Ngày 28/11, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã bấm nút khai trương thí điểm hệ thống vé điện tử liên thông đa phương thức cho giao thông công cộng Thủ đô. Dự án do Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP Hà Nội thực hiện là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hướng tới thành phố thông minh, đem lại nhiều lợi ích cho thành phố và người tham gia giao thông công cộng.
Ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP Hà Nội cho biết, sau gần 3 tháng chuẩn bị khẩn trương, đơn vị tiến hành thực hiện triển khai thí điểm hệ thống vé liên thông đa phương thức cho vận tải hành khách công cộng (VTHKCC). Đến nay, 13 tuyến buýt thường và 1 tuyến BRT đã hoàn thành xong công tác chuẩn bị cùng các thủ tục liên quan, đủ điều kiện để chính thức đưa vào khai thác vận hành thí điểm đợt 1.
"Đối với 10 tuyến buýt còn lại do Công ty CP Tập đoàn công nghệ Vietsens triển khai, phải tích cực hoàn thiện thêm giải pháp để sớm đưa thực hiện thí điểm”, ông Thái Hồ Phương thông tin. Hệ thống vé điện tử liên thông đa phương thức ngoài việc thực hiện bán vé và soát vé nhanh chóng, thuận tiện còn đáp ứng các yêu cầu quản lý điều hành mạng lưới tuyến, cho phép tạo ra cơ chế vé linh hoạt để thu hút người dân sử dụng dịch vụ VTHKCC.
Theo ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, mạng lưới vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố đang khai thác vận hành có 154 tuyến buýt, 1 tuyến đường sắt đô thị (tuyến số 2A), dự kiến cuối năm 2024 sẽ tiếp tục đưa vào khai thác vận hành đoạn trên cao (8,5Km) của tuyến đường sắt đô thị số 3 và theo Quy hoạch giao thông vận tải đã được duyệt sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài L=417Km.
Tuy nhiên, hiện nay việc khai thác vẫn chủ yếu được thực hiện thông qua việc sử dụng vé giấy, thanh toán thủ công bằng tiền mặt (các tuyến ĐSĐT đã và đang triển khai mặc dù có hệ thống thẻ vé điện tử, nhưng có các công nghệ thẻ vé khác nhau, dẫn đến chưa đảm bảo tính liên thông và vẫn chỉ là vận hành độc lập), điều này sẽ gây khó khăn trong việc tính toán, phân bổ sản lượng, doanh thu; chưa đa dạng được hình thức thanh toán; không đảm báo tính liên thông và hạn chế khả năng tiếp cận của người dân.
Từ thực tiễn như đã nêu trên và kinh nghiệm của các nước trên thế giới, việc sớm triển khai hệ thống vé điện tử liên thông cho mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt và đường sắt đô thị trên TP Hà Nội là cần thiết, nhằm giải quyết được kịp thời các tồn tại, bất cập hiện nay, làm cơ sở để thành phố triển khai các chính sách giá vé có tính ưu việt, hỗ trợ nhiều hơn cho hành khách trong tương lai, từ đó thu hút, gia tăng sản lượng hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng bằng xe buýt; tiến tới hạn chế sử dụng tiền mặt.
Với việc thu vé điện tử, cơ quan quản lý Nhà nước có được cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ cho công tác hoạch định chính sách, điều hành, quản lý hệ thống xe buýt trên địa bàn Thành phố một cách hiệu quả và nhanh chóng. Việc triển khai thí điểm thẻ vé điện tử liên thông là tiền đề quan trọng cho việc triển khai đồng bộ hệ thống thẻ vé điện tử liên thông trên toàn mạng lưới vận tải hành khách công cộng nói chung và xe buýt nói riêng.
Sau khi thí điểm, Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ cùng với các đơn vị liên quan tổng kết đánh giá toàn diện các ưu nhược điềm, bất cập tồn tại, để đưa ra phương án tối ưu về kỹ thuật, công nghệ đối với hệ thống thẻ vé điện tử liên thông, làm cơ sở đề xuất tổ chức triển khai áp dụng đối với toàn mạng lưới vận tải hành khách công cộng tại thành phố.