Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, các địa phương đang khẩn trương thực hiện rà soát, lập danh sách các trường hợp thụ hưởng theo quy định để thực hiện chi trả, đảm bảo kịp thời, chu đáo. Với sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội, đối tượng người có công, thân nhân người có công với cách mạng trên địa bàn Thủ đô ngày càng được mở rộng, mức hỗ trợ ngày càng tăng; đặc biệt, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 24/2022/NĐ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, Sở và các Phòng Lao động Thương binh và Xã hội các quận, huyện, thị xã đã tiếp nhận, giải quyết 11.205 hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân với kinh phí khoảng 42 tỷ đồng. Tổng kinh phí chi cho công tác ưu đãi người có công của thành phố là 1.061 tỷ đồng (trong đó, thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp cho trên 81.000 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với số tiền 887,5 tỷ đồng; chi trả trợ cấp một lần 87 tỷ đồng; chi điều dưỡng người có công 45 tỷ đồng; điều chỉnh mức trợ cấp thờ cúng liệt sỹ đối với 29.870 trường hợp, kinh phí 41,8 tỷ đồng).
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội đã phối hợp tra cứu, cung cấp thông tin đối với 41 trường hợp liệt sỹ cho các các đơn vị quân đội để phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xác định danh tính liệt sỹ còn thiếu thông tin.
Phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, nhằm tri ân, tưởng nhớ đến công lao của các Anh hùng Liệt sỹ đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã tham mưu tổ chức đoàn đại biểu thành phố đi dâng hương tại các nghĩa trang liệt sỹ thành phố, một số địa danh di tích lịch sử cách mạng và nghĩa trang liệt sỹ quốc gia có nhiều phần mộ liệt sỹ Hà Nội, như: Hà Giang, Điện Biên, Côn Đảo, Phú Quốc, Tây Ninh, Kon Tum, đảm bảo chu đáo, trang trọng, an toàn. Các quận, huyện thị xã cũng tổ chức 5 đoàn đại biểu, gồm 230 cán bộ, người có công tiêu biểu đi viếng Nghĩa trang Liệt sỹ tại các tỉnh: Hà Giang, Điện Biên, Nghệ An, Quảng Trị,…, thăm viếng các nghĩa trang liệt sĩ thành phố và địa phương. Trong tháng 7, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội tiếp tục tham mưu tổ chức đoàn đại biểu viếng các nghĩa trang tại tỉnh: Quảng Trị, Nghệ An.
Hưởng ứng cuộc vận động xây dựng, ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của UBND thành phố Hà Nội năm 2023, tính đến hết tháng 6, toàn thành phố đã vận động được 21,4 tỷ đồng, đạt 93,5% kế hoạch. Dự kiến đến hết tháng 7/2023, các quận, huyện, thị xã sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa thành phố giao là 22,9 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các địa phương đã vận động xã hội hóa cho việc tu sửa, nâng cấp 126/143 nhà ở cho người có công, đạt 88,1% kế hoạch năm, với kinh phí 5,88 tỷ đồng; tặng 735/1.254 sổ tiết kiệm tình nghĩa, đạt 58,6% kế hoạch với kinh phí 2,36 tỷ đồng, trung bình 3,2 triệu đồng/sổ (giá trị sổ tiết kiệm tăng 1,1 triệu đồng/sổ so với năm 2022); tu sửa, nâng cấp 43/53 công trình ghi công liệt sỹ, đạt 81,1% kế hoạch, với kinh phí 8,1 tỷ đồng.
Các quận, huyện đã lập danh sách và đưa 10.673/17.155 người có công đi điều dưỡng tập trung tại các Trung tâm Điều dưỡng người có công thành phố, đạt 62,2% kế hoạch năm. 70/70 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đươc các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng.
Các quận, huyện thị xã đã, đang phối hợp với các bệnh viện, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện, các bệnh viện, trung tâm y tế cấp thuốc, tặng quà cho gần 30.000 đối tượng chính sách người có công với kinh phí dự kiến 6 tỷ đồng. Tiêu biểu là các quận, huyện: Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Đông Anh, Đan Phượng, Gia Lâm, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thanh Oai, Thanh Trì.