thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Mặc dù tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này cơ bản được kiểm soát, nhưng nguy cơ bùng phát dịch vẫn tiềm ẩn. Vì vậy, công tác phòng, chống dịch được các cấp, ban ngành địa phương chú trọng liên tục, sẵn sàng trước các diễn biến của dịch.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương cho rằng, thời điểm hiện tại các đơn vị, địa phương phải tập trung thực hiện tốt việc kiểm tra giám sát tại các chốt kiểm soát y tế, các khu cách ly tập trung; theo dõi diễn biến các trường hợp cách ly tập trung trở về địa phương cách ly tại nhà; tập trung điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 và chủ động phương án điều trị phù hợp với các bệnh nhân chuyển biến nặng.

Ngành y tế tỉnh cần chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế... huy động tối đa mọi nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng COVID-19 theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Cùng ngày, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã kích hoạt, tiếp nhận hàng chục bệnh nhân COVID-19 đến điều trị tại khu cách ly điều trị ca mắc COVID-19 không triệu chứng tại Trường Cao đẳng nghề số 23 (thị xã Hương Thủy). Khu cách ly có 65 phòng bệnh; 27 bác sĩ, điều dưỡng chia làm 3 kíp trực để thực hiện nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân.

Để sẵn sàng tiếp đón bệnh nhân, lực lượng quân đội cùng các đơn vị liên quan đã huy động lực lượng chuẩn bị cơ sở vật chất, sơn sửa hệ thống điện, nước, camera giám sát, hệ thống wifi cũng như lắp đặt giường bệnh, bố trí chăn màn, ga gối đầy đủ phục vụ người bệnh. Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất.

Vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu đã có thư kêu gọi ủng hộ nhân dân đồng hương Thừa Thiên - Huế tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khu vực phía Nam gặp khó khăn do dịch COVID-19 đang gặp khó khăn, chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19

Ngày 23/8, tỉnh Thừa Thiên - Huế phát hiện 13 ca mắc COVID-19, trong đó có 7 ca cộng đồng liên quan đến các trường hợp dương tính virus SARS-CoV-2 đã công bố trước.

Kim Anh - Mai Trang (TTXVN)
Bến Tre phân bổ gạo hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn
Bến Tre phân bổ gạo hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn

Ngày 23/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh ký ban hành Công văn số 5010/UBND-KGVX về việc giao tiếp nhận gạo hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN