Ngày 25/2, kỳ họp chuyên đề thứ 21 Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội khóa 16 đã kết thúc tốt đẹp. Với tinh thần nhất trí cao, các đại biểu đã thảo luận, quyết nghị, thông qua 10 Nghị quyết với nhiều nội dung quan trọng liên quan đến việc hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền; tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô trong tình hình mới.
Các đại biểu nhất trí cao và biểu quyết thông qua các Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội.
Tổ chức bộ máy mới từ ngày 1/3/2025
Tại kỳ họp, ông Duy Hoàng Dương, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội cho biết, việc thành lập, tổ chức lại bộ máy là cần thiết, nhằm thực hiện chủ trương của Trung ương, các quy định mới của pháp luật. Đồng thời, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, liên thông trong quản lý Nhà nước đối với ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến cấp huyện. Các cơ quan sau sắp xếp đã đảm bảo giảm trên 15% các đầu mối bên trong (theo định hướng của Trung ương là khoảng từ 15%.
Trước khi sắp xếp bộ máy, tổng số cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND TP Hà Nội là 23 cơ quan (trong đó 21 cơ quan chuyên môn, 2 tổ chức hành chính). Sau khi được sắp xếp, tổng số lượng cơ quan chuyên môn của UBND TP có 15 sở (giảm 6 sở và cơ quan tương đương sở so với hiện nay, tỷ lệ giảm 29%) và 1 tổ chức hành chính khác (giảm 1 tổ chức hành chính, tỷ lệ giảm 50%).
Các sở, cơ quan tương đương sở thuộc UBND TP Hà Nội sau sắp xếp bao gồm: Sở Nội vụ; Sở Tư pháp; Sở Tài chính; Sở Công Thương; Sở Nông nghiệp và Môi trường; Sở Xây dựng; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Y tế; Thanh tra TP; Văn phòng UBND TP; Sở Dân tộc và Tôn giáo; Sở Du lịch; Sở Quy hoạch - Kiến trúc; Ban Quản lý khu công nghệ cao và khu công nghiệp TP.
Các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết, tán thành thông qua phương án thành lập, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND TP Hà Nội. HĐND TP Hà Nội giao UBND TP Hà Nội tổ chức lại, ban hành quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật để thực hiện theo mô hình tổ chức bộ máy mới từ ngày 1/3/2025.
Về công tác nhân sự, kỳ họp này cho thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND Thành phố đối với ông Vũ Đức Bảo (Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, đại biểu HĐND Thành phố 3 khóa 14, 15, 16). HĐND TP Hà Nội cũng miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND Thành phố đối với ông Hà Minh Hải (đã được phân công, bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội).
7.940 chỉ tiêu biên chế công chức hành chính cấp huyện trở lên sau sắp xếp
Tại kỳ họp, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về tổng biên chế công chức và hợp đồng chuyên môn, nghiệp vụ trong cơ quan chuyên môn và tổ chức hành chính khác theo quy định tại Luật Thủ đô năm 2025.
Theo đó, Biên chế công chức hành chính cấp huyện trở lên: 7.940 chỉ tiêu (giữ nguyên), trong đó chỉ tiêu biên chế phân bổ cho các cơ quan, đơn vị là 7.918 chỉ tiêu (tăng 54 chỉ tiêu so với số được giao tại Nghị quyết số 59/NQ-HĐND, lấy từ nguồn dự phòng); chỉ tiêu biên chế dự phòng là 22 chỉ tiêu (giảm 54 chỉ tiêu so với số được giao tại Nghị quyết số 59/NQ-HĐND).
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh trình bày Tờ trình về việc thành lập, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND TP Hà Nội.
Tổng biên chế viên chức hưởng lương ngân sách Nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập năm 2025 là 117.555 chỉ tiêu (giữ nguyên), trong đó chỉ tiêu biên chế phân bổ là 117.287 chỉ tiêu (tăng 12 chỉ tiêu so với số được giao tại Nghị quyết số 59/NQ-HĐND, lấy từ nguồn dự phòng); chỉ tiêu biên chế dự phòng: 268 chỉ tiêu (giảm 12 chỉ tiêu so với số được giao tại Nghị quyết số 59/NQ-HĐND).
Chỉ tiêu hợp đồng chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định tại Luật Thủ đô là 472 chỉ tiêu (tăng 60 chỉ tiêu so với số được giao tại Nghị quyết số 59/NQ- HĐND).
Kỳ họp cũng thông qua số lượng cán bộ cấp phường là 1.056 chỉ tiêu; công chức phường là 2.625 chỉ tiêu; cán bộ, công chức xã, thị trấn là 8.632 chỉ tiêu; số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã là 8.065 chỉ tiêu.
HĐND TP cũng phân chỉ tiêu hợp đồng lao động trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập: 22.915 chỉ tiêu (tăng 77 chỉ tiêu so với số được giao tại Nghị quyết số 59/NQ-HĐND), trong đó hợp đồng thực hiện công việc hỗ trợ, phục vụ theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP: 11.995 chỉ tiêu (tăng 77 chỉ tiêu so với số được giao tại Nghị quyết số 59/NQ-HĐND).
Hợp đồng thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ tại đơn vị sự nghiệp thuộc nhóm 4 lĩnh vực y tể, giáo dục theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP: 2.807 chỉ tiêu (giữ nguyên). Hợp đồng làm công việc nhân viên nuôi dưỡng tại trường mầm non là 8.113 chỉ tiêu (giữ nguyên).
Trong quá trình thực hiện bộ máy mới, TP Hà Nội tiếp tục rà soát, sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không trùng chéo chức năng, nhiệm vụ; điều chỉnh Đề án vị trí việc làm các cơ quan, đơn vị sau khi kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức; bảo đảm mục tiêu thực hiện tinh giản 25% công chức, viên chức hưởng lương ngân sách Nhà nước theo quy định của Trung ương.
Trong năm 2025, TP Hà Nội tập trung xây dựng đề án vị trí việc làm, xác định số lượng người làm việc trong các cơ quan, đơn vị mới sắp xếp để giao biên chế chính thức, ổn định từ năm 2026 đối với các đơn vị đã hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy.
Đáng chú ý, Hà Nội yêu cầu các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp (trừ lĩnh vực y tế, giáo dục) không thực hiện việc tuyển dụng, tiếp nhận công chức, viên chức đối với chỉ tiêu biên chế còn chưa sử dụng để thực hiện chỉ tiêu tinh giản (trừ trường hợp điều động, luân chuyển do thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy).
Đại lý Dịch vụ công trực tuyến đầu tiên của TP Hà Nội đặt tại số 75 phố Đinh Tiên Hoàng.
Đối với Trung tâm phục vụ hành chính công, trong thời gian thí điểm, thực hiện sử dụng biên chế công chức, viên chức, hợp đồng làm chuyên môn nghiệp vụ đảm bảo hiệu quả, đúng mục tiêu hoạt động của Trung tâm. Ưu tiên tiếp nhận, sử dụng đội ngũ công chức, viên chức có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn đang thực hiện nhiệm vụ tại bộ phận một cửa các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố để đảm bảo đáp ứng yêu cầu công việc.
Sẵn sàng cho mục tiêu tăng trưởng trên 8%
HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Bổ sung về phát triển kinh tế xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Cụ thể: GRDP tăng 8% trở lên, trong đó: Dịch vụ tăng 8,6% trở lên; Công nghiệp tăng 7% trở lên; Xây dựng tăng 8,9% trở lên; Nông nghiệp tăng 3,1% trở lên; Thuế sản phẩm tăng 5,7% trở lên; GRDP/người đạt 175 triệu đồng; Vốn đầu tư xã hội 622,7 nghìn tỷ đồng; Kim ngạch xuất khẩu tăng 7%; Chỉ số CPI dưới 5%.
Những nội dung đáng chú ý của Nghị quyết gồm: Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền và cải cách thủ tục hành chính; đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian và giảm chi phí cho doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh và triển khai các dự án đầu tư cả trong và ngoài ngân sách, nhất là các nhóm có thủ tục hồ sơ hành chính nhiều giao dịch như: tư pháp, đất đai, xây dựng, lao động - thương binh và xã hội, bảo hiểm, thuế...
Hà Nội bổ sung nhiều giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên.
Đặc biệt, Nghị quyết hướng đến xây dựng kế hoạch tiến độ, giải ngân từng tháng, từng dự án ngay từ đầu năm, phấn đấu giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2025 đạt trên 95%; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2025 như: Hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây Thành phố; Tuyến đường Tây Thăng Long từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Văn Tiến Dũng thuộc địa bàn quận Bắc Từ Liêm và dự án thành phần 1 của Dự án Vành đai 4).
Phấn đầu giải ngân 100% kế hoạch vốn đối với các dự án thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố hỗ trợ mục tiêu; giải ngân 100% kế hoạch đầu tư công ngân sách cấp huyện. Xây dựng Kế hoạch đấu giá, thu tiền sử dụng đất trên địa bàn thành phố và tập trung chỉ đạo triển khai để đảm bảo nguồn lực cho kế hoạch đầu tư công năm 2025; trong đó 5.117 tỷ đồng của các quận, huyện, thị xã giao cao hơn so với Thành phố giao.
Hà Nội tiếp tục bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công; tháo gỡ các dự án có sử dụng đất chậm triển khai, phấn đấu có ít nhất 50% số dự án khởi động lại. Phấn đấu vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách tăng trên 18%; Phấn đấu vốn FDI đăng ký đạt khoảng 3 tỷ USD...
Kêu gọi đầu tư khu thương mại Outlet; đầu tư xây dựng chợ đầu mối – Yên Thường, Gia Lâm, chợ đầu mối nông sản tổng hợp tại Mê Linh; xây dựng đảm bảo 50% số xã có điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; có thêm ít nhất 1 trung tâm thương mại, 6 siêu thị, 15 chợ. Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tăng trên 14%...
Năm 2025, Hà Nội phấn đấu thu hút khách du lịch đạt 31 triệu lượt, trong đó khách quốc tế 7,5 triệu lượt (5,3 triệu lượt có lưu trú); công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn trên 65%; tổng thu từ khách du lịch tăng trên 13% (khoảng 125.300 tỷ đồng); giá trị gia tăng dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng trên 9%; giá trị gia tăng dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng trên 10,5%.
Dự kiến, Hà Nội từng bước hình thành thành phố phía Tây (đẩy nhanh tiến độ Đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội; chuẩn bị đầu tư và khởi công cầu Tứ Liên, cầu Thượng Cát); Thành phố phía Bắc sông Hồng (khởi công Tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc - Xuân Mai); đẩy nhanh tiến độ Đường cao tốc Đại lộ Thăng Long đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình; Quốc lộ 6; Trục tây Thăng Long...). Chuẩn bị đầu tư để phát triển 5 trục động lực: Trục sông Hồng; Trục Hồ Tây - Cổ Loa; Trục Nhật Tân - Nội Bài; Trục Hồ Tây - Ba Vì; Trục phía Nam.