UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu Sở Nông nghiêp và Phát triên nông thôn và một số đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát các công trình đầu mối, các khu chứa lũ cũng như phương án vận hành các công trình phân lũ, chậm lũ tại khu vực sông Đáy, Lương Phú, Quảng Oai...; chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng thực hiện phân lũ, chậm lũ khi có tình huống bất thường về thiên tai, lũ, bão.
UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu UBND các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức và thị xã Sơn Tây tăng cường tuyên truyền, quán triệt chủ trương phân lũ, chậm lũ đến người dân, có kế hoạch sẵn sàng thực hiện việc sơ tán, bảo vệ, cứu hộ nhân dân; thông báo, cảnh báo, tổ chức và hướng dẫn người dân sơ tán khi có phân lũ, chậm lũ và sẵn sàng triển khai công tác hộ đê, phòng chống lũ trên địa bàn được phân công quản lý.
Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố Hà Nội: Đến thời điểm nay, các công trình gia cố đê, chống sạt lở và một số công trình thuỷ lợi trên địa bàn thành phố như chống sạt lở bờ sông Đà, sông Hồng tại khu vực Ngọc Lâm, Bát Tràng, Thanh Điềm... đã được tập trung đầu tư nhằm tăng cường khả năng chống lũ, chống úng của công trình. Các công ty thủy lợi hoàn thành việc tu sửa máy móc, thiết bị và sẵn sàng vận hành các trạm bơm tiêu úng; tu sửa các công trình thuỷ lợi nội đồng, đặc biệt là các công trình tiêu nước ra sông Hồng, sông Đáy.
Mùa mưa bão năm nay, Hà Nội cũng chủ trương thực hiện việc đưa nước sông Hồng vào sông Đáy (thời điểm từ tháng 8 đến tháng 10), khi mực nước lũ sông Hồng đạt mức cho phép, với lưu lượng nước khoảng 200-300m3/s. Việc đưa nước sông Hồng vào sông Đáy trong mùa lũ năm nay nhằm mục đích nâng cao tính chủ động của nhân dân trong việc ứng phó với việc đưa lũ sông Hồng vào sông Đáy theo Nghị định của Chính phủ về việc thực hiện bãi bỏ việc sử dụng các khu phân lũ, làm chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng; đồng thời cũng kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm khả năng vận hành các công trình chống lũ của hệ thống phân lũ sông Đáy, tạo điều kiện để khôi phục và làm “sống lại” dòng sông Đáy.
Thanh Trà