Hà Nội sẽ tăng giá nước sạch theo lộ trình

Liên ngành Tài chính- Xây dựng - Lao động Thương binh Xã hội - Cục thuế đã báo cáo UBND thành phố Hà Nội về việc xem xét tăng giá nước sạch kể từ ngày 1/10/2013 đến năm 2015 theo lộ trình hàng năm. Dự kiến mức tăng trong 3 năm tới sẽ từ 40 - 60%. Đây là thông tin tại buổi giao ban báo chí Thành ủy ngày 10/9.


Không ảnh hưởng lớn đến khả năng chi trả


Bà Vương Thị Thu Hằng, Trưởng Ban giá (Sở Tài chính), cho biết: Giá nước sạch Hà Nội đang áp dụng từ đầu năm 2010, với mức 4.000 đồng/m3 (áp dụng dưới 10 m3). Liên ngành đã tiến hành thẩm định chi phí sản xuất giá nước sạch từ tháng 4/2013. Theo đó, các chi phí đầu vào trong thời gian qua đều tăng. Cụ thể lương tối thiểu vùng tăng từ 800.000 đồng/người/tháng lên 1.150.000 đồng/người/tháng; tỷ lệ trích bảo hiểm, kinh phí công đoàn tăng từ 19 - 23%; tiền điện bình quân tăng từ hơn 948 đồng/kWh lên hơn 1.500 đồng/kWh. Bên cạnh đó, thuế tài nguyên tăng từ 0,5% lên 3%. Các khoản chi phí mới được áp dụng gần đây như phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, chi phí dịch vụ môi trường rừng, chi phí an toàn vệ sinh đều tăng. Chính vì vậy, việc điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch hiện nay là phù hợp với điều kiện thực tế. Liên ngành đã thẩm định giá thành sản xuất và lưu thông nước sạch, cho thấy: Năm 2013 là hơn 7.400 đồng/m3, năm 2014 là hơn 7.900 đồng/m3 và năm 2015 là gần 8.300 đồng/m3.


Như vậy, để bù chi phí sản xuất này, giá nước sạch trong 3 năm tới sẽ tăng khoảng 40-60%. Tuy nhiên, để sự thay đổi này không đột ngột, gây ảnh hưởng đến khả năng chi trả của người dân, liên ngành đã đưa ra mức tăng giá nước sạch theo từng năm. Theo khảo sát của liên ngành, số người dân sử dụng nước sinh hoạt dưới 30 m3 chiếm 67%, thì mức tăng bình quân 19,6% tạo sự ổn định và hạn chế ảnh hưởng chi trả của người dân.


Song hành cùng chất lượng


Trước thông tin tăng giá nước sạch, chị Nguyễn Thị Hải (Nghĩa Đô, Cầu Giấy) cho biết: “Bình quân nhà tôi chi phí nước sạch khoảng 100.000 đồng/tháng, nếu tăng mức này, nhà tôi chi thêm khoảng 19.000 đồng/tháng. Số tiền này nằm trong khả năng chi trả, nhưng tôi quan tâm đến vấn đề chất lượng nước sạch. Trong 2 năm gần đây, việc cung cấp nước đã ổn định hơn, nhưng người dân cần biết đầy đủ những thông tin về chất lượng nước sạch”.

Năm 2013, mức giá bình quân tăng 26,3%, áp dụng từ 1/10/2013; trong đó mức giá thấp nhất phục vụ sinh hoạt là 4.172 đồng/m3, mức giá cao nhất là phục vụ kinh doanh 14.137 đồng/m3. Năm 2014, giá nước sạch tăng 24,8% so với năm 2013; trong đó nước sinh hoạt là 5.020 đồng/m3, kinh doanh dịch vụ là 18.342 đồng/m3. Năm 2015, tăng 19,34% so với năm 2014; trong đó giá nước sinh hoạt là 5.973 đồng/m3, mức giá kinh doanh dịch vụ là 22.068 đồng/m3.


Về vấn đề này, ông Nguyễn Như Hải, Tổng Giám đốc Công ty nước sạch Hà Nội, cho biết: “Chúng tôi cam kết về chất lượng nước sạch tại nhà máy. Nhưng khi hòa mạng hệ thống, với sự tồn tại chung giữa nước cũ lẫn mới thì phải kiểm tra, giám sát thường xuyên. Với mức giá dự kiến tăng của liên ngành như hiện nay, trong năm nay, công ty vẫn lỗ hơn 185 tỷ đồng. Từ năm 2014, mức tăng mới đảm bảo công ty không lỗ. Đơn vị chúng tôi là doanh nghiệp hạch toán chi phí, nhưng hoạt động theo mô hình dịch vụ công ích, nên chỉ khi đảm bảo không lỗ thì chúng tôi mới có điều kiện mở rộng sản xuất, đảm bảo chất lượng”.


Dự báo mức tăng giá nước sạch lần này cũng là cớ để các nhà trọ tăng giá thuê nhà với đối tượng sinh viên, ông Nguyễn Như Hải cho biết: “Chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề này, vì những đối tượng thuê nhà như sinh viên cũng chỉ dùng nước sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, có hiện tượng các chủ nhà trọ lợi dụng việc này để kinh doanh. Để việc này minh bạch, cần có sự vào cuộc của chính quyền sở tại. Về phía công ty nước sạch, sẽ tạo mọi điều kiện để những đối tượng sinh viên thuê trọ được hưởng giá dịch vụ sinh hoạt ở mức thấp nhất”.


Đánh giá tác động với doanh nghiệp, bà Vương Thị Thu Hằng cho biết: Theo khảo sát một số doanh nghiệp sử dụng nhiều nước sạch như khách sạn thì tỷ trọng tiền nước bình quân chiếm từ 0,023 - 0,039% so với doanh thu nên dự kiến mức tăng này không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất doanh nghiệp.


Ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội khẳng định: Việc tăng giá nước theo báo cáo của liên ngành để bù đắp chi phí. Tuy nhiên đây là vấn đề nhạy cảm liên quan đến nhu cầu cuộc sống người dân nên việc tăng sẽ theo lộ trình, đồng thời đảm bảo cho đơn vị hoạt động ổn định và có điều kiện tái đầu tư, mở rộng mạng lưới cung cấp nước sạch cho vùng ngoại ô. Tuy nhiên, dù tăng giá nước, nhưng Hà Nội vẫn kêu gọi người dân dùng nước tiết kiệm.


Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN